Bệnh Basedow là một trong những vấn đề phổ biến nhất có liên quan tới tuyến giáp. Căn bệnh này thường ảnh hưởng chủ yếu tới phụ nữ, nhất là những người đang ở độ tuổi mãn kinh (trên 40 tuổi). Khi bị Basedow, người bệnh sẽ có các dấu hiệu và triệu chứng, bao gồm mệt mỏi, tim đập nhanh, đổ nhiều mồ hôi, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt hoặc bướu cổ.
1. Bệnh Basedow là gì?
Bệnh Basedow còn có tên gọi khác là bệnh Graves, là một trong những vấn đề phổ biến nhất có liên quan đến tuyến giáp. Đây là một rối loạn tự miễn dịch, trong đó, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tạo ra các kháng thể globulin bám vào các tế bào tuyến giáp khỏe mạnh và kích thích chúng sản sinh ra nhiều hormone tuyến giáp. Khi loại hormone này vượt quá mức cho phép sẽ dẫn tới tình trạng cường giáp. Bệnh Basedow là một trong những dạng cường giáp thường gặp nhất.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh Basedow có thể gây ra một số ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều cơ quan chức năng trong cơ thể, bao gồm hệ thống thần kinh, não bộ, thân nhiệt cơ thể, cùng một số cơ quan khác.
2. Các triệu chứng của bệnh Basedow
Khi bị bệnh Basedow, người bệnh thường biểu hiện ra các triệu chứng sau:
- Giảm cân nặng, mặc dù không thay đổi chế độ ăn uống
- Tăng tiết mồ hôi
- Nhịp tim nhanh, huyết áp cao kèm theo sự hồi hộp
- Run tay, cơ bắp yếu
- Tăng độ nhạy cảm với nhiệt độ
- Tiêu chảy hoặc tăng tần suất trong nhu động ruột
- Bướu cổ do tuyến giáp mở rộng
- Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt
- Rối loạn cương dương, giảm ham muốn tình dục
- Suy tim
- Mắt lồi
- Da sạm và sần sùi
- Thường xuyên cáu kỉnh, lo lắng
- Khó ngủ
- Bệnh da liễu Graves, là tình trạng xuất hiện lớp da đỏ và dày trên cẳng chân (hiếm gặp)
Trong trường hợp nếu bạn bị kích động, sốt, mê sảng và mạch đập nhanh, khả năng cao bạn đang mắc phải tình trạng “bão tuyến giáp” hay còn gọi là khủng hoảng thyrotoxic. Nếu không được điều trị kịp thời, nó sẽ đe dọa tới tính mạng của người bệnh. Vì vậy, khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, bạn hãy đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị sớm trước khi bệnh gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
3. Nguyên nhân gây ra bệnh Basedow
Các hormone được tiết ra bởi tuyến giáp, hoặc tốc độ mà cơ thể chuyển hóa thực phẩm thành dạng năng lượng. Sự trao đổi chất có mối liên quan trực tiếp với lượng hormone lưu thông trong máu. Vì một lý do nào đó, tuyến giáp đã tiết ra quá nhiều các hormone này, khiến quá trình trao đổi chất của cơ thể tăng cao, gây ra các triệu chứng của bệnh cường giáp như tim đập nhanh, đổ mồ hôi, run rẩy và giảm cân.
Thông thường, tuyến giáp sẽ hoạt động thông qua một loại hóa chất, có tên là hormone kích thích tuyến giáp (TSH), được giải phóng bởi tuyến yên trong não. Tuy nhiên, đối với người bị bệnh Basedow, hệ thống miễn dịch của cơ thể gặp phải sự cố và giải phóng ra các kháng thể bất thường gần giống với TSH. Những tín hiệu “giả” này đã khiến hệ miễn dịch bị nhầm lẫn, tiếp tục kích thích tuyến giáp hoạt động quá mức để sản xuất hormone.
Hiện nay, vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác để giải thích cho lý do tại sao hệ thống miễn dịch lại sản xuất ra những kháng thể bất thường này. Những nhà nghiên cứu đã cho rằng, tính di truyền và một số đặc tính khác có thể là các nhân tố quan trọng dẫn tới vấn đề này. Chẳng hạn như, trong một cặp sinh đôi, nếu một người bị mắc bệnh Basedow thì khả năng khoảng 20% người còn lại cũng sẽ mắc bệnh.
Ngoài yếu tố di truyền, bệnh Basedow có thể bắt nguồn từ những tác động của môi trường. Đặc biệt, những người thường xuyên hút thuốc lá sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh hơn những người khác.
4. Vì sao bệnh Basedow lại phổ biến ở nữ giới?
Phụ nữ là một trong những đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh Basedow. Tuy nhiên, tại sao căn bệnh này lại phổ biến ở nữ giới hơn là nam giới. Nguyên nhân chính có lẽ bắt nguồn từ sự khác biệt về chức năng sinh lý cũng như mặt giải phẫu giữa nam và nữ.
Hầu hết phụ nữ đều trải qua những giai đoạn thay đổi nội tiết nhiều hơn so với nam giới, chẳng hạn như tuổi dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, sinh con, cho con bú, và thời kỳ mãn kinh.
Bên cạnh đó, một số yếu tố khác, bao gồm:
- Sử dụng thuốc: gồm thuốc an thần, thuốc tránh thai, kháng sinh hoặc các liệu pháp hormone.
- Suy giảm hệ miễn dịch: khi các chức năng của hệ miễn dịch bị suy giảm sẽ kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực đối với các hormone bên trong cơ thể và dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh Basedow.
- Các vấn đề về tâm thần: tình trạng mất ngủ, căng thẳng và lo âu cực độ cũng là tác nhân chính làm thay đổi nội tiết.
- Bệnh sử: những phụ nữ đã từng mắc các căn bệnh có liên quan đến tuyến giáp hoặc có người thân trong gia đình mắc phải các vấn đề tương tự sẽ có khả năng cao mắc bệnh Basedow hơn những người khác.
Chế độ ăn uống: thiếu hoặc thừa i-ốt.
5. Điều trị bệnh Basedow
Hiện nay, có ba lựa chọn điều trị thông dụng nhất được sử dụng dành cho những bệnh nhân Basedow, bao gồm:
- Thuốc điều trị tuyến giáp: ví dụ như methimazole hoặc propylthiouracil kê đơn. Ngoài ra, thuốc chẹn beta cũng có thể được sử dụng để làm giảm các triệu chứng do bệnh gây ra.
- Liệu pháp iốt phóng xạ (RAI): đây là một trong những phương pháp điều trị bệnh Basedow phổ biến nhất. Bệnh nhân sẽ sử dụng liều iốt phóng xạ 131 dưới dạng thuốc viên.
- Phẫu thuật tuyến giáp: lựa chọn điều trị này thường ít được áp dụng đối với các trường hợp bị bệnh Basedow. Bác sĩ chỉ yêu cầu thực hiện phẫu thuật nếu các phương pháp điều trị trước đó không mang lại hiệu quả cao, hoặc những phụ nữ đang mang thai mà không thể sử dụng thuốc điều trị tuyến giáp. Khi phẫu thuật, toàn bộ tuyến giáp sẽ được loại bỏ để ngăn chặn nguy cơ cường giáp tái phát.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán Basedow
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, medicalnewstoday.com, healthline.com
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.