Vì sao bạn đau mỏi người ớn lạnh đột ngột?

Tình trạng đau mỏi người ớn lạnh có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như phản ứng cảm xúc, nhiễm vi rút hoặc mắc một số bệnh lý nhất định. Tuỳ thuộc vào từng nguyên do gây ớn lạnh đột ngột mà cách xử lý và điều trị bệnh sẽ khác nhau đối với mỗi người.

1. Ớn lạnh đột ngột là tình trạng gì?

Ớn lạnh rùng mình đột ngột là một phản ứng tự nhiên khi cơ thể tiếp xúc với môi trường khí hậu thay đổi bất ngờ hoặc không phù hợp. Điều này khiến cơ thể phải hoạt động liên tục nhằm tạo ra nhiệt. Đối với trường hợp ớn lạnh đột ngột trên, bạn sẽ không cần phải quá lo lắng, vì nó không gây hại tới sức khoẻ.

Tuy nhiên, nếu cơ thể thường xuyên bị đau mỏi người ớn lạnh và triệu chứng kéo dài lên đến vài phút, thậm chí kèm theo những dấu hiệu bất thường khác như run, sốt hoặc lạnh buốt chân tay,... thì đây chính là tín hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Lúc này, tình trạng ớn lạnh không còn là phản ứng tự nhiên của cơ thể, bạn cần đi khám bác sĩ để biết rõ nguyên nhân gây bệnh.

2. Vì sao bạn đau mỏi người ớn lạnh đột ngột?

Những dấu hiệu như ớn lạnh, đau nhức thân thể, rùng mình đột ngột hoặc mệt mỏi thường xuyên có thể xuất phát từ những nguyên nhân dưới đây:

2.1. Cơ thể bị nhiễm vi rút

Một trong những lý do phổ biến gây ra triệu chứng ớn lạnh rùng mình là nhiễm vi rút. Tuỳ vào chủng vi rút cũng như sức đề kháng của cơ thể mà tình trạng bệnh sẽ biểu hiện ở mức độ từ nhẹ cho đến nặng. Những biểu hiện thường gặp khi nhiễm vi rút, bao gồm sốt, ớn lạnh, đau nhức khắp người và mệt mỏi trầm trọng. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể cảm thấy buồn nôn, nôn ói, ho hoặc tiêu chảy.

Khi cơ thể bị nhiễm vi rút, bệnh nhân cần nghỉ ngơi đầy đủ và tăng bù dịch để sớm hồi phục. Việc sử dụng thuốc kháng sinh sẽ không mang lại hiệu quả chống vi rút, vì vậy bệnh nhân cần dùng thuốc theo chỉ định cụ thể của bác sĩ. Trong tình huống sốt cao kèm ho và nôn mửa mỗi khi ăn uống, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để có biện pháp chữa trị thích hợp.

2.2. Ngộ độc thực phẩm

Cơn ớn lạnh đột ngột cũng có thể xuất hiện khi cơ thể bị ngộ độc thức ăn. Độc tố cũng có thể gây ra những triệu chứng như đau đầu, đau bụng, sốt nhẹ, chán ăn, tiêu chảy và mệt mỏi.

Đa phần tình trạng ngộ độc thực phẩm nhẹ có thể tự khỏi sau khoảng vài ngày mà không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên, nếu vấn đề ngộ độc xảy ra do vi khuẩn, bệnh nhân cần dùng thuốc kháng sinh để chữa trị.

2.3. Hội chứng mệt mỏi mãn tính

Mệt mỏi mãn tính là một tình trạng chưa xác định rõ nguyên nhân, thường có biểu hiện đặc trưng như mệt mỏi kéo dài trên 6 tháng. Ngoài ra, hội chứng trên còn có những dấu hiệu giống như nhiễm vi rút, chẳng hạn như ớn lạnh, đau mỏi cơ thể, khó tập trung do đầu óc choáng váng và sốt nhẹ.

Khi có cảm giác mệt mỏi thường xuyên, bệnh nhân nên đi khám bác sĩ để chẩn đoán rõ nguyên nhân. Trong trường hợp không tìm được lý do cụ thể gây mệt mỏi mãn tính, bệnh nhân có thể áp dụng các biện pháp trị liệu tại nhà như tăng tập thể dục hoặc thiết lập lối sống khỏe mạnh.

2.4. Bệnh bạch cầu đơn nhân

Bạch cầu đơn nhân là căn bệnh gây ra bởi vi rút, thường khiến người mắc phải có cảm giác đau mỏi, ớn lạnh kèm sốt và nổi hạch. Tình trạng này có thể kéo dài một vài tuần cho đến vài tháng. Ngoài các triệu chứng trên, bệnh bạch cầu đơn nhân còn gây ra các vấn đề khác như đau bụng, đau họng, sưng hạch bạch huyết, mệt mỏi, tức ngực, cứng cổ, lách to, chảy máu mũi, tức ngực hoặc vàng da.

Nếu các triệu chứng được đề cập ở trên không thuyên giảm hoặc tự biến mất sau 7 – 10 ngày, người bệnh nên đi khám bác sĩ sớm để có biện pháp điều trị. Nhìn chung, căn bệnh do nhiễm vi rút này thường ít khi gây tác hại nghiêm trọng, bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi và bổ sung nhiều chất lỏng sẽ sớm bình phục.

2.5. Bệnh tự miễn

Ngoài những nguyên nhân trên, bệnh tự miễn cũng là một yếu tố phổ biến gây ra cơn nhức mỏi người và ớn lạnh đột ngột. Bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch nhầm lẫn các tế bào của cơ thể là kháng nguyên lạ và kích hoạt hệ thống tấn công chúng. Tình trạng này thường xuất hiện chủ yếu ở các mô liên kết, tim, da, tuyến nội tiết, thận và đường tiêu hoá.

Khi mắc bệnh tự miễn, cơ thể sẽ phản hồi lại bằng những triệu chứng như ớn lạnh rùng mình, đau nhức cơ thể, mệt mỏi, ho, sốt nhẹ, phát ban hoặc đau khớp. Nếu có những biểu hiện bất thường trên, bệnh nhân nên đi khám bác sĩ sớm và thực hiện xét nghiệm máu để chẩn đoán chính xác tình trạng sức khoẻ, từ có có biện pháp xử lý cụ thể.

2.6. Viêm đường hô hấp

Ớn lạnh và buồn nôn là hai triệu chứng thường gặp phải khi người bệnh mắc các vấn đề về đường hô hấp. Ngoài ra, một số dấu hiệu khác cũng có thể xuất hiện kèm theo, bao gồm:

  • Chóng mặt.
  • Mệt mỏi.
  • Đau đầu.
  • Sổ mũi.
  • Ho có đờm hoặc ho khan.
  • Ngứa họng.
  • Đau họng.

2.7. Lao phổi

Lao phổi là một bệnh lý dễ lây nhiễm và cần phải điều trị bằng kháng sinh dài ngày mới cải thiện bệnh. Khi bị lao phổi, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện đặc trưng như ho kéo dài, ớn lạnh, đổ mồ hôi trộm vào ban đêm, sốt lúc chiều tối, đau ngực, sút cân, khó thở hoặc mệt mỏi. Khi có bất kỳ triệu chứng nào được đề cập ở trên, bạn nên đến khám bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp, giúp sớm cải thiện triệu chứng ớn lạnh rùng mình bất thường.

2.8. Hạ đường huyết

Nguyên nhân khác gây ra tình trạng mệt mỏi và ớn lạnh là hiện tượng hạ đường huyết. Khi nồng độ đường trong máu giảm xuống dưới mức an toàn, cơ thể sẽ bị thiếu hụt lượng glucose cần thiết để hoạt động. Các triệu chứng phổ biến nhất của hạ đường huyết, bao gồm:

  • Cáu gắt.
  • Lo lắng.
  • Mệt mỏi.
  • Chóng mặt.
  • Ớn lạnh đột ngột.
  • Run chân tay.
  • Da lạnh ẩm.
  • Đổ mồ hôi.
  • Buồn nôn.
  • Có cảm giác đói cồn cào.
  • Tim đập nhanh.
  • Mắt nhìn mờ.

Tình trạng hạ đường huyết cần được xử lý ngay nhằm đưa mức đường huyết trở lại nồng độ bình thường. Khi mới phát triệu chứng, người bệnh có thể tăng đường huyết nhanh chóng bằng cách ăn kẹo, uống nước soda có đường hoặc nước trái cây. Trong trường hợp có nguy cơ cao bị hạ huyết áp, bạn nên báo cho người thân và bác sĩ biết để sớm có cách ứng phó.

2.9. Suy dinh dưỡng hoặc cơ thể quá gầy

Suy dinh dưỡng do mắc bệnh lý, hấp thu dưỡng chất kém hoặc rối loạn ăn uống có thể dẫn đến tình trạng ớn lạnh đột ngột. Nếu không cân bằng nhanh chóng các chất dinh dưỡng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các chức năng của cơ thể. Đặc biệt, khi lượng chất béo không được nạp đủ, thân nhiệt sẽ không thể duy trì mức bình thường khi đối mặt với điều kiện nhiệt độ thấp, từ đó tạo nên cơn ớn lạnh rùng mình. Bên cạnh đó, khi cơ thể quá gầy cũng kéo theo một loạt các tình trạng khác như:

  • Cơ thể yếu ớt.
  • Hay bị buồn ngủ hoặc mệt mỏi.
  • Khó tập trung,
  • Tim đập nhanh.
  • Khí sắc nhợt nhạt.
  • Ngất xỉu.
  • Choáng váng.
  • Phát ban.
  • Tê bì các khớp / tứ chi.
  • Có cảm giác châm chích các chi.
  • Vô sinh hoặc rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ.

2.10. Viêm xoang

Sau khi cơ thể bị nhiễm cúm hoặc cảm lạnh, các triệu chứng viêm xoang có thể xảy ra, bao gồm nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau mặt, đau mỏi thân thể hoặc cơ cảm giác nặng ở vùng xoang. Khi xuất hiện những biểu hiện trên, bệnh nhân nên rửa xoang khoảng vài lần / ngày. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng một số loại thuốc thông mũi hoặc thuốc giảm đau thông thường để cải thiện tình trạng viêm xoang. Nếu sau một tuần điều trị mà các triệu chứng không thuyên giảm, bệnh nhân nên đi khám bác sĩ sớm để có phác đồ trị liệu thích hợp.

2.11. Phản ứng ớn lạnh đột ngột do cảm xúc

Trong một số tình huống nhất định, cơn ớn lạnh rùng mình có thể xuất hiện khi bạn trải qua một phản ứng cảm xúc mãnh liệt, ví dụ như lo lắng, sợ hãi, bồn chồn hoặc thậm chí phấn khích. Khi đó, cơn ớn lạnh sẽ chạy dọc theo chiều sống lưng do hệ thần kinh kích hoạt phóng thích hormone Dopamine một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng của cơ thể.

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc vì sao bạn đau mỏi người ớn lạnh đột ngột? Nếu có các dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe