Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thanh Nga - Bác sĩ Mắt - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Bất kỳ rối loạn gây kích ứng kết mạc hoặc giác mạc đều có thể làm chảy nước mắt. Đây thường là triệu chứng, không phải là nguyên nhân của một vấn đề ở mắt. Triệu chứng này có thể khiến chúng ta cảm thấy khó chịu, đặc biệt ở mắt. Tuy nhiên lại không thực sự nghiêm trọng nếu đánh giá được nguyên nhân và tìm cách khắc phục.
1. Các nguyên nhân gây chảy nước mắt
Nước mắt rất cần thiết để nuôi dưỡng và dưỡng ẩm cho mắt. Nước mắt được sản xuất ra từ các tuyến lệ chính và tuyến lệ phụ. Những tuyến lệ này khi bị kích ứng hoặc bị viêm sẽ phản ứng lại bằng cách tiết ra nhiều nước mắt hơn. Những người hay bị chảy nước mắt thường sẽ bị tiết ra rất nhiều nước mắt, trong đó bao gồm nước, dầu và chất nhầy. Việc chảy nước mắt này có thể do những nguyên nhân dưới đây:
1.1. Bị vật lạ bay vào mắt?
Khi có vật lạ bay vào mắt như bụi, lông mi rụng,...cơ thể sẽ tự tiết ra nhiều nước mắt hơn nhằm đào thải, loại bỏ vật lạ đó trôi ra ngoài. Ngay cả những vật có kích thước quá nhỏ mà mắt thường không thể nhìn thấy như các hạt trong khói hoặc hóa chất trong hành tây...cũng khiến mắt có phản xạ tăng tiết nước. Khi vật lạ được lấy ra khỏi mắt hoặc không phải tiếp xúc với những chất dễ gây kích ứng, mắt sẽ ngừng chảy nước.
1.2. Hội chứng khô mắt
Tại sao mắt bị khô lại dẫn đến tình trạng dễ bị chảy nước mắt? Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng vì cơ thể không tạo đủ nước mắt, khiến mắt bị khô, mất cân bằng về nước, dầu và chất nhờn làm mắt ở trong trạng thái khó chịu, giảm chức năng hoạt động của đôi mắt. Do đó, các tuyến lệ bị kích thích tăng tiết nước để khắc phục tình trạng khô mắt. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến khô mắt, vấn đề này thường hay gặp ở người cao tuổi do khả năng tiết nước hàng ngày ở mắt bị giảm dần; hay một số bệnh lý cũng gây khô mắt như viêm kết mạc, viêm giác mạc,... Ngoài ra, khô mắt còn có các triệu chứng khác như nhìn mờ, ngứa mắt hoặc nóng rát ở mắt. Để khắc phục tình trạng khô mắt thông thường, bạn có thể sử dụng nước nhỏ mắt sinh lý. Tuy nhiên, với một số trường hợp nặng hơn thì cần sử dụng thuốc kê đơn.
1.3. Đau mắt đỏ (Viêm kết mạc)
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng chảy nước mắt. Nó có thể làm cho một hoặc cả hai mắt có màu hồng hoặc đỏ, đồng thời cảm thấy ngứa như cảm giác mắt có sạn hay bụi bay vào mắt. Viêm kết mạc do virus hay dân gian còn gọi là đau mắt đỏ là bệnh do virus nhóm Adeno gây ra. Virus có thể tồn tại trên bề mặt các đồ dùng, dụng cụ trong vòng 35 ngày, có thể lây qua việc tiếp xúc với nước bọt, gỉ mắt của người bệnh... Vì thế, bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây nhiễm, nhất là với những người sinh hoạt trong cùng một môi trường, không gian; người thường xuyên tiếp xúc với người bệnh. Đối với bệnh đau mắt đỏ cần điều trị toàn thân và điều trị tại mắt. Nếu nhiễm vi khuẩn, việc quan trọng đầu tiên là phải nhỏ mắt bằng thuốc có chứa kháng sinh, kết hợp cùng các biện pháp khác theo chỉ dẫn của bác sĩ để điều trị bệnh lý này.
1.4. Dị ứng
Chảy nước, ngứa mắt thường kèm theo ho, sổ mũi và các triệu chứng dị ứng thông thường khác. Khi mắt phản ứng lại với các tác nhân gây dị ứng như cỏ dại, phấn hoa, nấm mốc hoặc lông thú cưng, hạt bụi nhà...khiến mắt bị kích thích và dẫn đến chảy nước mắt, hoặc cảm thấy mắt bị khó chịu, nóng rát hay ngứa...Cảm lạnh cũng có thể khiến chảy nước mắt. Tuy nhiên, không khiến mắt bị ngứa như dị ứng thông thường. Đây là một triệu chứng để phân biệt cảm lạnh và dị ứng.
1.5. Tắc ống dẫn nước mắt (tắc lệ đạo)
Thông thường, nước mắt chảy ra từ các tuyến lệ chính và phụ của mắt, lan rộng trên bề mặt nhãn cầu và chảy vào góc trong mắt từ đó đi vào ống dẫn nước mắt (lệ đạo). Nhưng nếu các ống dẫn bị tắc nghẽn, nước mắt sẽ tích tụ và dẫn đến bị chảy nước mắt liên tục. Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tắc nghẽn ống dẫn nước mắt như bị nhiễm trùng, chấn thương, bẩm sinh hay đơn giản là lão hóa.
1.6. Các vấn đề về mí mắt
Mí mắt của bạn giống như cần gạt nước kính chắn gió. Khi bạn chớp mắt, chúng sẽ làm chảy nước mắt và giữ độ ẩm ổn định và cuốn đi bụi bẩn thừa mà mắt thường không nhìn thấy được. Nhưng không phải lúc nào mí mắt cũng hoạt động tốt như chức năng của nó. Mí mắt và lông mi có thể cong vào trong và cọ xát vào mắt, được gọi là quặm mi. Hoặc chúng chảy xệ ra bên ngoài, được gọi là ectropion. Do đó, mi mắt không thể giữ toàn bộ mắt khi bạn chớp mắt, ngược lại còn khiến chảy nước mắt thường xuyên. Trong trường hợp này, phẫu thuật có thể là cách khắc phục vĩnh viễn tình trạng trên.
1.7. Trầy xước trên mắt
Bụi bẩn, cát và kính áp tròng có thể làm xước bên ngoài nhãn cầu (giác mạc) của bạn. Tình trạng này có thể khiến bạn chảy nước mắt, đau, đỏ và trở nên nhạy cảm với ánh sáng. Mặc dù những vết xước này thường có thể tự lành nhưng để đảm bảo an toàn, cách tốt là hãy đi khám bác sĩ ngay để xử trí kịp thời, tránh để lại hậu quả nghiêm trọng như mắt bị nhiễm trùng,...
1.8. Vấn đề về lông mi
Lông mi tưởng như không thể ảnh hưởng gì đến mắt nhưng chúng vô tình khiến chảy nước mắt trong một vài trường hợp, ví dụ như: cọ trực tiếp vào mắt do lông mi mọc ngược hướng vào trong mắt. Đây được gọi là bệnh trichiasis ( quặm )và nó có thể xảy ra sau nhiễm trùng, chấn thương hoặc các vấn đề khác. Để giảm bớt sự khó chịu và chảy nước mắt, bác sĩ có thể khuyên bạn hãy cắt bỏ phần lông mi mọc ngược hoặc chuyển chúng về đúng hướng, tránh cọ vào mắt gây chảy nước mắt không mong muốn.
1.9. Viêm bờ mi
Viêm bờ mi làm cho mí mắt gần lông mi bị sưng lên. Mắt có thể bị cay và chảy nước liên tục, đỏ, ngứa và đóng vảy. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra viêm bờ mi như nhiễm trùng, bệnh trứng cá đỏ và dị ứng. Bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn, điều trị kịp thời, mặc dù trong một vài trường hợp, tình trạng viêm bờ mi có thể tự khỏi mà không cần phải dùng thuốc.
1.10. Các vấn đề với các đường dẫn dầu
Các tuyến nhỏ trên rìa mí mắt của bạn, được gọi là tuyến meibomian, tiết ra lượng dầu vừa đủ giúp giữ cho đôi mắt của bạn khỏe mạnh. Chúng giúp mắt không bị khô quá nhanh và tạo ra rào cản giữ nước mắt ở những nơi bạn cần. Tuy nhiên, nếu các tuyến này bị tắc nghẽn và không tạo đủ dầu thì mắt của bạn sẽ bị kích ứng và chảy nước mắt. Chườm ấm lên mắt là một trong những cách giúp các tuyến nhờn hoạt động bình thường trở lại.
1.11. Các nguyên nhân khác
Nhiều tình trạng bệnh lý có thể gây chảy nước mắt như bệnh liệt Bell, hội chứng Sjogren, nhiễm trùng xoang mãn tính, các vấn đề về tuyến giáp và viêm khớp dạng thấp... Do đó, khi mắc các bệnh lý này thì bạn cần điều trị kịp thời để tránh những ảnh hưởng đến mắt. Nếu mắt bạn thường xuyên chảy nước mắt và không biết tại sao thì hãy đến gặp bác sĩ. Điều trị có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn và nhìn thấy rõ ràng trở lại.
2. Chẩn đoán và điều trị chảy nước mắt
Nếu theo dõi tình trạng chảy nước mắt trong một khoảng thời gian, chúng ta có thể tìm thấy nguyên nhân của nó. Từ đó sẽ có những phương pháp điều trị hay giải quyết vấn đề phù hợp. Ví dụ như:
- Bị mắc hội chứng khô mắt khi liên tục cảm thấy ngứa mắt, gai mắt, cộm mắt hay khó chịu ở mắt trước và trong khi chảy nước mắt;
- Bị dị ứng khi mắt bị ngứa, sưng tấy, chảy nước mắt;
Khi bị chảy nước mắt do mắt bị khô quá hay bị dị ứng, bạn có thể dùng một số loại thuốc không cần kê đơn như:
- Các loại thuốc nhỏ mắt không cần kê đơn để điều trị hội chứng khô mắt: Nước nhỏ mắt nhân tạo sẽ giúp mắt giảm tình trạng bị khô, tạo môi trường ẩm ướt cho đôi mắt. Bên cạnh đó, chúng cũng có thể giúp rửa sạch các tác nhân kích thích làm chảy nước mắt như bụi, khói, hơi cay... Bạn nên sử dụng nước mắt nhân tạo không có chất bảo quản là tốt.
- Các loại thuốc uống không cần kê đơn giúp điều trị tình trạng dị ứng làm mắt bị chảy nước bằng cách làm gián đoạn các phản ứng dị ứng.
Một số cách đơn giản khác bạn có thể làm để phòng ngừa khô mắt, ngứa mắt và kích ứng mắt, đặc biệt với những người phải làm việc, tiếp xúc với máy tính lâu dài như nhân viên văn phòng như sau:
- Thường xuyên chớp mắt khi sử dụng máy tính và nghỉ ngơi để tránh mỏi mắt, massage đôi mắt mỗi ngày;
- Tăng độ ẩm ở nơi làm việc nếu mắt bạn bị khô và bị kích ứng;
- Đeo kính râm để làm giảm các tác nhân gây kích ứng mắt từ ánh nắng mặt trời và gió khi đi đường;
- Uống nhiều nước để tránh bị mất nước và duy trì lượng nước mắt cần thiết...
3. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Nếu tình trạng chảy nước mắt không giảm bớt sau khi đã nhỏ mắt hay dùng các loại thuốc không kê đơn thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được chăm sóc y tế kịp thời. Đặc biệt trong các trường hợp sau:
- Chảy nước mắt không rõ nguyên nhân liên tục trong một thời gian dài;
- Chảy nước mắt đi kèm với đỏ mắt và tiết dịch;
- Chảy nước mắt và đau mắt;
- Chảy nước mắt và đau xoang mũi.
Các bác sĩ sẽ thực hiện khám mắt, tiến hành các xét nghiệm về số lượng, chất lượng nước mắt và theo dõi dòng nước mắt chảy xuống như thế nào. Bạn có thể phải dùng kháng sinh với các trường hợp bị nhiễm trùng, nếu mắt bị khô hay dị ứng, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị phù hợp theo đúng nguyên nhân. Đối với các trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể sẽ phải tiến hành phẫu thuật để mở các ống tuyến lệ bị tắc. Nếu ống tuyến lệ bị chít hẹp mà không bị tắc hoàn toàn, bác sĩ có thể sẽ nới rộng chúng ra để mắt có thể ở trạng thái bình thường.
=>>Lời khuyên từ Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thanh Nga - Bác sĩ Mắt - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long: Nếu bị chảy nước mắt không rõ nguyên nhân người bệnh cần đi khám sớm để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng do bệnh gây ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com