Sinh mổ là một phẫu thuật lớn nên thời gian phục hồi sau sinh thường lâu hơn so với những sản phụ sinh thường. Để trả lời cho câu hỏi vết mổ sau sinh bao lâu thì lành hẳn, bạn đọc vui lòng tham khảo bài viết chi tiết dưới đây.
1. Tìm hiểu vết mổ sau sinh bao lâu thì lành?
1.1 Các vết rạch sinh mổ
Sản phụ lựa chọn phương pháp sinh mổ thường có vết rạch dọc hoặc ngang. Bác sĩ sẽ tạo 2 vết rạch gồm: 1 vết đi qua phần bụng dưới, cách lông mu 2 - 5cm và 1 vết rạch thông qua tử cung. Thông thường, bác sĩ sẽ rạch vết rạch ngang vì phần thấp nhất của tử cung là phần mỏng nhất, ít chảy máu nhất.
Vết rạch dọc chỉ được thực hiện nếu mẹ bầu có sẹo từ cuộc phẫu thuật khác trước đó. Trường hợp em bé ở vị trí bất thường hoặc sản phụ bị chảy máu âm do rau tiền đạo hoặc suy thai, sinh non thì bác sĩ mới thực hiện vết rạch dọc. Thông thường, vết rạch dọc đau hơn, cần thời gian hồi phục lâu hơn so với vết rạch ngang.
XEM THÊM: Chăm sóc vết mổ sau sinh và sau cắt chỉ
1.2 Vết mổ sau sinh bao lâu thì hết đau, lành hẳn?
Chỉ khâu vết mổ sau sinh là loại chỉ có thể thấm hút, ở trong cơ thể sau 6 tuần sẽ tự tiêu hết, không cần phải cắt chỉ. Thời gian phục hồi vết mổ sau sinh sẽ phụ thuộc vào mổ khó hay không (vết mổ cũ dính phải gỡ dính hoặc cắt cơ thành bụng), cơ địa của mỗi người và cách chăm sóc sức khỏe sản phụ. Thông thường, sau 7 ngày vết mổ sẽ liền lại (liền vết thương giai đoạn 1). Vết khâu sẽ khô lại và bị gồ lên 1 đường. Sau 2 - 3 tuần vết mổ tạo thành sẹo nhưng sản phụ vẫn thấy đau khi chạm vào.
Vết mổ sau sinh thông thường dài 11 - 15cm, dần lành lại, màu sắc của vết sẹo cũng dần gần với màu da hơn và sẽ co lại. Về cơ bản, vết sẹo mổ sau sinh không gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ bên ngoài. Trong quá trình lành hẳn, vết mổ có thể bị đau ngứa và sản phụ tuyệt đối không được gãi để tránh kích thích da.
Trung bình khoảng 3 tháng sau sinh vết mổ mới được xem là lành hẳn, sản phụ không còn cảm thấy đau và ngứa xung quanh vết mổ. Tuy nhiên, có một số phụ nữ có cảm giác đau ở vết mổ đến 6 tháng, thậm chí là 1,5 năm. Do đó, tình trạng đau vết mổ sau sinh 1 tháng vẫn có thể gặp và điều này không đáng lo. Tuy nhiên, sản phụ nên tái khám phụ khoa trở lại (thông thường sau sinh 2 tháng) để bác sĩ xác định xem cơ thể đã hồi phục sau sinh chưa, có vấn đề bất thường gì không hoặc tư vấn ngừa thai nếu có nhu cầu,...
XEM THÊM: 3 mức độ của nhiễm khuẩn vết mổ và dấu hiệu phân biệt
2. Lưu ý sau khi sinh mổ giúp nhanh hồi phục sức khỏe
Sau khi sinh mổ, sản phụ thường có các biểu hiện như sản dịch, mệt mỏi, táo bón, khó chịu, đau nhói bụng, đau quanh chỗ bị rạch,... Do đó, bà bầu sau sinh mổ cần chú ý chăm sóc sức khỏe như:
- Khi rút ống xông nên cố gắng vận động nhiều để đẩy nhanh tốc độ phục hồi cơ thể. Tuy nhiên, bạn cần chú ý vận động chậm rãi để tránh chóng mặt, choáng váng;
- Nên nằm nghiêng sang một bên để tránh những cơn đau do thắt tử cung và giảm buồn nôn;
- Cố gắng đi vệ sinh, không cố nhịn vì điều này có thể gây ảnh hưởng tới vết mổ;
- Dùng khăn thấm nước muối loãng, nhẹ nhàng chườm lên vết mổ để tránh nguy cơ nhiễm trùng. Tránh tắm nước nóng hoặc dùng vòi hoa sen cho tới khi liền hoàn toàn vết mổ;
- Thay băng gạc mỗi ngày để giữ cho vết mổ sạch sẽ;
- Cung cấp vitamin A, B, C,... để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm vết mổ. Cung cấp vitamin K và canxi, kẽm, sắt, đồng,... để cầm máu, tái tạo máu và nhanh làm lành vết thương. Đồng thời, sản phụ nên ăn những thực phẩm giàu protein như thịt, cá, trứng, sữa,... để tái tạo lớp da non, nhanh làm liền vết mổ. Bên cạnh đó, phụ nữ sau sinh mổ nên hạn chế các món kích thích như hành, tỏi, đồ ăn cay,... hoặc món như rau muống, thịt gà, đồ nếp, hải sản,... để tránh bị sẹo lồi, khiến vết mổ lâu lành, nổi ban hoặc ngứa ngáy. Nếu sản phụ mắc bệnh tim mạch, bệnh gan, tiểu đường,... thì phải tuân thủ chế độ ăn uống của bác sĩ;
- Mặc quần áo rộng rãi để tránh cọ xát, kích thích vết mổ;
- Tránh nâng vật nặng, trừ việc bế em bé vì có thể gây áp lực lên vết mổ. Cần tránh điều này tối thiểu 2 tuần sau sinh để giúp vết mổ có thời gian liền lại;
- Không tập luyện ngay sau khi sinh mà cần chờ tới khi bác sĩ cho phép bởi nếu tạo áp lực lên ổ bụng quá sớm thì có thể gây nguy hiểm, dẫn tới chảy máu;
- Không đeo đai bụng để giảm vòng eo vì bụng sẽ tự nhỏ lại dần. Việc sử dụng đai bụng có thể làm tăng nguy cơ bạn bị thoát vị sau này;
- Luôn uống đủ nước để tránh táo bón vì với vết mổ chưa liền, việc đi tiêu phải rặn có thể gây áp lực mạnh lên ổ bụng, gây nguy hiểm;
- Cho trẻ bú đều đặn để đẩy nhanh quá trình hồi phục;
- Tránh quan hệ tình dục trong 6 tuần đầu tiên sau mổ (hoặc thời gian dài hơn);
- Chú ý tới những triệu chứng bất thường như sốt, nhức đầu và buồn nôn khi vết mổ chưa lành vì đó có thể là biểu hiện nhiễm trùng vết mổ;
- Không tự ý sử dụng thuốc giảm đau nếu không có chỉ định của bác sĩ. Nếu bạn đang cho con bú thì việc tự ý dùng thuốc giảm đau có thể gây nguy hiểm. Nếu tình trạng đau kéo dài trên 6 tuần sau mổ, bạn cần báo cho bác sĩ.
Thời gian lành vết mổ sau sinh phụ thuộc vào cơ địa, cách chăm sóc sức khỏe và chế độ dinh dưỡng của sản phụ. Khi có những dấu hiệu bất thường từ vết mổ như chảy mủ, sốt trên 38°C, đau đớn,... cần đưa sản phụ đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa nhiều bệnh lý. Đây cũng là địa chỉ thăm khám, sàng lọc các bệnh lý sản phụ khoa được nhiều người tin tưởng chọn lựa. Tại Vinmec có tích hợp nhiều chuyên khoa với quy trình thăm khám bài bản nên giúp các sản phụ mau chóng phục hồi sức khỏe, hạn chế biến chứng về sau.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.