Bài viết bởi Bác sĩ CKI Nguyễn Tiến Phú - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Tuyến nước bọt là một trong những tuyến ngoại tiết có vai trò tiêu hóa. Các tuyến nước bọt bao gồm tuyến mang tai, tuyến dưới hàm, dưới lưỡi. Bệnh lý tuyến nước bọt rất đa dạng từ bệnh lý viêm cho tới các khối u. Siêu âm là phương pháp đơn giản hiệu quả giúp phát hiện các bệnh lý của tuyến nước bọt.
1.Siêu âm tuyến nước bọt là gì, tiến hành khi nào?
Siêu âm tuyến nước bọt là phương pháp sử dụng sóng siêu âm để ghi lại hình ảnh giải phẫu và giúp phát hiện các bệnh lý của tuyến nước bọt. Đây là phương pháp đơn giản với chi phí thấp nhưng rất có giá trị.
Phương pháp siêu âm tuyến nước bọt được áp dụng khi người bệnh có các bất thường ở vùng mang tai, góc hàm là các vị trí của các tuyến nước bọt. Các bất thường này bao gồm: Sưng, đau, sờ thấy khối ...
2. Quy trình thực hiện siêu âm tuyến nước bọt
Bác sỹ chuyên khoa sẽ dùng đầu dò siêu âm để khảo sát trực tiếp hình ảnh của các tuyến nước bọt. Ngoài ra các cấu trúc giải phẫu lân cận cũng như tình trạng hạch bạch huyết vùng cổ cũng được đánh giá.
3. Vai trò của siêu âm tuyến nước bọt trong chẩn đoán
Siêu âm tuyến nước bọt trong chẩn đoán có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp phát hiện:
Kích thước tuyến nước bọt: Thường to ra khi có các bệnh lý, hay gặp nhất là sưng do viêm khi mắc quai bị.
Các tổn thương của tuyến:
- Viêm tuyến nước bọt: Tuyến to ra, cấu trúc âm thay đổi, tăng tưới máu trên siêu âm Doppler
- U tuyến nước bọt: Thường biểu hiện là các khối giảm âm có giới hạn rõ. Siêu âm tuyến nước bọt sẽ giúp đánh giá kích thước khối u, khả năng xâm lấn của khối u ra cấu trúc lân cận
- Sỏi tuyến nước bọt: Thường biểu hiện tình trạng ống tuyến giãn, trong lòng có viên sỏi
Siêu âm tuyến nước bọt là phương pháp đơn giản mang lại hiệu quả chẩn đoán cao cho các bệnh lý tuyến nước bọt. Phương pháp này có thể thực hiện được ngay và lặp lại nhiều lần mà không cần chuẩn bị gì đặc biệt.
XEM THÊM