Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lâm Thị Kim Chi - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có trên 6 năm kinh nghiệm làm bác sĩ chẩn đoán hình ảnh.
Siêu âm sỏi niệu quản là một trong những phương pháp để chẩn đoán phát hiện sỏi. Siêu âm sỏi niệu quản cho biết vị trí sỏi và mức độ tác động của sỏi đối với hệ tiết niệu.
Trong tất cả các loại sỏi tiết niệu, sỏi niệu quản là bệnh thường gặp và nguy hiểm nhất. Sỏi niệu quản là sỏi hình thành từ thận và di chuyển xuống niệu quản. Trong khi đó, niệu quản là con đường duy nhất dẫn nước tiểu đi từ thận xuống bàng quang. Nếu niệu quản bị tắc nghẽn do sỏi sẽ khiến thận bị giãn dần, ứ nước, ứ mủ, nguy hiểm nhất là thận bị hủy hoại sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong. Do đó, vai trò của siêu âm phát hiện sỏi và xác định tình trạng sỏi là vô cùng quan trọng.
1. Đặc điểm của siêu âm sỏi niệu quản
Siêu âm là một trong những phương pháp phổ biến để chẩn đoán sỏi niệu quản. Phương pháp này ứng dụng sự phản hồi của sóng âm thanh trên vật chất để tạo ra hình ảnh sỏi niệu quản. Trên hình ảnh, sỏi niệu quản là một vật cản âm (bóng sáng).
1.1 Ưu điểm của siêu âm sỏi niệu quản
- Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, không nhiễm xạ, cho chất lượng hình ảnh tốt, giá thành thấp, kết quả nhanh, có thể sử dụng để theo dõi diễn tiến của sỏi.
- Góp phần tiên lượng, đánh giá biến chứng sỏi niệu quản, từ đó giúp bác sỹ lâm sàng đưa ra phương án điều trị
- Thao tác thực hiện đơn giản, do đó rất hữu ích khi thực hiện đối với trẻ em hoặc những bệnh nhân kém hợp tác.
1.2 Nhược điểm của siêu âm sỏi niệu quản
- Siêu âm sỏi niệu quản không phải là phương pháp chẩn đoán xác định hay chẩn đoán phân biệt, do có thể nhầm lẫn giữa sỏi với cặn nước tiểu, và không thể phân biệt các loại sỏi khác nhau.
- Trong các trường hợp thành bụng dày hoặc chướng hơi sẽ gây hạn chế khảo sát niệu quản trên siêu âm.
- Siêu âm sỏi niệu quản chỉ hỗ trợ các phương pháp chẩn đoán khác hoặc dùng để theo dõi sự tiến triển và tái phát của sỏi.
2. Vai trò của siêu âm sỏi niệu quản
Hình ảnh sỏi niệu quản khi siêu âm đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán sỏi niệu quản. Dựa vào siêu âm, bác sỹ có thể:
- Biết số lượng , kích thước, vị trí của sỏi niệu quản và sỏi thận.
- Đánh giá kích thước thận, niệu quản, sự lưu thông của thận.
- Biến chứng của sỏi niệu quản: tình trạng giãn đài bể thận, độ dày- mỏng và các tổn thương nhu mô thận, đài bể thận,...
Kết quả siêu âm là cơ sở quan trọng để lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả. Các phương pháp điều trị sỏi niệu quản là:
- Điều trị nội khoa;
- Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng chấn động;
- Tán sỏi nội soi niệu quản ngược dòng;
- Phẫu thuật mở niệu quản lấy sỏi qua nội soi hay qua mổ mở.
Việc lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp đối với từng trường hợp bệnh nhân cụ thể sẽ giúp tăng tỉ lệ làm sạch sỏi. Trong đó, các yếu tố mấu chốt quyết định phương pháp điều trị là: triệu chứng, vị trí và kích thước sỏi, độ dễ vỡ và thành phần sỏi.
Siêu âm sỏi niệu quản cho phép xác định vị trí sỏi ở đoạn nào của niệu quản, đồng thời kết hợp với các kỹ thuật hình ảnh khác như: X quang hệ tiết niệu, X-quang hệ niệu có cản quang (UIV), chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu. Ngoài ra, bệnh nhân có thể làm thêm một số xét nghiệm huyết học, xét nghiệm tổng phân tích máu và nước tiểu để đánh giá chức năng của thận ... Dựa trên kết quả đầy đủ, bác sĩ sẽ chọn lựa phương pháp điều trị phù hợp.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán sỏi niệu quản
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.