Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thục Vỹ - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Siêu âm vú đàn hồi là một kỹ thuật siêu âm cung cấp thêm các tính chất của các tổn thương vú bên cạnh siêu âm thường quy. Siêu âm đàn hồi cho một đánh giá không xâm lấn về độ cứng của tổn thương. Nó làm tăng độ đặc hiệu của siêu âm thường quy B mode trong đánh giá các tổn thương vú.
Một nghiên cứu mới gần đây được thực hiện bởi Elkharbotly và cộng sự (năm 2015) cho thấy khi kết hợp siêu âm thường quy B mode với siêu âm đàn hồi sẽ làm tăng độ nhạy, độ đặc hiệu và chẩn đoán chính xác cao hơn so với siêu âm thường quy.
1. Cơ sở của siêu âm đàn hồi
Độ đàn hồi của một vật chất thể hiện là sự biến dạng khi nó bị một lực bên ngoài tác động vào và nó sẽ trở về hình dạng, kích thước ban đầu khi lực này không còn nữa. Tùy theo các khối phân tử cấu thành nên mô (mỡ, sợi...), các mô khác nhau sẽ có độ đàn hồi khác nhau. Mô càng cứng thì độ đàn hồi sẽ kém và thời gian trở về tình trạng nguyên thủy sau khi không còn lực tác động bên ngoài sẽ chậm hơn. Mô sợi sẽ có độ cứng cao hơn so với mô mỡ và mô cơ. Mô của các tổn thương ung thư có khuynh hướng cứng hơn so với mô bình thường và đây là cơ sở cho việc ứng dụng siêu âm đàn hồi để phân biệt các tổn thương của vú.
2. Các phương pháp siêu âm đàn hồi vú
Cùng nguyên lý với kỹ thuật siêu âm đàn hồi ở các cơ quan khác, ở vú hiện nay phổ biến có 2 phương pháp siêu âm đàn hồi:
- Phương pháp bán định lượng (Semiquantitative elastography): sử dụng nguyên lý của siêu âm đàn hồi nén (strain elastography). Phương pháp này được thực hiện bằng cách tạo mực lực nén từ đầu do siêu âm lên mô cần khảo sát. Khi có lực ấn tác động từ bên ngoài làm thay đổi hình dạng ban đầu và đường kính trước sau. Đối với một tổn thương mềm (khả năng lành tính cao) thì khi có lực ấn vào, tổn thương sẽ bị thay đổi hình dạng và đường kính trước sau sẽ nhỏ hơn tổn thương nguyên thủy (mô có độ đàn hồi). Ngược lại, với những tổn thương cứng (khả năng ác tính cao), do mô cứng nên khi bị lực ấn thì hình dạng không thay đổi hoặc thay đổi ít mà chủ yếu là di chuyển vị trí lên xuống và kích thước của khối u cũng không thay đổi so với ban đầu.
Phương pháp này được sử dụng rộng rãi hơn vì xuất hiện đầu tiên. Nhược điểm là phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của bác sĩ siêu âm khi tạo lực ép trên đầu dò để tạo lực nén, tổn thương nằm sâu thì khó thực hiện.
- Phương pháp định lượng: ghi hình siêu âm dựa trên vận tốc sóng biến dạng (shear wave elastography) với các kỹ thuật như: FIBROSCAN (Echosen), ARFI (Siemens), SWE (Supersonic).
Kỹ thuật này không cần phải tạo lực nén lên mô khảo sát, sự biến dạng trong mô được tạo ra bởi một xung áp lực của sóng âm được phát đi liên tục từ đầu dò siêu âm. Đánh giá sự biến dạng của mô bằng cách đo vận tốc sóng truyền trong mô tính bằng cm/s hay độ cứng của mô tính bằng kPascal.
Phương pháp này có ưu điểm là ít phụ thuộc vào người làm siêu âm (do đầu dò tự phát ra xung áp âm), cho thông tin định lượng.
3. Giá trị của siêu âm đàn hồi vú
- Siêu âm đàn hồi vú nhằm cung cấp thêm thông tin cho siêu âm thường quy B mode và siêu âm màu chứ không thể làm siêu âm đàn hồi mà không có thông tin của siêu âm B mode và siêu âm màu trước đó.
- Việc phối hợp thêm siêu âm đàn hồi có thể giúp nâng cấp hoăc hạ cấp BI-RADS cho tổn thương mà đã xếp trên siêu âm B mode trước đó.
- Việc bổ sung các tính năng đàn hồi siêu âm vào ấn bản thứ 5 của BI-RADS Lexicon (BI-RADS Lexicon version 5th , 2013) đã cung cấp một công cụ quan trọng để tăng độ đặc hiệu và độ chính xác chẩn đoán của siêu âm các tổn thương vú. Các tổn thương đầu tiên được đánh giá trên B mode với các thông tin như hình dạng, trục, bờ, tình trạng mạch máu, tính chất hồi âm và được phân loại BIRADS qua siêu âm B mode. Sau đó nó sẽ được phân loại là mềm, trung gian hay cứng theo các tiêu chuẩn của siêu âm đàn hồi. Xếp loại cuối cùng của tổn thương theo BI-RADS hiệu chỉnh dựa trên các phát hiện của siêu âm đàn hồi sẽ được mô tả trong bảng sau:
4. Ứng dụng lâm sàng
- Tăng độ tin cậy trong chẩn đoán: Kết quả siêu âm đàn hồi dương tính hay âm tính ảnh hưởng đến kết quả siêu âm B-mode và phân loại BI-RADS của các tổn thương vú. Điều này làm tăng mức độ tin cậy chẩn đoán trong việc phân biệt tổn thương là lành tính và ác tính, giúp chẩn đoán sớm và chính xác
- Giảm theo dõi ngắn hạn không cần thiết: một tổn thương được xếp loại BI-RADS loại 3 trên siêu âm B mode sẽ được khuyên theo dõi trong khoảng thời gian ngắn (06 tháng) cho đến hai năm. Nếu những tổn thương này mềm trên siêu âm đàn hồi, thì chúng có thể được xếp loại là BI-RADS loại 2 (tổn thương lành tính), giảm bớt những lần theo dõi không cần thiết.
- Chuyển từ theo dõi ngắn hạn qua sinh thiết: Một số tổn thương vú ác tính có giới hạn rõ có thể bị hiểu sai trên siêu âm B mode và do đó bị phân loại nhầm thành tổn thương BI-RADS loại 3, dẫn đến chẩn đoán chậm trễ. Siêu âm đàn hồi giúp phân biệt các tổn thương này bằng độ đàn hồi và nâng cấp BI-RADS lên loại 4, dẫn đến có chỉ định sinh thiết cho tổn thương.
- Thay đổi quyết định sinh thiết sang theo dõi ngắn hạn: Tổn thương ít nghi ngờ ác tính BI-RADS loại 4a có thể được chuyển thành BI-RADS loại 3 tùy thuộc vào độ đàn hồi của tổn thương trên siêu âm đàn hồi.
Kết luận:
Siêu âm đàn hồi vú là một phương thức hình ảnh hữu ích giúp tăng độ đặc hiệu và độ nhạy trong chẩn đoán các tổn thương vú khác nhau khi kết hợp với các phát hiện siêu âm B-mode.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang sử dụng máy siêu âm LOGIQ S8 của GE Healthcare (Mỹ) có tích hợp siêu âm màu và siêu âm đàn hồi mô với siêu âm B mode giúp hỗ trợ chẩn đoán chính xác các tổn thương vú theo hướng dẫn quốc tế (BI-RADS Lexicon version 5th).
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo
Imtiaz S. Breast elastography: A new paradigm in diagnostic breast imaging. Appl Radiol. 2018;47(3):14-19 (https://appliedradiology.com/articles/breast-elastography-a-new-paradigm-in-diagnostic-breast-imaging).