Mổ nội soi vừa là phương pháp chẩn đoán vừa có vai trò điều trị trong một số trường hợp phụ nữ vô sinh có các bệnh lý về tử cung, buồng trứng, nội mạc tử cung...
1. Nguyên nhân gây vô sinh
Vô sinh theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới là khi cặp vợ chồng chung sống với nhau trên một năm, không sử dụng biện pháp tránh thai nào mà vẫn không có con.
Có nhiều nguyên nhân gây vô sinh, trong đó theo các nghiên cứu, 30-40% vô sinh nguyên nhân do nam giới, 40% nguyên nhân thuộc về nữ giới, 10% do kết hợp cả nam và nữ và 10% không rõ nguyên nhân.
Các nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới có thể là do:
- Bất thường phóng noãn;
- Do các bệnh lý gây tổn thương vòi tử cung như: Viêm nhiễm sinh dục, lạc nội mạc tử cung.
- Bất thường bẩm sinh ở vòi tử cung; do tổn thương ở tử cung như u xơ tử cung, viêm dính buồng trứng.
- Bất thường bẩm sinh tử cung hoặc các nguyên nhân do cổ tử cung như cổ tử cung ngắn, tổn thương cổ tử cung do can thiệp phẫu thuật,...
2. Mổ nội soi chẩn đoán vô sinh và mổ nội soi điều trị vô sinh
Hiện có rất nhiều phương pháp điều trị hiếm muộn, sau khi thăm khám, dựa vào nguyên nhân gây vô sinh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị chữa vô sinh phù hợp. Trong đó, mổ nội soi vừa là phương pháp chẩn đoán vừa là phương thức điều trị cho bệnh nhân nữ vô sinh. Mổ nội soi điều trị vô sinh thường được chỉ định sau khi:
- Kết quả chụp X-quang, siêu âm thấy bệnh nhân có bất thường về buồng tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng, vòi trứng, có u nang buồng trứng
- Bệnh nhân thất bại làm tổ nhiều lần chưa rõ nguyên nhân
3. Quy trình mổ nội soi điều trị vô sinh
Chữa vô sinh bằng mổ nội soi được thực hiện theo hai bước:
3.1 Bước 1: Mổ nội soi chẩn đoán vô sinh
- Bác sĩ tiến hành nội soi buồng tử cung, ống nội soi có gắn camera được đưa vào cơ thể qua âm đạo, đến tử cung và truyền tín hiệu hình ảnh về màn hình. Bác sĩ sẽ khảo sát cấu trúc buồng tử cung, xem bệnh nhân có các dị dạng tử cung, polyp tử cung, dính buồng tử cung, u xơ tử cung,... ảnh hưởng đến đến quá trình làm tổ của thai không.
- Sau khi nội soi tử cung, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi ổ bụng. Ống nội soi gắn camera được đưa vào ổ bụng bệnh nhân qua một vết rạch nhỏ trên thành bụng. Bác sĩ sẽ khảo sát các cơ quan trong ổ bụng, xem bệnh nhân có mắc các bệnh lý làm ảnh hưởng đến chức năng sinh sản như lạc nội mạc tử cung, viêm dính vùng chậu, ứ dịch vòi trứng,... hay không.
3.2 Bước 2: Mổ nội soi điều trị vô sinh
Sau khi nội soi xác định chính xác các bất thường, thương tổn gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bệnh nhân, bác sĩ sẽ tiến hành giải quyết các nguyên nhân đó ngay trong ca mổ. Các kỹ thuật thường thực hiện là:
- Nội soi lấy bỏ những tổn thương lạc nội mạc tử cung: Bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy tổn thương lạc nội mạc tử cung ở tất cả các vị trí như phúc mạc đáy bàng quang, phúc mạc phủ trên niệu quản, dây chằng đài bể thận, vùng chậu, thành bụng trước, thanh mạc ruột; toàn bộ khối u lạc nội mạc tử cung sẽ được lấy toàn bộ để ngăn ngừa tái phát. Nội soi phẫu thuật loại bỏ tổn thương nội mạc tử cung đã được chứng minh là có lợi ở phụ nữ vô sinh, giúp cải thiện khả năng sinh sản.
- Nội soi thông ống dẫn trứng: Khi ống dẫn trứng bị tắc sẽ làm phụ nữ bị vô sinh hoặc thai ngoài tử cung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Sau khi, nội soi phát hiện tắc ống dẫn trứng, bác sĩ sẽ phẫu thuật nội soi thông ống dẫn trứng bằng cách đặt bộ phận phẫu thuật nội soi vào tử cung, đưa một catheter vào lỗ ống dẫn trứng nhằm đẩy những mẩu mô vụn cũng như tách những chỗ dính trong lòng ống dẫn trứng. Nếu loa vòi ống dẫn trứng bị dính, bác sĩ sẽ phẫu thuật những dải dây dính quanh ống dẫn trứng và loa vòi. Khi ống dẫn trứng bị tắc ứ dịch, bác sĩ sẽ mở thông loa vòi ống dẫn trứng để giúp tinh trùng dễ dàng hơn khi di chuyển thụ tinh cho trứng.
- Nội soi bóc u xơ tử cung: Bệnh nhân bị u xơ tử cung dưới niêm mạc hoặc u xơ tử cung trong cơ gây biến dạng buồng tử cung có khả năng thụ thai thấp. Phẫu thuật bóc u xơ tử cung dưới niêm mạc hoặc u xơ tử cung trong cơ có gây biến dạng buồng tử cung sẽ làm tăng đáng kể tỷ lệ có thai. So với mổ hở, nội soi ổ bụng bóc nhân xơ có nhiều ưu điểm như vết mổ nhỏ, thời gian nằm viện ngắn, ít đau hậu phẫu, hồi phục nhanh.
Ngoài ra, những kỹ thuật khác có thể thực hiện khi phẫu thuật nội soi điều trị vô sinh như tạo hình lại vòi tử cung, phẫu thuật u nang buồng trứng, dị dạng sinh dục...Cũng như những phẫu thuật ngoại khoa xâm lấn, bệnh nhân thực hiện mổ nội soi để chẩn đoán và điều trị vô sinh có thể gặp các biến chứng như tràn khí, nhiễm khuẩn, tràn dịch màng phổi,... Tuy nhiên so với mổ mở ổ bụng thì tỷ lệ gặp tai biến khi mổ nội soi là rất thấp, mức độ tổn thương thường nhẹ, người bệnh nhanh hồi phục.