Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Công Hiền - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh -
Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Có rất nhiều nguyên nhân gây chảy máu não như chấn thương sọ, đột quỵ, dị dạng mạch máu, kể cả sau mổ và gây ra nhiều tổn thất lớn cho cả xã hội và người bệnh. Với chụp cắt lớp vi tính sọ não, sẽ giúp bác sĩ phát hiện sớm để chẩn đoán và điều trị chảy máu não sau phẫu thuật từ đó giúp cứu sống tính mạng của người bệnh.
1. Tại sao người bệnh cần chụp cắt lớp vi tính?
Bác sĩ chỉ định thực hiện chụp cắt lớp vi tính (tên tiếng Anh là Computed Tomography Scan và viết tắt là CT Scan) nhằm phát hiện các vấn đề sau:
- Chẩn đoán các rối loạn cơ và xương, chẳng hạn như khối u xương và gãy xương
- Xác định vị trí của khối u, ổ nhiễm trùng hoặc cục máu đông
- Kết hợp thực hiện cùng với các thủ tục khác như phẫu thuật, sinh thiết và xạ trị
- Phát hiện và theo dõi người bệnh mắc một số bệnh như ung thư, bệnh tim, nốt phổi (lung nodules) và khối u ở gan
- Theo dõi hiệu quả của một số phương pháp điều trị, như điều trị ung thư, theo dõi chảy máu não sau mổ
- Phát hiện chấn thương bên trong và chảy máu trong
2. Vai trò của chụp cắt lớp não đánh giá chảy máu não sau mổ
Lợi ích của CT bao gồm quản lý y tế hiệu quả hơn bằng cách:
- Xác định khi nào cần phẫu thuật
- Giảm nhu cầu phải phẫu thuật thăm dò
- Cải thiện chất lượng chẩn đoán và hướng dẫn điều trị
- Giảm thời gian nhập viện
Trong phòng cấp cứu hoặc hồi sức sau phẫu thuật, người bệnh có thể được chụp nhanh chóng để các bác sĩ có thể nhanh chóng đánh giá tình trạng chảy máu não sau mổ. Phẫu thuật khẩn cấp có thể cần thiết để cầm máu và hình ảnh CT giúp bác sĩ phẫu thuật biết vị trí chính xác nơi để chảy máu. Nếu không có thông tin này thì khả năng thành công của phẫu thuật bị ảnh hưởng rất nhiều. Nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ từ chụp CT là rất nhỏ so với lợi ích của kế hoạch phẫu thuật để điều trị hiệu quả.
Chụp CT cung cấp nhiều thông tin y tế khác so với các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác, chẳng hạn như siêu âm, MRI, SPECT, PET hoặc y học hạt nhân. Mỗi kỹ thuật hình ảnh đều có những ưu điểm và hạn chế, tuy nhiên những lợi thế chính của chụp CT là:
- Thu thập nhanh chóng hình ảnh
- Rất nhiều thông tin rõ ràng và cụ thể
- Có cái nhìn tổng thể về cơ thể
3. Rủi ro khi chụp cắt lớp vi tính
- Tiếp xúc với bức xạ
Trong quá trình chụp CT, người bệnh sẽ tiếp xúc với bức xạ ion hóa trong thời gian ngắn. Lượng phóng xạ lớn hơn mức so với chụp X-quang thông thường do chụp CT thu thập thông tin chi tiết hơn. Liều thấp của bức xạ được sử dụng trong chụp CT được chứng minh là không gây ra tác hại lâu dài, mặc dù ở liều cao hơn nhiều, có thể gia tăng nguy cơ mắc ung thư.
Chụp CT có nhiều lợi ích vượt trội hơn bất kỳ rủi ro nhỏ nào. Do đó, các bác sĩ sẽ sử dụng liều phóng xạ thấp nhất có thể để có được thông tin cần thiết về tình trạng sức khỏe của người bệnh. Ngoài ra, ngày nay, với các máy móc hiện đại và kỹ thuật mới hơn, nhanh hơn đòi hỏi ít bức xạ hơn so với trước đây.
- Gây nguy hiểm cho thai nhi
Trước khi chụp CT, người bệnh cần nói cho bác sĩ biết nếu đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai. Mặc dù tia bức xạ từ chụp CT có thể không có khả năng làm tổn thương thai nhi, tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định các loại kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác như siêu âm hoặc MRI để đảm bảo an toàn và tránh cho thai nhi phải tiếp xúc với bức xạ.
- Dị ứng khi chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh sử dụng một loại thuốc nhuộm đặc biệt được gọi là thuốc cản quang. Đây là chất mà người bệnh sẽ được yêu cầu uống trước khi chụp CT hoặc được truyền qua tĩnh mạch ở cánh tay hoặc đưa vào trực tràng của người bệnh. Mặc dù hiếm xảy ra, tuy nhiên chất cản quang này vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ hoặc phản ứng dị ứng thuốc cản quang.
XEM THÊM