Bài viết được thực hiện bởi Bác sĩ chuyên khoa II, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tất Bình - Trưởng khoa Gây mê và phòng mổ - Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Vai trò của bác sĩ gây mê không chỉ là đảm bảo cho bệnh nhân ngủ sâu và không đau trong suốt quá trình phẫu thuật, hiện nay, với sự phát triển của y học và các phương tiện kỹ thuật, vai trò của bác sĩ gây mê còn là cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế và tư vấn trong nhiều môi trường và tình huống khác ngoài phòng mổ.
Bác sĩ gây mê ngày nay được xem như là bác sĩ “chu phẫu” với ý nghĩa là người chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân từ giai đoạn trước mổ như khám, đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và thảo luận chung với các bác sĩ phẫu thuật để lên một kế hoạch phẫu thuật an toàn nhất cho người bệnh. Các bác sĩ gây mê cũng chính là người sẽ đưa bệnh nhân vào trạng thái “vô cảm” bao gồm cung cấp giấc ngủ, kiểm soát đau, hỗ trợ và duy trì các chức năng sống trong suốt quá phẫu thuật. Và cuối cùng, các bác sĩ gây mê sẽ phối hợp chăm sóc, kiểm soát đau sau mổ để bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và xuất viện sớm.
1. Bác sĩ gây mê sẽ chăm sóc bệnh nhân như thế nào trước phẫu thuật?
Quá trình gây mê và phẫu thuật thường gây ảnh hưởng đến toàn bộ sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, điều quan trọng nhất là các bác sĩ gây mê phải biết càng nhiều càng tốt về bệnh nhân của mình để có thể chọn lựa một kế hoạch gây mê phù hợp và an toàn.
Đầu tiên, các bác sĩ gây mê sẽ thực hiện một buổi khám và tư vấn trước phẫu thuật. Trong buổi tư vấn này các bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân những câu hỏi chi tiết về tiền sử gây mê phẫu thuật, xem xét ảnh hưởng của các loại thuốc đang sử dụng đến quá trình mổ, tình trạng dị ứng và các bệnh lý đi kèm như cao huyết áp, đái tháo đường, ngưng thở khi ngủ... Các bác sĩ gây mê cũng sẽ kiểm tra các xét nghiệm đánh giá trước mổ và lên một kế hoạch gây mê phù hợp. Bệnh nhân sẽ được thảo luận về lợi ích và rủi ro của phương pháp gây mê. Kết thúc buổi khám gây mê, các bác sĩ thường hướng dẫn cách nhịn ăn uống trước phẫu thuật, hướng dẫn tập thở để chuẩn bị chức năng hô hấp thật tốt trước mổ... Nếu bệnh nhân cảm thấy lo lắng, mất ngủ trước khi phẫu thuật, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm lo âu để bệnh nhân có tâm trạng thoải mái nhất trước khi bước vào ca mổ.
Việc chuẩn bị cho ca phẫu thuật không chỉ dừng lại ở việc khám cho bệnh nhân. Các bác sĩ gây mê sẽ tiếp tục trao đổi với các bác sĩ phẫu thuật để cùng lên một kế hoạch toàn diện giúp bệnh nhân hồi phục sớm. Sự phối hợp giữa các bác sĩ gây mê và bác sĩ phẫu thuật trong kế hoạch này chính là chìa khóa thành công để đảm bảo cho bệnh nhân có thể xuất viện sớm một cách an toàn.
2. Các bác sĩ gây mê làm gì để chăm sóc bệnh nhân trong khi phẫu thuật?
Việc chăm sóc và bảo vệ bệnh nhân trong suốt quá trình phẫu thuật là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của các bác sĩ gây mê. Sau khi tiến hành gây mê cho bệnh nhân, các bác sĩ sẽ chịu trách nhiệm trong việc bảo vệ, tránh các điểm tỳ đè lên người bệnh và theo dõi sát các chức năng sống quan trọng như tim mạch và hô hấp. Trong những trường hợp phẫu thuật phức tạp hay nguy kịch, các bác sĩ gây mê sẽ tiến hành hồi sức tích cực như truyền máu, sử dụng các loại thuốc hồi sức để đảm bảo duy trì các chức năng sống, tạo cho các bác sĩ phẫu thuật yên tâm tập trung cho đến khi kết thúc ca mổ.
3. Vai trò của bác sĩ gây mê đối với bệnh nhân sau mổ
Vai trò của các bác sĩ gây mê không dừng lại sau khi kết thúc ca mổ. Việc hồi phục sớm của bệnh nhân còn có sự đóng góp quan trọng của các bác sĩ gây mê. Kiểm soát đau tốt sau mổ sẽ giúp bệnh nhân vận động sớm, nhờ đó có thể hồi phục sớm sau mổ. Với các kỹ thuật giảm đau đa mô thức bao gồm các kỹ thuật gây tê vùng, bệnh nhân có thể vận động tốt, hạn chế được sự ảnh hưởng không mong muốn của các thuốc gây nghiện như buồn nôn, bí tiểu, ngứa... Các bác sĩ gây mê sẽ thăm khám và đánh giá đau cho bệnh nhân sau mổ để cung cấp một chất lượng giảm đau tốt và hài lòng nhất.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec tự hào là một trong những bệnh viện tiên phong áp dụng các kỹ thuật gây tê vùng giảm đau sau phẫu thuật, mang lại sự hài lòng cho người bệnh về chất lượng giảm đau trong và sau mổ. Các kỹ thuật gây tê giảm đau mặt phẳng cơ dựng sống (ESPB) đã giúp bệnh nhân hồi phục sớm sau các phẫu thuật tim hở, phẫu thuật đoạn nhũ và tái tạo. Kỹ thuật gây tê khoang cơ vuông thắt lưng (QLB) đã giúp các sản phụ vận động sớm sau phẫu thuật lấy thai.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám, điều trị có thể trực tiếp đến Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc để có thêm thông tin chi tiết vui lòng liên hệ theo số hotline TẠI ĐÂY.