Vắc xin tay chân miệng có không?

Hỏi

Chào bác sĩ. Con gái tôi 5 tuổi đang học mầm non, dạo gần đây có 1 bạn trong lớp mắc bệnh tay chân miệng nên tôi đang có ý định cho con tạm nghỉ học vì theo tôi được biết đây là căn bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên khá bất tiện nếu trong lớp mỗi lần xuất hiện trường hợp mắc bệnh tay chân miệng là cho con ở nhà. Vậy thưa bác sĩ, phải làm gì để phòng bệnh cho con và có vắc xin tay chân miệng không ạ?

Phương Anh

Trả lời

Bệnh tay chân miệng gây ra do các loại vi rút thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các vi rút đường ruột khác, trong đó hay gặp là vi rút đường ruột týp 71 (EV71) và Coxsackie A16. Vi rút EV71 có thể gây các biến chứng nặng và gây tử vong.

Câu hỏi “vắc xin tay chân miệng có không?” cũng là thắc mắc chung của nhiều người mong muốn phòng bệnh tay chân miệng cho con. Hiện nay tại Việt Nam chưa có vắc xin tay chân miệng. Tuy nhiên từ tháng 12/2015, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Trung Quốc đã phê chuẩn vắc xin ngừa bệnh tay chân miệng . Đến tháng 1/2016, một loại vaccine EV71 thứ hai được sản xuất bởi Sinovac Biotech được phê chuẩn. Cả hai hiện đang được sản xuất thương mại và bắt đầu sử dụng cho trẻ em Trung Quốc. Đó là điều đang trông chờ của nhiều quốc gia thuộc khu vực Châu Á - Thái bình dương nơi mà bệnh tay chân miệng ở trẻ em vẫn tiếp tục lan rộng, trong đó có Việt Nam Để chủ động phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ, có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
  • Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng để phòng bệnh tay chân miệng.
  • Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
  • Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
  • Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Trên đây là những biện pháp phòng bệnh tay chân miệng để tránh bệnh lây truyền và bùng phát thành dịch, Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

BSCK II Trần Thị Linh Chi - Phó Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Hải Phòng

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe