Vắc - xin cho mẹ: Một phần của thai kỳ khỏe mạnh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thanh Phước - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Vắc - xin giúp bảo vệ mẹ và bé chống lại các bệnh nguy hiểm. Khi mang thai, người mẹ chia sẻ cho con gần như tất cả mọi thứ. Điều đó có nghĩa là khi thai phụ được tiêm phòng vắc - xin, hiệu quả bảo vệ không chỉ cho chính mẹ mà còn cho em bé trong bụng. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo bà bầu nên tiêm vắc - xin phòng ho gà và cúm trong mỗi lần mang thai để bảo vệ cho mẹ và bé.

1. Khuyến cáo về việc tiêm phòng vắc - xin trước, trong và sau thai kỳ

CDC đưa ra hướng dẫn về lịch tiêm phòng cho phụ nữ mang thai và các loại vắc - xin cần thiết trước, trong và sau thai kỳ. Một số loại vắc - xin như vắc - xin phòng sởi, quai bị, rubella (MMR) nên được tiêm trước khi mang thai một tháng hoặc hơn. Các loại vắc - xin khác trong lịch tiêm phòng cho bà bầu như vắc - xin cúm có thể được tiêm trước hoặc trong thai kỳ, tùy thuộc vào đó có phải là mùa cúm khi bạn mang thai hay không. Vắc - xin Tdap giúp phòng bệnh ho gà tiêm từ 27 –trước 36 tuần thai kỳ.Thai phụ nên tiêm vắc - xin ngay sau khi sinh và ngay cả khi đang cho con bú. Bà bầu nên trao đổi với bác sĩ về từng loại vắc - xin trước khi quyết định tiêm phòng.

2. Phụ nữ có thai cần tiêm phòng gì?

2.1. Ho gà

Bệnh ho gà (Pertussis) thường đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng. Khoảng một nửa số trẻ nhỏ dưới 1 tuổi mắc bệnh ho gà cần được điều trị tại bệnh viện. Khi trẻ mắc bệnh ho gà ở độ tuổi càng nhỏ thì càng cần phải theo dõi và điều trị sát sao tại bệnh viện. Thông thường, khó có thể biết được liệu bé có bị ho gà hay không vì nhiều bé mắc bệnh này nhưng không có triệu chứng ho. Tuy nhiên, bệnh có nguy cơ khiến bé bị tím tái và ngừng thở, tỷ lệ tử vong rất cao trẻ sơ sinh.

Bà bầu nên tiêm vắc - xin phòng bệnh ho gà trong khoảng thời gian từ tuần thứ 27 đến tuần thứ 36 của thai kỳ, tốt nhất là trước tuần thứ 35 để tạo kháng thể tối ưu cho trẻ sơ sinh. Khi được tiêm vắc - xin phòng bệnh ho gà trong thời kỳ mang thai, hệ miễn dịch sẽ tạo ra các kháng thể bảo vệ và truyền một số kháng thể này cho em bé trước khi sinh. Do đó, bé sẽ nhận được sự bảo vệ sớm, ngắn hạn để chống lại bệnh ho gà.

2.2. Cúm

Dấu hiệu cúm là những thay đổi về chức năng miễn dịch, tim và phổi trong khi mang thai, khiến bạn dễ gặp phải những biến chứng trầm trọng từ bệnh cúm. Bị cúm cũng làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé, bao gồm sinh non. Tiêm phòng cúm được khuyến nghị với phụ nữ đang mang thai trong mùa cúm. Đây là cách tốt nhất để bảo vệ chính bản thân người mẹ và em bé trong nhiều tháng sau khi sinh, đồng thời tránh khỏi các biến chứng liên quan đến cúm.

Mùa cúm thay đổi theo thời gian từ mùa này sang mùa khác, nhưng tốt nhất bà bầu nên tiêm vắc - xin phòng bệnh vào cuối tháng 10, nếu có thể. Chủng ngừa vào thời gian này giúp tăng cường khả năng bảo vệ trước khi hoạt động của cúm bắt đầu gia tăng và đạt đỉnh dịch.

2.3. Một số loại vắc - xin khác

  • Tiêm vắc - xin trước khi đi du lịch: Nếu đang mang thai và phải đi du lịch quốc tế, bà bầu nên trao đổi với bác sĩ ít nhất 4 đến 6 tuần trước chuyến đi để bác sĩ tư vấn các biện pháp phòng ngừa đặc biệt hoặc chủng ngừa các vắc - xin cần thiết trước chuyến đi;
  • Viêm gan B: Trẻ có mẹ bị viêm gan B sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm viêm gan B trong khi sinh. Trao đổi với bác sĩ về việc xét nghiệm viêm gan B và cân nhắc có nên tiêm phòng hay không;
  • Vắc - xin bổ sung: Một số phụ nữ có thể cần chủng ngừa thêm các loại vắc - xin khác trước, trong hoặc sau khi có thai. Ví dụ, nếu phụ nữ có tiền sử bệnh gan mạn tính, bác sĩ có thể khuyến nghị tiêm vắc - xin phòng viêm gan A. Nếu là người thường xuyên làm việc trong phòng thí nghiệm hoặc nếu bạn sắp đi du lịch đến một quốc gia nơi mà bạn có thể tiếp xúc với bệnh viêm màng não mô cầu, bác sĩ có thể đề nghị tiêm phòng bệnh viêm màng não mô cầu.

Thực hiện bài kiểm tra vắc - xin dành cho người lớn (Adult Vaccine Quiz) để xem bạn nên tiêm các loại vắc - xin nào trong lần thăm khám tiếp theo.

3. Vắc - xin trước và sau khi mang thai


Tiêm phòng là cách tốt nhất để bảo vệ chính bản thân người mẹ và em bé
Tiêm phòng là cách tốt nhất để bảo vệ chính bản thân người mẹ và em bé

3.1. Lịch tiêm phòng cho phụ nữ đang lên kế hoạch mang thai

Ngay cả trước khi mang thai, hãy chắc chắn rằng bạn đã được tiêm tất cả các loại vắc - xin theo khuyến cáo. Điều này giúp bảo vệ người phụ nữ và em bé sau này khỏi các bệnh nguy hiểm. Ví dụ, rubella là một bệnh truyền nhiễm có thể trở nên rất nguy hiểm nếu mắc phải trong thời kỳ mang thai. Trên thực tế, bệnh này có thể dẫn đến sảy thai hoặc dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.

Cách phòng vệ tốt nhất chống lại rubella là tiêm vắc - xin MMR (ngừa sởi - quai bị - rubella). Tuy nhiên, nếu phụ nữ chưa được tiêm phòng loại vắc - xin này thì phải tiêm trước khi mang thai.

Ngoài ra, cần thực hiện xét nghiệm máu trước khi mang thai để kiểm tra xem bạn đã có miễn dịch với bệnh này chưa. Hầu hết phụ nữ đã được tiêm phòng vắc - xin MMR khi còn nhỏ, song điều này cần được xác nhận với bác sĩ. Nếu cần tiêm vắc - xin phòng rubella, phụ nữ nên tránh mang thai một tháng sau khi tiêm vắc - xin MMR và lý tưởng nhất là cho đến khi khả năng miễn dịch được xác nhận bằng xét nghiệm máu. Thực hiện bài kiểm tra vắc - xin cho người lớn (Adult Vaccine Quiz) để tìm ra những loại vắc - xin nào dành cho bạn trước khi có thai.

Em bé có thể nhận được khả năng miễn dịch với bệnh (sự bảo vệ từ kháng thể) từ người mẹ trong suốt thai kỳ. Khả năng miễn dịch này sẽ bảo vệ bé khỏi một số bệnh trong vài tháng đầu đời, nhưng lượng kháng thể này sẽ nhanh chóng giảm dần theo thời gian nếu trẻ không được chủng ngừa vắc - xin tiếp tục.

3.2. Lịch sử tiêm chủng trước khi thụ thai

Việc lưu giữ những bộ hồ sơ chứa thông tin về lịch sử tiêm chủng của bạn là rất quan trọng. Hãy cung cấp thông tin này với bác sĩ sản khoa trước khi quyết định thụ thai để xác định loại vắc - xin cần tiêm trong khi mang thai. Nếu không có thông tin về quá trình tiêm phòng của bản thân, bạn có thể:

  • Hỏi cha mẹ hoặc thầy cô giáo, vì rất có thể họ vẫn còn lưu lại hồ sơ tiêm chủng của bạn tại trường. Hỏi họ về những bệnh lúc nhỏ bạn đã mắc phải vì thường những bệnh đã mắc lúc nhỏ sẽ mang lại khả năng miễn dịch ở tuổi trưởng thành;
  • Liên hệ đến các bác sĩ trước đây đã từng chăm sóc cho bạn hoặc các địa điểm khác nơi bạn có thể đã được tiêm chủng (ví dụ như, cơ sở y tế, nơi làm việc hoặc nhà thuốc tại địa phương).

Ngay cả khi không có những hồ sơ này, bác sĩ vẫn có thể bảo vệ sức khỏe của mẹ và em bé trong bụng bằng cách tư vấn tiêm các loại vắc - xin phù hợp.

3.3. Tiếp tục bảo vệ bé sau khi sinh

Bác sĩ sản khoa hoặc người nữ hộ sinh có thể khuyến nghị tiêm một số vắc - xin cho người mẹ ngay sau khi sinh. Tiêm phòng sau sinh sẽ giúp bảo vệ bạn khỏi bị bệnh, đồng thời truyền một số kháng thể cho em bé thông qua sữa mẹ. Tiêm phòng sau thai kỳ đặc biệt quan trọng nếu bạn chưa được tiêm một số loại vắc - xin trước hoặc trong khi mang thai.

Song song đó, em bé sau sinh cũng sẽ bắt đầu được tiêm vắc - xin chủng ngừa các bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ.


Vắc - xin giúp bảo vệ mẹ và bé chống lại các bệnh nguy hiểm
Vắc - xin giúp bảo vệ mẹ và bé chống lại các bệnh nguy hiểm

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: cdc.gov

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe