Uống vitamin A có tác dụng gì cho trẻ?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Hồ Viết Lệ Diễm - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Khẩu phần ăn của người Việt hiện tại không đáp ứng đủ 100% nhu cầu về vitamin và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể, trong đó có vitamin A. Vì vậy, trẻ cần được uống bổ sung vitamin A để phát triển tốt, tránh nguy cơ mắc các bệnh về thị lực, suy giảm miễn dịch,...

1. Vai trò của vitamin A đối với sức khỏe của trẻ em

Vitamin A tham gia vào rất nhiều chức năng của cơ thể. Cụ thể là:

  • Vai trò tăng trưởng: Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng, giúp trẻ phát triển bình thường. Thiếu vitamin A, trẻ sẽ bị chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng.
  • Chức năng thị giác: Vitamin A tham gia vào chức năng thị giác của mắt, giúp mắt có khả năng nhìn rõ trong điều kiện ánh sáng yếu. Khi thiếu vitamin A, khả năng nhìn của mắt sẽ bị giảm, đặc biệt là vào lúc ánh sáng yếu. Hiện tượng này thường xuất hiện vào lúc trời nhá nhem tối, dân gian gọi là quáng gà. Quáng gà là biểu hiện sớm của tình trạng thiếu vitamin A. Biểu hiện khi thiếu Vitamin A gây bệnh quáng gà của trẻ vào thời điểm chập tối là thường nhút nhát, chỉ ngồi một chỗ, không dám đi hoặc nếu đi thì dễ bị ngã, đi lại khó khăn, dễ va chạm với các vật ở dưới đất,...
  • Bảo vệ biểu mô: Vitamin A bảo vệ sự toàn vẹn của các biểu mô giác mạc, biểu mô dưới da, niêm mạc khí quản, niêm mạc ruột non, các tuyến nước bọt và tinh hoàn,... Khi thiếu vitamin A, cơ thể giảm sản xuất các niêm dịch, khiến da bị khô, xuất hiện sừng hóa,... Biểu hiện này thường thấy ở mắt: Ban đầu khô kết mạc, sau đó tổn thương giác mạc, dẫn tới hậu quả mù lòa. Nếu thiếu vitamin A, niêm mạc ruột bị tổn thương dẫn tới rối loạn tiêu hóa hoặc niêm mạc phế quản tổn thương dễ mắc các bệnh đường hô hấp,...

Vitamin A có nhiều lợi ích đối với sức khỏe của trẻ
Vitamin A có nhiều lợi ích đối với sức khỏe của trẻ

Tạo miễn dịch cơ thể: Vitamin A đóng vai trò tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Thiếu vitamin A làm giảm sức đề kháng của cơ thể trẻ với các loại bệnh, làm cơ thể dễ bị nhiễm trùng nặng, đặc biệt là các bệnh như sởi, viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, tiêu chảy,... dẫn tới tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ. Đặc biệt, vitamin A còn làm tăng sức đề kháng của cơ thể trước các bệnh nhiễm khuẩn khác như uốn ván, lao và hỗ trợ phòng ngừa ung thư hiệu quả.

2. Nguyên nhân thiếu vitamin A

Vitamin A có trong thức ăn, khi đi vào cơ thể sẽ được hấp thu qua ruột và được dự trữ chủ yếu ở gan. Những nguyên nhân gây thiếu vitamin A gồm:

  • Khẩu phần ăn thiếu hụt vitamin A: Cơ thể con người không thể tự tổng hợp được vitamin A mà cần được cung cấp bởi thực phẩm. Vì vậy, nguyên nhân chính khiến trẻ thiếu vitamin A là do chế độ dinh dưỡng không cân bằng, thiếu vitamin A và caroten (tiền vitamin A). Bữa ăn thiếu dầu mỡ cũng làm giảm hấp thu vitamin A trong thực phẩm (vì vitamin A tan trong dầu). Ở trẻ đang bú thì nguồn vitamin A chủ yếu trong sữa mẹ. Nếu trong thời kỳ cho con bú, bữa ăn của người mẹ thiếu vitamin A thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới con.
Chế độ dinh dưỡng không cân bằng có thể khiến trẻ bị thiếu vitamin A
  • Các bệnh nhiễm khuẩn: Khi bị mắc tiêu chảy, viêm đường hô hấp, sởi, nhiễm giun đũa,... nhu cầu về vitamin A của cơ thể sẽ tăng cao để tái tạo lại các biểu mô, tạo kháng thể chống lại bệnh tật. Nếu các bệnh này kéo dài thì vitamin A trong cơ thể trẻ sẽ bị thiếu trầm trọng và cần được bổ sung kịp thời.
  • Cơ thể không hấp thu được nhiều vitamin A: Khi trẻ mắc một số bệnh về đường tiêu hóa, nhất là tiêu chảy kéo dài thì khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng, trong đó có vitamin A sẽ bị suy giảm rất nhiều. Bên cạnh đó, nếu thức ăn có nhiều vitamin A nhưng lại thiếu đạm và dầu mỡ thì cũng làm giảm khả năng hấp thu vitamin A của trẻ.
  • Lượng dự trữ vitamin A trong cơ thể không còn: Nếu thức ăn không cung cấp đủ nhu cầu vitamin A mà cơ thể cần thì cơ thể sẽ huy động vitamin A được dự trữ từ gan. Tuy nhiên, tới thời điểm lượng vitamin A dự trữ không thể đáp ứng được nhu cầu của cơ thể thì sẽ xảy ra tình trạng thiếu vitamin A. Suy dinh dưỡng và nhiễm trùng thường kéo theo tình trạng thiếu vitamin A.

3. Các đối tượng dễ bị thiếu vitamin A

  • Trẻ em dưới 3 tuổi dễ bị thiếu vitamin A do trẻ đang lớn nhanh, cần bổ sung nhiều vitamin A. Ở tuổi này, vì thay đổi chế độ dinh dưỡng (giai đoạn ăn bổ sung, cai sữa) và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng nên trẻ có nguy cơ thiếu vitamin A rất cao.

Trẻ bị thiếu vitamin A dễ bị suy giảm thị lực
Trẻ bị thiếu vitamin A dễ bị suy giảm thị lực
  • Trẻ dưới 5 tuổi mắc các bệnh sởi, viêm đường hô hấp cấp, suy dinh dưỡng nặng, tiêu chảy kéo dài,... có nguy cơ cao thiếu vitamin A.
  • Trẻ sơ sinh đang bú mẹ có thể bị thiếu hụt vitamin A nếu chế độ ăn uống của mẹ thiếu vitamin A. Đặc biệt, nếu trẻ không được bú mẹ thì nguy cơ thiếu vitamin A càng cao.

4. Cách bổ sung vitamin A cho trẻ

4.1. Cho trẻ uống vitamin A

Các đối tượng nguy cơ (trẻ em và bà mẹ) nên bổ sung vitamin liều cao để giải quyết tình trạng khô mắt gây hậu quả mù ở trẻ.

Cách cho trẻ uống Vitamin A:

  • Đối với trẻ 6 – 12 tháng tuổi: Giữ viên nang bằng ngón trỏ và ngón cái, dùng kéo cắt đầu núm viên nang, bóp đếm số giọt trong 1 viên nang. Cho trẻ uống 3 – 4 giọt Vitamin A (nửa viên). Cuối cùng cho trẻ uống một thìa nước tráng miệng.
  • Đối với trẻ 12 – 23 tháng tuổi: Giữ viên nang bằng ngón trỏ và ngón cái, dùng kéo cắt đầu núm viên nang, bóp hết dịch vitamin A vào miệng trẻ. Cuối cùng cho trẻ uống một thìa nước tráng miệng.
  • Đối với trẻ trên 24 tháng tuổi: Cho trẻ nhai hoặc nuốt viên nang vitamin A rồi cho trẻ uống nước.

Cho trẻ uống vitamin A đúng cách
Cho trẻ uống vitamin A đúng cách

Lưu ý khi uống vitamin A:

  • Mỗi viên nang chứa khoảng 6 – 8 giọt dịch Vitamin A. Nếu cắt sát đầu núm thì có thể bóp ra được 6 – 8 giọt, nếu cắt ở giữa đầu núm thì được khoảng 6 giọt.
  • Theo dõi sức khỏe của trẻ sau uống vitamin A trong vòng 2 ngày để xử trí các trường hợp có tác dụng phụ.

4.2 Thay đổi chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng

Có thể đưa vitamin A vào một số thực phẩm thông dụng như đường, sữa, dầu ăn,... Đây là giải pháp chuyển tiếp, mang lại hiệu quả cao trong việc bổ sung vitamin A cần thiết cho trẻ.


Bổ sung thực phẩm giàu vitamin A vào chế độ ăn của bé
Bổ sung thực phẩm giàu vitamin A vào chế độ ăn của bé
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bà mẹ trong thời kỳ mang thai, khi cho con bú, khi trẻ ăn dặm phải đầy đủ 4 nhóm chất gồm tinh bột, chất đạm, chất béo và vitamin.
  • Bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, caroten cho cơ thể như: rau màu xanh đậm (rau ngót, rau dền, rau muống, rau xà lách, rau diếp), các loại củ quả có màu đỏ, vàng (gấc, bí đỏ, hồng, xoài, đu đủ).
  • Vitamin A chỉ tan trong dầu nên trong chế độ ăn của trẻ cần có dầu mỡ thì trẻ mới hấp thu được vitamin A.
  • Tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ đầy đủ và đúng lịch, đặc biệt là bệnh sởi.
  • Đảm bảo sức khỏe cho trẻ, giữ gìn vệ sinh để phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm và ký sinh trùng đường ruột.
  • Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, kéo dài đến 24 tháng.

Tùy từng vào giới tính, độ tuổi và giai đoạn mà cơ thể trẻ cần những lượng Vitamin A cần thiết, do đó cha mẹ cần bổ sung vitamin A cho trẻ một cách hợp lý, tránh tình trạng thừa hoặc thiếu Vitamin A.

Là lĩnh vực trọng điểm của hệ thống Y tế Vinmec, Khoa Nhi luôn mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:

  • Quy tụ đội ngũ y bác sĩ về Nhi khoa: Gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108,... Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
  • Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
  • Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.
  • Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe