Uống thuốc giảm đau bụng kinh có hại không?

Đau bụng kinh hay thống kinh là những cơn đau xảy ra trong giai đoạn chuẩn bị và khi đang hành kinh ở phụ nữ. Mức độ đau bụng kinh khác nhau ở mỗi chị em, trường hợp nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe thì cần dùng thuốc giảm đau bụng kinh phù hợp. Lúc này câu hỏi được đặt ra là uống thuốc giảm đau bụng kinh có hại không?

1. Cơ chế của các thuốc giảm đau bụng kinh

Phần lớn tình trạng đau bụng kinh ở mức độ nhẹ không kéo dài và đáp ứng với các biện pháp điều trị không dùng thuốc như chườm ấm, nghỉ ngơi...

Tuy nhiên, nếu những con đau xảy ra dữ dội, kéo dài và ảnh hưởng đến sức khỏe/sinh hoạt hằng ngày thì việc chị em sử dụng thuốc giảm đau bụng kinh là cần thiết. Vậy uống gì để giảm đau bụng kinh? Cơ chế hoạt động của các thuốc giảm đau bụng kinh cần liên quan đến những vấn đề sau:

  • Thuốc có tác dụng làm giãn cơ tử cung: Thống kinh xuất phát chủ yếu từ những cơn co thắt đột ngột của cơ tử cung nhằm mục đích đẩy lớp niêm mạc đã bong tróc ra bên ngoài. Do đó các thuốc giảm đau bụng kinh phải có tác dụng ức chế những co thắt đột ngột của cơ tử cung;
  • Thuốc ức chế tổng hợp Prostaglandin: Chất này trực tiếp gây ra những cơn co thắt tử cung trong kỳ kinh nguyệt, do đó các thuốc ức chế được Prostaglandin sẽ mang lại tác dụng giảm mức độ của các cơn đau khi hành kinh.

Với những cơ chế nếu trên, các thuốc giảm đau bụng kinh muốn mang lại hiệu quả nhanh và an toàn phải đáp ứng được yêu cầu cơ bản là giảm co thắt tử cung. Các nhóm thuốc giảm đau bụng kinh phổ biến trên thị trường hiện nay bao gồm:

  • Nhóm chống co thắt cơ, với thành phần bao gồm các hoạt chất như Alverin, Drotaverin hay Dipropylene;
  • Thuốc bổ sung nội tiết tố nữ, chứa các hormone như Progesteron, Estrogen, Lynestrenol hay Dydrogesterone;
  • Nhóm ức chế Prostaglandin hay nhóm chống viêm không steroid: Phù hợp với nữ giới chưa quan hệ tình dục.

Tuy nhiên, những chị em đau bụng kinh nghiêm trọng, kéo dài do các nguyên nhân bệnh lý như viêm nhiễm vùng chậu, lạc nội mạc tử cung, mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, u xơ tử cung... thì việc sử dụng các thuốc giảm đau bụng kinh sẽ không có hiệu quả. Đặc điểm của những cơn đau bụng kinh thứ phát do các nguyên nhân trên thường gặp ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ với những cơn đau nghiêm trọng, đột ngột, kéo dài và không thuyên giảm dù đã áp dụng các biện pháp giảm đau hay sử dụng thuốc. Lúc này, chị em cần đi khám để phát hiện những bệnh lý gây đau bụng kinh thứ phát và điều trị phù hợp mới có thể cải thiện tình trạng đau.

2. Uống thuốc giảm đau bụng kinh có hại không?

Để trả lời cho thắc mắc uống thuốc giảm đau bụng kinh có hại không, chúng ta cần tìm hiểu cơ chế và những tác dụng phụ có thể xảy ra của một số loại thuốc giảm đau bụng kinh phổ biến hiện nay.

2.1. Cataflam

Sản phẩm này có thành phần là một hoạt chất nhóm kháng viêm giảm đau không steroid, cụ thể là muối Natri của Diclofenac. Thuốc giảm đau bụng kinh Cataflam mặc dù hiệu quả nhưng việc sử dụng liều cao trong thời gian dài có thể gây ra một số tác dụng phụ như viêm loét đường tiêu hóa, tăng men gan hay suy giảm chức năng thận. Trong thời gian sử dụng thuốc Cataflam để điều trị đau bụng kinh thì nguy cơ xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng sẽ tăng lên, bao gồm buồn nôn, tiêu chảy hoặc đau bụng thượng vị.

Chống chỉ định dùng thuốc giảm đau bụng kinh Cataflam với các hoạt chất chống viêm không steroid khác (như Aspirin) và các thuốc chống đông máu. Một số trường hợp chống chỉ định sử dụng Diclofenac bao gồm người đang bị viêm loét dạ dày tá tràng tiến triển, tiền sử hen phế quản, suy gan/suy thận nặng hoặc mẫn cảm với các thành phần có trong thuốc.

2.2. Mefenamic acid

Tương tự Diclofenac, Mefenamic Acid cũng là một thuốc giảm đau bụng kinh thuộc nhóm giảm đau, kháng viêm không steroid. Khi sử dụng chú ý không uống Mefenamic acid quá 7 ngày. Một số trường hợp dùng thuốc giảm đau bụng kinh có thể xuất hiện các tác dụng phụ như buồn ngủ, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa, nổi mẩn ngứa, giảm số lượng tiểu cầu hoặc thiếu máu tán huyết.

Lưu ý, chị em cần thận trọng khi dùng thuốc Mefenamic acid trong tình trạng cơ thể mất nước hoặc có tiền sử bệnh động kinh trước đó. Chống chỉ định sử dụng của Mefenamic acid cũng tương tự thuốc Cataflam.

2.3. Hyoscinum

Đây là một trong các loại thuốc chống co thắt hướng cơ. Cơ chế hoạt động của Hyoscinum là gây tê liệt thần kinh giao cảm, do đó thường được chỉ định giảm các cơn đau do co thắt, trong đó điển hình là đau bụng kinh. Những trường hợp sử dụng thuốc giảm đau bụng kinh Hyoscinum có thể xuất hiện các một số tác dụng phụ như khô miệng, tim đập nhanh, bí tiểu tiện hoặc dị ứng da. Chống chỉ định sử dụng Hyoscinum cho bệnh nhân Glaucoma, rối loạn niệu đạo tiền liệt tuyến hoặc hẹp môn vị.

2.4. Alverin

Alverin là một thuốc giảm đau bụng kinh an toàn với cơ chế tác dụng chính là ức chế các cơn co thắt cơ. Cụ thể hơn Alverin ức chế các cơn co thắt cơ do Acetylcholin, do đó thường được dùng trong các trường hợp đau do co thắt và đau bụng kinh là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, thuốc Alverin lại chống chỉ định dùng cho người có huyết áp thấp.

2.5. Một số lưu ý về các thuốc giảm đau bụng kinh

Người dưới 16 tuổi không được sử dụng Cataflam và Mefenamic acid.

Nguyên nhân gây đau bụng kinh có thể hiểu là do sự gia tăng các cơn co thắt ở tử cung. Cataflam và Mefenamic Acid dù giảm đau hiệu quả nhưng có nhiều tác dụng phụ. Trong khi Hyoscinum và Alverin có tác dụng đặc trị chống co thắt cơ nên phần nào ít gây tác dụng phụ nguy hiểm hơn.

Do đó Hyoscinum và Alverin được đánh giá là 2 loại thuốc giảm đau bụng kinh an toàn, đồng thời dễ dàng mua được dưới dạng thuốc gốc, vừa kinh tế vừa đem lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên, thống kinh có thể xảy ra không giống nhau ở mỗi người, ví dụ trẻ em có nguyên nhân khác, người trưởng thành có nguyên nhân khác. Do đó tốt nhất khi có biểu hiện đau bụng kinh bất thường thì bệnh nhân nên đến gặp các bác sĩ phụ khoa để thăm khám và có hướng điều trị thay vì dùng thuốc tùy tiện.

3. Một số lưu ý để giảm đau bụng kinh

Những loại thuốc giảm đau bụng kinh kể trên mang lại hiệu quả trong hầu hết các trường hợp. Nếu cơn đau vẫn nghiêm trọng thì chị em cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám. Nguyên nhân gây đau bụng kinh có thể xuất phát từ các bệnh lý vùng kín hoặc bệnh lý phụ khoa nên phải điều trị căn nguyên thì các cơn đau mới kiểm soát hiệu quả.

Bên cạnh sử dụng thuốc giảm đau bụng kinh theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cũng nên kết hợp với các biện pháp khác như thay đổi lối sống, duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh với mục đích cuối cùng là tăng cường sức khỏe và cải thiện tình trạng đau. Sau đây là một số lời khuyên giúp giảm đau bụng kinh lâu dài:

  • Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 3-5 buổi/tuần với thời gian mỗi buổi từ 20-30 phút;
  • Nghỉ ngơi phù hợp, uống nhiều nước, có biện pháp kiểm soát căng thẳng/stress trong công việc và gia đình;
  • Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là các nhóm Vitamin A, E, B6, C và các nguyên tố vi lượng như sắt, Magie, Vitamin B12...

Ngoài sử dụng thuốc thì vẫn có nhiều cách chữa đau bụng kinh nguyên phát hiệu quả, như Massage và chườm nóng (hay lăn bình nước ấm qua bụng) trong lúc massage. Ngoài ra, chị em có thể sử dụng một số cách khác như:

  • Dùng túi đựng muối hột hơ lửa cho nóng ấm sau đó chườm lên bụng;
  • Lá ngải cứu kết hợp muối hột hơ nóng chườm trên bụng cũng có tác dụng tốt xoa dịu cơn đau bụng kinh;
  • Ngâm chân 15-20 phút trong nước muối nóng hoặc nước dược liệu có tinh dầu quế, sả, củ địa liên, gừng;
  • Một số người còn sử dụng phương pháp châm cứu trong trường hợp cơn đau bụng kinh nặng.

Theo Đông y, một số cây thuốc quen thuộc có thể sử dụng làm thuốc giảm đau bụng kinh như:

  • Ngải cứu nấu cùng nước sôi, để khoảng 10 phút. Sau đó lấy nước uống, 2-3 lần trong ngày;
  • Cỏ cú: Sử dụng 30g củ tươi (củ khô thì 12g) nấu sôi cùng 1 lít nước. Sau đó dùng để uống vài lần trong ngày;
  • Một nắm lá cây ích mẫu (20g nếu lá khô) nấu cùng 1 lít nước để uống;
  • Nhân trần: Nấu 50g tươi hoặc 15g khô thành dung dịch đậm đặc để uống;
  • Gừng tươi 20g đun nước uống giúp ấm bụng và xoa dịu cơn đau bụng kinh hiệu quả.

Hầu hết các bài thuốc giảm đau thảo dược cho tác dụng nhanh, mạnh mà không gây tác dụng phụ như thuốc giảm đau Tây y. Đặc biệt là các thuốc này có thể dùng hàng tháng, kéo dài mà không gây tác dụng phụ, đặc biệt không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở chị em phụ nữ.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe