Uống thuốc điều trị thiếu oxy não thế nào?

Thiếu oxy não là một bệnh lý nguy hiểm có thể gây tổn thương vĩnh viễn tế bào não không hồi phục. Vậy làm thế nào để nhận biết thiếu oxy lên não và cách điều trị thiếu oxy não như thế nào?

1. Thiếu oxy máu não là gì?

Thiếu oxy não là tình trạng lưu lượng máu cung cấp cho các tế bào não bị thiếu hụt, từ đó làm lượng oxy cần cung cấp cho não bộ không đảm bảo. Tế bào não cần khoảng 15% máu từ tim để cung cấp đủ lượng oxy và glucose cần thiết cho các hoạt động sống hàng ngày, nếu lưu lượng máu đến não không đủ để đáp ứng nhu cầu trao đổi chất thì não sẽ bị thiếu oxy.

Thiếu oxy não mức độ nhẹ sẽ gây đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt. Nặng hơn có thể gây choáng váng, da xanh sao, mất ý thức, mất trí nhớ tạm thời, liệt nửa người,... gây khó khăn cho sinh hoạt và công việc. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến các di chứng nặng nề như chết mô não, nhồi máu não, đột quỵ,...

Các chỉ định cận lâm sàng để chẩn đoán và đánh giá tình trạng thiếu máu oxy lên não bao gồm: Xét nghiệm máu, Chụp X-Quang phổi, Chụp MRI và CT ở mạch máu não sọ não, Điện tâm đồ đánh giá chức năng tim, Điện não đồ,...

Một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây thiếu oxy não:

  • Yếu tố nguy cơ từ bên ngoài: hút thuốc lá, hít khói thuốc lá thụ động, ô nhiễm không khí, hít phải hóa chất, bụi bẩn.
  • Yếu tố nguy cơ từ bên trong cơ thể: tổn thương ở các cơ quan hô hấp, cơ quan tim mạch.
  • Hạ huyết áp hoặc tăng huyết áp.
  • Các bệnh lý tim mạch - phổi, các chấn thương tại phổi, khí quản.
  • Bệnh nhân có bệnh lý xơ cứng cột bên teo cơ.
  • Bệnh nhân có các bệnh lý dị tật bẩm sinh ở mạch máu, đặc biệt là dị tật mạch máu não.
  • Bệnh lý thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ.

Ngoài ra, không quen với việc thay đổi độ cao, làm việc trong môi trường ít thoáng khí, người phải vận động và lao động mạnh với cường độ cao kéo dài, người chơi các môn thể thao như đấm bốc, bóng rổ, bơi lội cũng làm tăng nguy cơ thiếu oxy lên não.

2. Các biểu hiện khi thiếu oxy não

Một số triệu chứng có thể gặp gợi ý tình trạng thiếu oxy não:

  • Khó thở nhanh, đau tức ngực, có thể thở khò khè.
  • Cơ thể mệt mỏi kéo dài mà không xác định được nguyên nhân thực thể.
  • Tim đập nhanh dù không thực hiện các hoạt động thể lực mạnh.
  • Đau đầu từng vùng (vùng trán, vùng gáy hoặc đau ở thái dương). Đau tăng khi suy nghĩ, khi tập trung, khi mới ngủ dậy hay khi hoạt động nặng.
  • Hoa mắt, chóng mặt, ù tai,... Các triệu chứng tăng dần về cường độ và tần suất.
  • Suy giảm trí nhớ nhất thời hoặc kéo dài, khó hoặc không thể tập trung trong công việc.

3. Uống thuốc điều trị thiếu oxy não như thế nào?

Các nhóm thuốc điều trị thiếu máu lên não bao gồm:

3.1. Nhóm thuốc tăng lưu lượng máu lên não và cải thiện triệu chứng thiếu máu

Tác dụng thay đổi, điều hòa lưu lượng máu đến não, bổ sung máu lên não trong bệnh lý thiếu máu não. Ở các thành động mạch bị hẹp hay bị chèn ép thuốc có thể làm giãn mạch một cách đáng kể, tăng lưu lượng máu lên não. Bao gồm:

  • Cinnarizin: thuốc chẹn canxi chọn lọc, tác dụng giãn mạch, tăng lưu thông tuần hoàn.
  • Piracetam: đẩy mạnh chuyển hóa oxy và glucose tại não, duy trì khả năng tổng hợp năng lượng ở não, phục hồi tổn thương não, tăng cường khả năng tập trung, cải thiện các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt,...
  • Ginkgo biloba: hỗ trợ điều trị các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, giảm trí nhớ, lo âu do thiếu oxy não.
  • Cerebrolysin: Biệt hóa, tăng sinh và điều hòa chức năng của các tế bào thần kinh, bảo vệ tế bào não do tình trạng thiếu máu, tăng cường dẫn truyền máu lên não.

3.2. Nhóm thuốc cung cấp dưỡng chất

Hỗ trợ quá trình điều trị thiếu oxy não do tăng cường các dưỡng chất, tăng cường dinh dưỡng cho tế bào máu và tế bào não. Các thuốc nhóm cung cấp dưỡng chất bao gồm:

  • Các loại vitamin: Vitamin C giúp tăng cường khả năng hấp thụ sắt cho cơ thể (sắt là thành phần quan trọng trong tế bào hồng cầu); Vitamin B làm tăng khả năng hoạt hóa các synap thần kinh, tăng quá trình methyl hóa và giảm nồng độ các chất cản homocysteine.
  • Nguyên tố Sắt: Sắt là một nguyên tố vi lượng quan trọng giúp bổ sung dưỡng chất, tạo nên các huyết sắc tố ở hồng cầu. Sắt kết hợp với oxy sẽ tạo nên oxyhaemoglobin, hỗ trợ sự lưu thông máu và phân phối oxy đến các tế bào.

3.3. Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị thiếu máu não

  • Sử dụng các loại thuốc phải điều trị thiếu máu não phải dưới sự chỉ định và giám sát của bác sĩ. Không tự ý sử dụng khi chưa được chẩn đoán bệnh hoặc sử dụng thuốc không đúng mục đích.
  • Bệnh nhân đang sử dụng thuốc điều trị bệnh lý tim mạch, bệnh nhân động kinh không sử dụng các thuốc tăng tuần hoàn não.
  • Các thuốc điều trị thiếu oxy não chỉ nên được sử dụng ở bệnh nhân mức độ nhẹ, nếu bệnh nhân có các triệu chứng nặng nề hoặc sử dụng thuốc không cải thiện cần kiểm tra lại chẩn đoán và thay đổi phác đồ điều trị khác.

4. Một số biện pháp phòng ngừa tình trạng thiếu oxy não

Một số biện pháp phòng ngừa tình trạng thiếu oxy não bao gồm:

  • Bỏ thói quen hút thuốc lá, tránh hít khói thuốc lá thụ động khi đứng gần người hút thuốc lá.
  • Tập luyện thể dục thường xuyên để cải thiện sức mạnh và sức bền của cơ thể, tăng cường oxy cho tế bào.
  • Cải thiện chế độ ăn uống, tăng cường rau xanh, ngũ cốc, thực phẩm có chất xơ, các loại vitamin các loại trái cây (quả mọng); hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, đồ uống có ga, rượu bia.
  • Tăng cường các loại thực phẩm chứa đạm như thịt nạc, thịt vịt, trứng gà, thịt heo, hải sản,... để tăng số lượng hồng cầu trong máu.
  • Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, không để cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi, căng thẳng kéo dài.

Tóm lại, thiếu oxy não là tình trạng bệnh lý hay gặp đặc biệt là ở những đối tượng bệnh nhân trung niên. Ở những trường hợp bệnh lý nhẹ, có thể cải thiện bằng các loại thuốc bổ sung dinh dưỡng và tăng tuần hoàn não. Tuy nhiên, nếu bệnh lý kéo dài dai dẳng cần giải quyết nguyên nhân gây thiếu oxy não bằng các biện pháp can thiệp khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe