Rượu bia gây ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể như dạ dày, gan, phổi, thận, tim mạch và đặc biệt là hệ thần kinh, bởi hoạt động của hầu hết các cơ quan, bộ phận trong cơ thể là do hệ thần kinh chi phố.
1. Sau bao lâu rượu sẽ ảnh hưởng tới hệ thần kinh?
30 giây sau khi bạn uống ngụm rượu đầu tiên, rượu đã được đưa lên não của bạn. Uống rượu say sẽ làm chậm hoạt động của các hóa chất và các con đường mà các tế bào thần kinh sử dụng để truyền tin. Điều này làm thay đổi tâm trạng của bạn, khiến cho các phản xạ của bạn chậm hơn và làm bạn mất thăng bằng.
2. Uống rượu say ảnh hưởng tới hệ thần kinh như thế nào?
Uống rượu say gây ảnh hưởng đến con đường giao tiếp của não. Điều này khiến cho bạn khó suy nghĩ, khó nói rõ ràng hơn, khó ghi nhớ mọi thứ, khó đưa ra quyết định đúng đắn và khó khăn trong việc di chuyển cơ thể. Việc uống rượu say có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, mất trí nhớ. Bạn có thể bị tổn thương thần kinh kéo dài sau khi bạn đã tỉnh táo.
2.1. Uống rượu say làm cho não co lại
Nếu bạn uống nhiều rượu trong một thời gian dài, rượu có thể gây ảnh hưởng đến kích thước và hoạt động của bộ não. Các tế bào não bắt đầu thay đổi, thậm chí còn nhỏ hơn bình thường. Uống rượu say thực sự có thể thu nhỏ não của bạn. Và điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng suy nghĩ, học hỏi và ghi nhớ của bạn. Nó cũng có thể làm cho việc giữ nhiệt độ cơ thể ổn định và kiểm soát chuyển động của bạn trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, dùng quá nhiều rượu khiến bạn có thể mắc bệnh thoái hóa tiểu cầu não, do các tế bào nơron ở tiểu não bị phá hủy và chết do tác động của rượu. Bị thoái hóa tiểu não khiến não bộ không thể kiểm soát được chức năng vận động và giữ thăng bằng, với một loạt các dấu hiệu như rung tay, chân, rung giật nhãn cầu....
2.2. Rượu ảnh hưởng tới giấc ngủ
Rượu tác dụng lên não có thể khiến cho bạn buồn ngủ, do đó bạn có thể ngủ gật dễ dàng hơn, điều này thực sự rất nguy hiểm nếu bạn uống rượu bia khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, thực tế bạn lại không thể ngủ ngon được, bởi cơ thể bạn sẽ phải xử lý rượu suốt đêm. Một khi các hiệu ứng biến mất, sẽ khiến bạn xoay trở nhiều. Người thường xuyên uống rượu say sẽ không có được một giấc ngủ tốt mà cơ thể bạn đang cần để cảm thấy được phục hồi. Ngoài ra bạn có nhiều khả năng gặp ác mộng, vã mồ hôi khi ngủ. Bạn cũng có thể phải thức dậy thường xuyên hơn để đi vệ sinh.
2.3. Rượu gây rối loạn hoạt động của hệ thần kinh trung ương
Rượu là một chất ức chế, nó làm đình trệ và gây rối loạn các hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Khi uống rượu say người ta sẽ nói nhiều, huênh hoang, không thận trọng trong cử chỉ và lời nói, trở nên bê tha, lú lẫn, không biết đúng sai và xấu hổ. Họ có những hành động mà lúc bình thường lòng tự trọng không cho phép họ làm như vậy. Rượu tác động vào hệ thần kinh trung ương khiến cho người ta không làm chủ được suy nghĩ và hành vi của bản thân. Dẫn đến những hậu quả khôn lường như liều lĩnh, không kiềm chế gây tai nạn giao thông hay đánh đập, chém giết nhau,...
Với những người thường xuyên uống rượu say, lạm dụng rượu hay nghiện rượu sẽ dẫn tới tình trạng suy giảm và rối loạn các chức năng hoạt động của não bộ, gây ra tình trạng suy giảm trí nhớ, suy giảm trí tuệ, rối loạn cảm xúc, rối loạn tư duy, rối loạn hành vi tác phong... Với bệnh nhân loạn thần do rượu sẽ bị rối loạn tư duy sinh ra các hoang tưởng bị hại, hoang tưởng ghen tuông,... Rối loạn tri giác sinh ra có ảo xúc (rối loạn cảm giác trên da), ảo thị. Rối loạn cảm xúc như hưng cảm hoặc trầm cảm, hung giữ không biết kiềm chế, đánh vợ con, đánh người xung quanh.
Đặc biệt, đối với những phụ nữ đang mang thai, việc sử dụng quá nhiều rượu, uống rượu say sẽ khiến thai nhi có nguy cơ mắc hội chứng ngộ độc rượu. Điều này có thể khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh về thể chất cũng như trí tuệ của trẻ. Phụ nữ mang thai không nên uống rượu.
Video đề xuất:
Bác sĩ Trịnh Ngọc Duy hướng dẫn sơ cứu ngộ độc rượu
Tác động xấu của rượu đến hoạt động cảm xúc và hành vi của người uống rượu say là điều mà hầu như ai cũng nhận thấy. Khi uống rượu bia nhiều dẫn tới say, giai đoạn đầu của cơn say là giai đoạn hưng phấn. Chính vì vậy mà họ nói nhiều, nói luyên thuyên, nói mãi một chủ đề mà người xung quanh không thể ngăn cản họ nói. Nếu có ai đó cố tình chọc tức hoặc ngăn cản họ, họ rất dễ nổi cáu dẫn tới chửi nhau, thậm chí là đánh nhau gây ra án mạng. Trên thực tế đã có rất nhiều vụ án mạng xảy ra trên bàn nhậu chỉ vì một lời thách đố hay khích bác. Sau giai đoạn hưng phấn sẽ đến giai đoạn ức chế, lúc này người say rượu sẽ nằm một chỗ, không nói gì nữa, thậm chí có người còn dẫn tới tình trạng sảng rượu.
Rượu gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thần kinh, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ các cơ quan, bộ phận trong cơ thể. Các tác động đó có thể xảy ra ngay sau khi uống rượu, cũng có khi xuất hiện sau một thời gian dài lạm dụng rượu bia. Muốn uống rượu đúng cách cần nhớ, đó là chúng ta không nên uống rượu bia quá nhiều, nam không quá 02 đơn vị cồn mỗi ngày, nữ không quá 01 đơn vị cồn mỗi ngày. Bên cạnh đó, nên có sự động viên, an ủi và tạo điều kiện cho những người nghiện rượu nặng có thể vượt qua chính mình để hòa nhập cộng đồng, tránh những tác động nghiêm trọng do rượu gây ra.