U nang buồng trứng xoắn và những điều cần biết

U nang buồng trứng xoắn là biến chứng cấp tính của u nang buồng trứng. Trong trường hợp xoắn nhiều không thể trở lại vị trí ban đầu và không được phẫu thuật kịp thời, u nang có thể hoại tử và vỡ, gây ra chảy máu nặng và có thể làm nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Bài viết này sẽ chia sẻ những thông tin chi tiết khi u nang buồng trứng bị xoắn.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Tìm hiểu về u nang buồng trứng xoắn

U nang buồng trứng là các khối u lành tính, bao gồm u cơ năng và u thực thể, thường hình thành do sự rối loạn nội tiết tố hoặc do các bệnh lý. U nang cơ năng có thể biến mất sau một vài chu kỳ kinh nguyệt, nhưng u nang thực thể lại không biến mất mà thường có xu hướng phát triển và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Tất cả các loại u nang, bất kể là cơ năng hay thực thể, đều có nguy cơ bị xoắn lại. Tuy nhiên, tình trạng xoắn u buồng trứng thường xảy ra với các khối u có kích thước đường kính từ 5-10cm, đặc biệt là u dạng bì buồng trứng hoặc các u có cuống dài. Các u buồng trứng và u hoàng tuyến sau nạo thai trứng cũng có thể bị xoắn.

Trong một số trường hợp, u nang buồng trứng xoắn có thể tự tháo xoắn và trở về vị trí ban đầu. Tuy nhiên, nếu có nhiều u nang xoắn không thể trở về vị trí ban đầu, các mạch máu trên u nang có thể bị tắc nghẽn, gây ra sự tắc nghẽn gây ứ đọng máu và dẫn đến hoại tử. U nang buồng trứng xoắn thành nhiều vòng có thể gây vỡ u nang và xuất huyết, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, viêm phúc mạc và mất máu. Đây là một biến chứng cấp tính nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời. 

U nang buồng trứng xoắn khi vỡ có thể gây viêm phúc mạc.
U nang buồng trứng xoắn khi vỡ có thể gây viêm phúc mạc.

2. U nang buồng trứng xoắn có nguy hiểm không?

Khi u nang buồng trứng bị xoắn, đây là một tình trạng rất nguy hiểm cho người bệnh, gây ra những đau đớn không ngừng và có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như suy giảm hoặc mất khả năng sinh sản, thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Khối u sau khi bị xoắn thường khó hoặc không thể trở lại trạng thái ban đầu, nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến vỡ u hoặc hoại tử. Trong trường hợp nghiêm trọng, phải cắt bỏ một bên hoặc cả hai bên của buồng trứng, làm giảm khả năng sinh sản của phụ nữ và tăng nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng như viêm màng bụng, nhiễm trùng, mất máu, thậm chí là tử vong.

3. Nguyên nhân dẫn đến u nang buồng trứng bị xoắn

Nguyên nhân gây xoắn u nang buồng trứng vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, do u nang không bám vào các tạng xung quanh và có độ di động cao, nên dễ bị xoắn khi thực hiện các hoạt động như đi tàu, chạy nhảy hoặc vận động mạnh. U nang cũng có thể bị xoắn ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu hoặc sau sinh nở (khi tử cung co lại, không gian bụng trở nên rỗng hơn, tạo điều kiện cho u nang di chuyển và xoắn lại). Ngoài ra, những khối u có cuống dài và không kết nối chặt chẽ với các cấu trúc xung quanh cũng dễ bị xoắn. 

Các hoạt động mạnh khiến cho u nang di chuyển gây ra tình trạng xoắn.
Các hoạt động mạnh khiến cho u nang di chuyển gây ra tình trạng xoắn.

4. Dấu hiệu nhận biết nang buồng trứng xoắn

Các dấu hiệu phổ biến của u nang buồng trứng xoắn bao gồm:

  • Phát hiện u nang buồng trứng thông qua siêu âm trước đó hoặc trong quá trình khám sức khỏe.
  • Đau bụng dữ dội ở vùng bụng dưới rốn. Thời gian giữa các cơn đau ngắn dần lại, từ ban đầu khoảng 10 phút, sau đó rút ngắn xuống còn 5 phút hoặc ít hơn. Cơn đau có thể kéo dài liên tục và kèm theo cảm giác bụng chướng. Mặc dù dùng thuốc giảm đau nhưng cơn đau cấp tính vẫn không giảm, tình trạng của bệnh nhân có thể diễn tiến xấu một cách nhanh chóng trong vài giờ.
  • Có thể xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn và nôn mửa.
  • Trong trường hợp nghiêm trọng, khi buồng trứng xoắn bị hoại tử hoặc vỡ, người bệnh có thể gặp phải tình trạng sốc nặng, dẫn đến choáng váng, hoảng sợ, vã mồ hôi, ngất xỉu hoặc sốt cao.
  • U nang lớn có thể chèn ép lên các cơ quan xung quanh, gây ra các triệu chứng như tiểu tiện nhiều, tiểu rắt, tiểu khó (do chèn ép lên đường tiết niệu), táo bón (do chèn ép vào ruột) hoặc gây phù ở cả hai chân (do chèn ép vào tĩnh mạch chủ dưới).
Khi u nang buồng trứng bị xoắn sẽ gây ra buồn nôn.
Khi u nang buồng trứng bị xoắn sẽ gây ra buồn nôn.

5. Điều trị u nang buồng trứng xoắn thế nào?

Khi phát hiện u nang buồng trứng bị xoắn, bất kể mức độ xoắn nhiều hay ít, việc phẫu thuật vẫn nên được thực hiện sớm. Đặc biệt, trong trường hợp của u nang buồng trứng xoắn cấp tính, việc can thiệp ngay lập tức là điều cần thiết. Tùy thuộc vào tình trạng của u nang và mong muốn sinh sản của bệnh nhân, bác sĩ có thể quyết định loại bỏ một phần hoặc toàn bộ buồng trứng.

Hiện nay, có hai phương pháp chính để thực hiện phẫu thuật bóc tách u nang buồng trứng:

  • Phẫu thuật nội soi: Đây là phương pháp hiện đại, ít xâm lấn, gây đau ít và mang tính thẩm mỹ cao do không để lại sẹo lớn. Phương pháp này cũng ít gây biến chứng và có thời gian hồi phục nhanh. Tuy nhiên, phẫu thuật nội soi chỉ phù hợp cho các trường hợp u nhỏ, dễ thực hiện và yêu cầu cơ sở vật chất cũng như kinh nghiệm phẫu thuật viên.
  • Phẫu thuật mở: Phương pháp mổ mở mang lại hiệu quả cao đối với các trường hợp u nang lớn, u nang ở vị trí khó bóc tách hoặc các trường hợp u nang phức tạp như u biến chứng thành ung thư, u nang nằm ở lớp mô lỏng lẻo. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm về tính thẩm mỹ và thời gian hồi phục lâu hơn so với phẫu thuật nội soi. 
Mổ nội soi được áp dụng phổ biến hơn trong điều trị u nang buồng trứng xoắn.
Mổ nội soi được áp dụng phổ biến hơn trong điều trị u nang buồng trứng xoắn.

6. Mối liên hệ giữa u nang buồng trứng xoắn và các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

Phụ nữ thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để mang thai sẽ có nguy cơ bị xoắn buồng trứng cao. Nguyên nhân thường là do các hormone cần thiết cho thụ tinh trong ống nghiệm hoặc kích thích rụng trứng. Những hormone này có thể khiến buồng trứng to ra và phát triển nhiều u nang. Mặc dù, các nang này không phải là 1 khối u thật sự nhưng vẫn có khả năng làm tăng nguy cơ xoắn buồng trứng.

7. Phòng ngừa u nang buồng trứng xoắn

Mặc dù là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng việc phòng ngừa u nang buồng trứng hoàn toàn có thể được thực hiện thông qua các biện pháp sau:

  • Theo dõi sức khỏe sinh sản định kỳ: Việc quan trọng nhất để ngăn ngừa nguy cơ xoắn u nang buồng trứng là theo dõi sức khỏe sinh sản định kỳ, khoảng 3-6 tháng/lần.
  • Theo dõi tiến triển của u nang: Trong trường hợp phát hiện có u nang buồng trứng và chưa có chỉ định can thiệp, bệnh nhân cần theo dõi chặt chẽ tiến triển của u nang theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Cẩn thận trong hoạt động hàng ngày: U nang có thể bị xoắn lại bất cứ lúc nào, vì vậy những người phát hiện u nang buồng trứng cần chú ý trong các hoạt động thường ngày như đi lại nặng nề, hạn chế làm việc quá nặng nhọc cũng như tránh quan hệ tình dục thô bạo.
  • Theo dõi định kỳ sau điều trị: Sau khi phẫu thuật u nang buồng trứng, u nang vẫn có thể tái phát và bị xoắn trở lại. Do đó, bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.

U nang buồng trứng xoắn có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, nhưng phổ biến nhất là ở phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản. Đây là một biến chứng không thể bỏ qua vì ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, cũng như khả năng sinh sản của phụ nữ. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe