U nang buồng trứng có phải mổ không là một vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm bởi tỷ lệ mắc u nang và u xơ đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt là ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sỹ Phạm Thị Kim Yến - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Sức khoẻ phụ nữ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
1. Tìm hiểu về u nang buồng trứng
1.1 U nang buồng trứng là gì?
Buồng trứng là một cơ quan sinh sản của phụ nữ, có kích thước tương đương hạt hạnh nhân. Mỗi phụ nữ có hai buồng trứng, nằm đối xứng hai bên tử cung.
Buồng trứng có hai chức năng chính:
Chức năng ngoại tiết: Khi bước vào tuổi dậy thì, buồng trứng giải phóng trứng theo chu kỳ khoảng 28-35 ngày một lần.
Chức năng nội tiết: Buồng trứng tiết ra các hormone giới tính nữ, bao gồm estrogen và progesterone đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh sản của nữ giới.
U nang buồng trứng là một khối chứa dịch lỏng nằm bên trong hoặc trên bề mặt buồng trứng. Khối u này xuất hiện ở một bên hoặc cả hai bên buồng trứng. Phần lớn u nang buồng trứng là lành tính, chỉ khoảng 10% trong số này gây ra các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và sức khỏe của phụ nữ. Vậy trong trường hợp ác tính, u nang buồng trứng có phải mổ không là thắc mắc của nhiều chị em phụ nữ.
1.2 Các loại u nang buồng trứng
U nang buồng trứng có nhiều loại khác nhau, trong đó ba dạng chính là u nang cơ năng, u nang thực thể và u nang lạc nội mạc tử cung.
1.2.1 U nang cơ năng
Đây là loại u nang phổ biến nhất, thường xảy ra ở phụ nữ vẫn có kinh nguyệt. Thông thường, đây là các u lành tính hình thành do sự rối loạn sinh lý trong quá trình phát triển thay vì do tổn thương thực thể trên buồng trứng, cho nên các u nang này có thể tự biến mất sau vài tháng.
U nang cơ năng được chia làm 3 loại nhỏ gồm có:
U nang noãn: Trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, một quả trứng sẽ được giải phóng từ buồng trứng. Quả trứng này phát triển trong một túi nhỏ được gọi là nang bọc noãn. Khi trứng đã trưởng thành, nang bọc noãn sẽ vỡ để giải phóng trứng. Tuy nhiên, nếu nang bọc noãn không vỡ ra như thông thường, quá trình rụng trứng sẽ không diễn ra và nang này sẽ tiếp tục phát triển thành một khối u nang. U nang noãn thường dẫn đến tình trạng trễ kinh nguyệt, gây hiểu lầm cho nhiều người vì nghĩ rằng bản thân có thai.
U nang hoàng thể: Sau khi nang bọc noãn mở ra và giải phóng trứng, hormone progesterone kích thích túi nang rỗng teo lại và thoái hóa thành thể vàng. Tuy nhiên, nếu túi nang rỗng này không teo đi mà tiếp tục phát triển và tích tụ chất lỏng bên trong, túi nang này sẽ hình thành u nang hoàng thể.
U nang hoàng thể thường có kích thước lớn hơn u nang noãn và có khả năng phát triển đến đường kính khoảng 10 cm. Đa phần các u nang này sẽ tự tiêu biến sau vài tuần, nhưng u nang cũng gây biến chứng chảy máu hoặc xoắn buồng trứng, gây đau đớn cho người bệnh.
U nang hoàng tuyến: Đây là một dạng hiếm gặp của u nang cơ năng, thường xảy ra ở phụ nữ được điều trị vô sinh, mắc bệnh ung thư nguyên bào nuôi, hoặc có thai đa phôi. Quá trình hình thành của u nang hoàng tuyến xuất phát từ sự kích thích quá mức của các nang bọc noãn, thường do tăng nồng độ HCG làm cho quá trình rụng trứng không xảy ra và dẫn đến sự hoàng thể hóa.
1.2.2 U nang thực thể
U nang thực thể là các khối u phát triển một cách lặng lẽ và kéo dài nhiều năm. Quá trình hình thành của loại u này thường xuất phát từ tổn thương trong quá trình phẫu thuật ở các nhu mô bình thường trong buồng trứng. U nang thực thể thường được phân loại thành ba loại chính:
U nang nước: Đây là một loại u nang có lớp vỏ mỏng, trơn nhẵn và dễ vỡ. U nang này có cuống dài, bên trong chứa dịch lỏng trong suốt hoặc màu nâu. Đôi khi, ở mặt trong hoặc mặt ngoài của vỏ nang có xuất hiện các nhú nhỏ. Những nhú này có khả năng là dấu hiệu tiềm ẩn của ung thư buồng trứng trong tương lai, đặc biệt là khi có nhiều nhú xuất hiện.
U nang nhầy là một dạng u nang với vỏ dày hơn so với u nang nước, thường có màu trắng bên ngoài và chứa một chất dịch quánh đặc màu vàng bên trong. U nang nhầy có khả năng phát triển lên đến hàng chục kg và dính vào các cơ quan lân cận một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nguy cơ ác tính của u nang loại này thường không cao
U nang bì, còn được biết đến là u nang da thường có kích thước trung bình dưới 10 cm nhưng lại có trọng lượng nặng, dễ gây xoắn. U nang bì có lớp vỏ dày và mịn, bên trong chứa tóc, sừng và các chất cặn như bã đậu. Nguyên nhân của u nang bì thường xuất phát do các cấu trúc hình thành từ tế bào phôi thai. U nang bì có khả năng xuất hiện ở mọi nhóm tuổi từ trẻ em đến phụ nữ trưởng thành và phụ nữ mãn kinh. Đặc biệt, khoảng 10% phụ nữ mang thai có khả năng phát triển loại u nang này.
1.2.3 U nang nội mạc tử cung
Trong chu kỳ kinh nguyệt, lớp nội mạc tử cung thường bong tróc và được đẩy ra ngoài qua âm đạo kèm theo máu kinh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, một số tế bào nội mạc tử cung vẫn bám vào buồng trứng và phát triển bởi các nội tiết tố sinh dục, dẫn đến quá trình hình thành của u nang nội mạc tử cung.
1.3 Triệu chứng khi mắc bệnh u nang buồng trứng
U nang buồng trứng thường không thể hiện rõ ràng, thậm chí có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Phần lớn người bệnh chỉ phát hiện ra khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc khi triệu chứng bắt đầu xuất hiện muộn.
Người bệnh nên lưu ý một số dấu hiệu có thể gợi ý về sự hiện diện của u nang buồng trứng, như cảm thấy đau sau quan hệ tình dục, đau âm ỉ hoặc đau dữ dội ở bụng dưới hoặc ở phía bên trái hoặc phải của buồng trứng. Ngoài ra, người bệnh cũng có khả năng xuất hiện các triệu chứng như tiểu tiện thường xuyên, rối loạn kinh nguyệt, cảm giác đầy bụng mặc dù không ăn,…
2. U nang buồng trứng có phải mổ không?
U nang buồng trứng có phải mổ hay không còn dựa vào nhiều yếu tố khác nhau. Để xác định được điều này, bệnh nhân cần được bác sĩ giám định chính xác tại bệnh viện. Nếu như có sự xuất hiện của một trong các triệu chứng, các chị em nên đi khám để được bác sĩ tư vấn tình trạng bệnh và hướng điều trị cụ thể.
3. U nang buồng trứng kích thước bao nhiêu phải mổ?
Để biết u nang buồng trứng có phải mổ không, các trường hợp u nang dưới đây thường sẽ được bác sĩ chỉ định phẫu thuật, bao gồm:
Nếu sau thời gian theo dõi, u nang không giảm kích thước mà ngược lại tiếp tục phát triển hoặc có những diễn biến phức tạp khác, bác sĩ sẽ đề xuất người bệnh nên phẫu thuật sớm để tránh các biến chứng.
Thông thường, các u nang có kích thước lớn hơn 5cm, đặc biệt là lớn hơn 8cm sẽ được xem xét phẫu thuật cho dù là u nang cơ năng hay u thực thể. Một số u nang có thể phát triển đến kích thước rất lớn, tương tự như kích thước của một quả dưa hấu. Khi u nang trở nên quá lớn, trình trạng này gây chèn ép vào các cơ quan lân cận và ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan này, do đó cần phải loại bỏ ngay.
Nếu phát hiện có u nang lạc nội mạc tử cung thông qua siêu âm, người bệnh nên thực hiện mổ u nang. Loại u nang này có thể là ung thư, đặc biệt nguy hiểm và thường xuất hiện ở phụ nữ trẻ. Nếu không được điều trị kịp thời, u nang này có khả năng gây vô sinh và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
U nang thực thể, đặc biệt là u nang nhầy và u nang quái cũng cần phải loại bỏ sớm.
Khi u nang xuất hiện ở cả hai bên buồng trứng, quá trình loại bỏ cần được thực hiện sớm.
Nếu có nghi ngờ u nang là ung thư hoặc có dấu hiệu của ung thư, các bác sĩ sẽ can thiệp ngay lập tức để loại bỏ hoàn toàn phần u nang ác tính, ngăn ngừa ung thư di căn và bảo vệ tính mạng của bệnh nhân. Trong những trường hợp nghiêm trọng, khi tế bào ung thư đã di căn ở cả hai bên buồng trứng, bác sĩ có khả năng sẽ quyết định loại bỏ hoàn toàn cả hai buồng trứng, vòi trứng và các mô xung quanh. Điều này có nghĩa là bệnh nhân sẽ mất khả năng sinh sản.
Đối với những phụ nữ đã ở tuổi mãn kinh và không có ý định sinh sản nữa, nếu phát hiện có u nang, các bác sĩ sẽ đề xuất phẫu thuật loại bỏ buồng trứng nhằm ngăn chặn u nang tái phát.
U nang có dấu hiệu vỡ hoặc xoắn là hai biến chứng cực kỳ nguy hiểm. Khi u nang vỡ hoặc xoắn xảy ra, tình trạng này gây mất máu cấp tính và viêm phúc mạc cấp. Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất mạng. Đối với phụ nữ mang thai, nếu gặp phải hai biến chứng này một cách đột ngột, quá trình can thiệp cần được thực hiện ngay lập tức. Trong một số trường hợp, phương pháp này có thể không thể giữ được thai nhi, nhưng ưu tiên hàng đầu vẫn là bảo vệ tính mạng của người mẹ.
4. Khi nào u nang buồng trứng không cần mổ?
Sau khi tiến hành siêu âm và các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ đưa ra quyết định liệu u nang buồng trứng có phải mổ không và chỉ dẫn các bước tiếp theo.
Thông thường, u nang lành tính không cần phẫu thuật ngay lập tức. Thay vào đó, khối u sẽ được theo dõi trong khoảng 2 - 3 chu kỳ kinh nguyệt, tương đương với khoảng 60 ngày.
Người bệnh sẽ được hướng dẫn quay lại bệnh viện để tái khám định kỳ theo lịch của bác sĩ nhằm theo dõi quá trình phát triển của u nang. Trong trường hợp u nang tự tan biến, đó thường là dấu hiệu của u nang cơ năng sinh lý và người bệnh không cần phải mổ hoặc điều trị gì thêm.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc nội tiết tố, thường là thuốc tránh thai để ngăn ngừa quá trình hình thành của u nang mới trong tương lai.
5. Các phương pháp phẫu thuật u nang buồng trứng hiện nay
Vấn đề u nang buồng trứng có phải mổ không được cân nhắc cẩn thận dựa trên tình trạng của khối u và sức khỏe của bệnh nhân. Nếu các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật thì người bệnh sẽ được áp dụng một trong hai phương pháp chính để mổ u nang đó là mổ nội soi và mổ hở.
5.1. Mổ nội soi u nang
Mổ nội soi buồng trứng được xem là phương pháp tiên tiến nhất hiện nay, được nhiều bệnh nhân tin tưởng và mang lại hiệu quả cao.
Phương pháp này thường được chỉ định cho các trường hợp u nang lành tính, kích thước không quá lớn và không gặp phải vấn đề về dính liền, cũng như trong trường hợp viêm mủ vòi trứng. Ngoài ra, phương pháp này cũng được sử dụng cho các trường hợp ung thư vú khi có chỉ định cắt bỏ buồng trứng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp như trong thời kỳ kinh nguyệt, ra máu nhiều bất thường, các khối u dính liền với nhau, ổ bụng đã được phẫu thuật nhiều lần và trong trường hợp bệnh nhân bị ung thư buồng trứng, phương pháp mổ nội soi u nang thường không được khuyến nghị.
5.2. Mổ hở u nang
Khi các khối u có kích thước lớn hoặc nghi ngờ về tính ác tính, bác sĩ thường quyết định sử dụng phương pháp mổ hở. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là tồn tại nguy cơ nhiễm trùng và gây ra các vấn đề như dính ruột. Hơn nữa, thời gian phục hồi sau phẫu thuật thường kéo dài.
6. Chế độ ăn cho người mổ u nang buồng trứng
Sau khi phẫu thuật loại bỏ u nang, quá trình chăm sóc sau phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong nhằm ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng và tái phát khối u. Người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn uống kiêng cữ và chăm sóc cơ bản.
Người bệnh cần tránh xa các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt trâu, thịt cừu, vì các loại thực phẩm này làm tăng lượng estrogen trong máu, tăng nguy cơ tái phát u nang và u xơ. Ngoài ra, vết mổ để lại sẹo lồi, thâm và gây ngứa.
Hơn nữa, người bệnh cần hạn chế các loại hải sản như tôm, cua và cá, vì các loại hải sản này có khả năng gây ngứa và làm lồi vùng vết mổ.
Các loại thực phẩm nhanh thường không đảm bảo vệ sinh và cung cấp đủ dinh dưỡng, thậm chí có thể gây ra các vấn đề như ngộ độc hoặc đau bụng, vì vậy người bệnh không nên sử dụng.
Bánh chưng, xôi và các món làm từ gạo nếp cũng không nên ăn, bởi các loại thực phẩm này có thể gây ra các vấn đề như viêm nhiễm hoặc nhiễm trùng cho vết thương.
Rau muống thường làm cho vết thương sưng và thâm đen, do đó khi đang trong quá trình phục hồi từ một ca phẫu thuật, người bệnh nên tránh ăn rau muống.
Các loại đồ uống như trà, cà phê, và nước ngọt thường không tốt cho sức khỏe của người bệnh sau khi phẫu thuật, vì vậy người bệnh cũng cần hạn chế sử dụng.
Nhìn chung, u nang buồng trứng có phải mổ không là thắc mắc của nhiều bệnh nhân bởi tình trạng này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của người bệnh như vỡ hoặc xoắn u nang. Do đó, người bệnh cần được thăm khám và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.