Các thuốc gây cảm ứng enzym, bao gồm thuốc kháng virus, có thể làm giảm hiệu quả thuốc tránh thai. Bệnh nhân cần được tư vấn về nguy cơ tương tác thuốc, tỷ lệ thất bại và biện pháp tránh thai khác. Sau đây là tổng hợp một số nghiên cứu về tương tác thuốc kháng virus và thuốc tránh thai.
1. Nghiên cứu thứ nhất
Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Hoa Kỳ (NCBI) đã tổng hợp các nghiên cứu về phụ nữ sử dụng đồng thời các biện pháp tránh thai nội tiết và thuốc kháng virus (thuốc ARV). Theo đó, hầu hết các thuốc kháng retrovirus - bất kể được sử dụng để điều trị hay phòng ngừa, đều có những tương tác hạn chế với các biện pháp tránh thai nội tiết tố, ngoại trừ efavirenz.
Mặc dù, thuốc tiêm tránh thai Depo-provera (medroxyprogesterone acetate) không bị ảnh hưởng, nhưng dữ liệu cho thấy liệu pháp kháng virus kết hợp có chứa efavirenz có thể làm giảm hiệu quả thuốc tránh thai của những phương pháp que cấy và viên uống nội tiết kết hợp.
Thực tế, dù có tương tác thuốc kháng virus và thuốc tránh thai, song nhìn chung thì que cấy tránh thai vẫn rất hiệu quả. Nồng độ và hiệu quả trong huyết tương của thuốc kháng virus không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp tránh thai nội tiết tố.
Từ đây có thể kết luận, phụ nữ đang dùng thuốc ARV (cả để điều trị và phòng ngừa) vẫn có thể tiếp cận đầy đủ với đầy đủ các biện pháp tránh thai nội tiết tố. Tuy nhiên, bác sĩ cần tư vấn cho bệnh nhân về tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn của tất cả các biện pháp tránh thai. Nhờ đó họ có thể đưa ra lựa chọn sáng suốt cho riêng mình.
2. Nghiên cứu thứ hai
Thống kê cho biết phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chiếm 20 - 25% cộng đồng người bị nhiễm HIV. Trong khi đó, bệnh nhân HIV cần phải dùng thuốc ARV để điều trị. Hơn nữa, hầu hết những phụ nữ này cũng không đảm bảo đủ điều kiện mang thai khỏe mạnh. Vì vậy, điều quan trọng là phải xác định tương tác thuốc kháng virus và thuốc tránh thai. Từ đó cung cấp hướng dẫn điều chỉnh liều cho bác sĩ.
Một nghiên cứu lâm sàng đã xác định ảnh hưởng của thuốc kháng virus vicriviroc khi sử dụng một mình hoặc kèm với ritonavir, trên dược động học của thuốc tránh thai kết hợp. Ngoài ra, nghiên cứu này còn theo dõi tính an toàn và khả năng dung nạp của vicriviroc cộng với thuốc tránh thai kết hợp khi có / không có ritonavir.
Các đối tượng nữ được chia ngẫu nhiên thành 2 nhóm và điều trị trong 2 chu kỳ kinh nguyệt. Trong chu kỳ 1, tất cả chỉ được dùng thuốc tránh thai theo hướng dẫn gói 28 ngày tiêu chuẩn. Vào 10 ngày đầu của chu kỳ 2:
- Nhóm 1 nhận thuốc tránh thai + vicriviroc;
- Nhóm 2 nhận thuốc tránh thai + ritonavir;
Vào 11 ngày tiếp theo, cả hai nhóm đều được uống thuốc tránh thai + vicriviroc + ritonavir. Mẫu máu được thu thập trong vòng 24 giờ sau khi dùng thuốc vào những ngày đã xác định trước.
Kết quả cho thấy vicriviroc có ít ảnh hưởng đến dược động học của thuốc tránh thai kết hợp. Trong khi ritonavir sử dụng một mình hoặc kết hợp với vicriviroc đều có liên quan đến giảm hiệu quả thuốc tránh thai.
3. Nghiên cứu thứ ba
Mục đích của nghiên cứu này là kiểm tra sự tương tác thuốc giữa phác đồ dựa trên chất ức chế protease (PI) (bao gồm lopinavir / ritonavir) và hai dạng thuốc tránh thai (Ortho Evra và thuốc tránh thai Ortho Novum) ở phụ nữ nhiễm HIV.
Cả thuốc kháng virus và thuốc tránh thai đều được chuyển hóa theo cùng một con đường, điều này làm giảm hiệu quả thuốc tránh thai đáng kể và hạn chế lựa chọn biện pháp tránh thai cho phụ nữ nhiễm HIV. Những phụ nữ đang điều trị bằng thuốc kháng virus loại mạnh rất cần các biện pháp tránh thai nội tiết hiệu quả hơn để ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn.
Ortho Evra là miếng dán tránh thai đã được FDA chấp thuận vào năm 2001. Vì được sử dụng dưới dạng miếng dán tránh thai đeo trên da, cách này có thể bỏ qua con đường chuyển hóa thông thường. Hơn nữa, việc sử dụng Ortho có tỷ lệ tuân thủ cao hơn so với thuốc tránh thai đường uống. Nhờ đó, miếng dán tránh thai trở thành một lựa chọn kiểm soát sinh sản khả thi cho phụ nữ nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc ARV.
Nghiên cứu sẽ kiểm tra sự tương tác giữa phác đồ dựa trên PI có chứa LPV / r và hai dạng thuốc tránh thai ở phụ nữ nhiễm HIV. Trong 6 tuần, những người tham gia sẽ được chia thành hai nhóm, tùy thuộc vào chế độ điều trị thuốc ARV của họ khi bắt đầu nghiên cứu, đồng thời họ cũng sẽ được phân tầng theo độ tuổi. Tất cả sẽ sẽ bắt đầu dán miếng dán tránh thai Ortho Evra, sau đó tiến hành khám sức khỏe, phết tế bào cổ tử cung, thử thai, xét nghiệm tải lượng virus và lấy máu để phân tích theo định kỳ. Nghiên cứu này vẫn đang được thực hiện và phân tích trước khi có kết quả cuối cùng.
Ngoài các nghiên cứu trên, hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng thuốc kháng virus làm tăng chuyển hóa estrogen và progesterone, từ đó giảm hiệu quả thuốc tránh thai. Tương tác thuốc kháng virus và thuốc tránh thai vẫn có ở các thuốc cảm ứng enzym gan thế hệ mới. Vì vậy khi phải dùng các thuốc kháng virus, phụ nữ cần được tư vấn về nguy cơ mang thai ngoài ý muốn và hướng dẫn sử dụng biện pháp tránh thai bổ sung.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: ncbi.nlm.nih.gov, pubmed.ncbi.nlm.nih.gov, clinicaltrials.gov