Trẻ 2 tuổi rất năng động, bé thích vui chơi đùa nghịch cả ngày nên nhu cầu về nguồn năng lượng cũng cần tăng cả về số lượng và chất lượng. Lúc này bé không chỉ ăn cháo và uống sữa mà cũng cần được cho ăn cơm nát thường xuyên 2 bữa/ngày.
Các loại thực phẩm trong bữa ăn cũng cần đa dạng bao gồm thịt, cá, tôm, cua, trứng, đậu, rau xanh, hoa quả... Mỗi ngày bé cần uống 500 - 600ml sữa (có thể sữa tươi, sữa công thức), sữa chua và các chế phẩm từ sữa.
Trong thực đơn cho bé 2 tuổi cần cung cấp đủ chất tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, trẻ 2 tuổi đã ăn được khá nhiều loại thực phẩm khác nhau nên mẹ cần đa dạng thực đơn để bé thay đổi khẩu vị thường xuyên và ăn ngon miệng.
1. Một số thực phẩm không an toàn cho bé 2 tuổi
Khi hai tuổi, con bạn có thể sử dụng thìa, uống từ cốc chỉ bằng một tay và cho bé ăn nhiều loại thức ăn cầm tay. Tuy nhiên, bé vẫn đang học cách nhai nuốt một cách hiệu quả, và có thể nuốt thức ăn khi vội vàng để tiếp tục chơi. Vì lý do đó, nguy cơ mắc nghẹn rất cao. Dưới đây là một số thực phẩm không an toàn cho trẻ 2 tuổi:
- Xúc xích
- Bơ đậu phộng
- Quả hạch
- Quả anh đào
- Kẹo cứng, tròn
- Kẹo cao su
- Nho
- Kẹo dẻo
- Cà rốt sống, cần tây, đậu xanh
- Bắp rang bơ
- Các loại hạt giống
- Nho, cà chua bi
- Những thức ăn có kích thước lớn như thịt, quả cà chua... chưa được cắt nhỏ
Tránh đồ ăn vặt và nước ngọt. Đồ ăn nhẹ được sản xuất tại nhà máy như khoai tây chiên giòn, bánh quy, bánh ngọt, soda và kẹo bởi chúng có lượng đường, muối, chất béo và hóa chất cao.
2. Chế độ dinh dưỡng cho bé 2 tuổi
Bạn cần phải chắc chắn rằng con bạn được bổ sung chất dinh dưỡng từ bốn nhóm thực phẩm cơ bản mỗi ngày, bao gồm:
- Thịt, cá, thịt gia cầm, trứng
- Sữa, phô mai và các sản phẩm từ sữa khác
- Hoa quả và rau
- Ngũ cốc, khoai tây, gạo, sản phẩm bột
Trẻ nên ăn những loại thực phẩm từ động vật (sữa, sữa, trứng, thịt, cá và gia cầm) mỗi ngày, cộng với các loại đậu (như đậu xanh, đậu lăng hoặc đậu Hà Lan) - hoặc các loại hạt, rau và trái cây màu cam hoặc xanh. Thêm một chút dầu hoặc chất béo vào thức ăn cho trẻ.
Không nên quá lo lắng khi trẻ từ chối một số món. Nhiều trẻ sẽ từ chối một số loại thực phẩm nhất định hoặc chỉ ăn một hoặc hai loại thực phẩm yêu thích. Bạn càng đấu tranh với con về sở thích ăn uống của mình, trẻ sẽ càng quyết tâm thách thức bạn.
Cung cấp nhiều loại thực phẩm và để cho bé tự lựa chọn, cuối cùng sẽ cho phép trẻ tự ăn một chế độ ăn uống cân bằng. Trẻ mới biết đi cũng thích tự ăn, vì vậy bất cứ khi nào có thể, hãy cho trẻ ăn thức ăn bằng cách cầm tay thay vì những món chín cần nĩa hoặc thìa để ăn.
Trẻ hai tuổi nên ăn ba bữa chính mỗi ngày, cộng với một hoặc hai bữa ăn nhẹ. Trẻ có thể ăn cùng một loại thực phẩm. Với khả năng ngôn ngữ và xã hội được cải thiện, con bạn có thể trở thành người tham gia tích cực vào bữa ăn nếu có cơ hội ăn cùng với mọi người khác.
Có bát thức ăn của riêng mình sẽ giúp con bạn học cách tự ăn. Bắt đầu ngay khi trẻ muốn. Cung cấp cho trẻ tất cả các thực phẩm mà trẻ cần và cho trẻ nhiều thời gian để ăn.
Lúc đầu, trẻ sẽ ăn một cách chậm chạp và bừa bộn. Khuyến khích trẻ hoàn thành bữa ăn và chắc chắn rằng trẻ đã ăn đủ.
Bên cạnh đó, bạn nên dành nhiều tình yêu và sự khuyến khích cho trẻ khi trẻ tự ăn. Ngồi trước trẻ và nhìn vào mắt nhau. Tương tác với con bạn, mỉm cười với con, nói chuyện với con và khen ngợi con vì đã ăn.
Hãy cố gắng làm cho bữa ăn trở thành khoảng thời gian hạnh phúc!
3. Làm gì khi trẻ không chịu ăn?
Bạn cần chắc chắn rằng trẻ cảm thấy đói vào giờ ăn. Mặc dù việc cho con tiếp tục bú có tác động tốt cho sức khỏe của con bạn, nhưng chỉ nên cho con bú sau bữa ăn. Ở tuổi này, bé nên ăn thức ăn đặc trước.
Không nên biến bữa ăn của trẻ thành trận chiến, cũng không nên quá áp đặt trẻ việc phải ngồi ăn cùng gia đình.
Cho con bạn ăn thức ăn mà bé thích hoặc trộn thức ăn bé thích với thức ăn bé không thích. Bạn hãy thử kết hợp các loại thực phẩm khác nhau.
Nếu trẻ vẫn từ chối, đừng ép buộc hay ép trẻ ăn, và đừng cố gắng cho trẻ ăn đồ ăn vặt.
Bạn cần bình tĩnh và chấp nhận. Cho trẻ chú ý tích cực khi bé ăn, nhưng đừng biến nó thành vấn đề khi bé không ăn. Chỉ cần lấy thức ăn đi, đậy nắp lại và đưa cho trẻ một lần nữa sau đó.
4. Bổ sung thêm một số chất cho trẻ 2 tuổi
Việc bổ sung vitamin cho trẻ 2 tuổi chưa thực sự cần thiết nếu trẻ có một chế độ ăn cân bằng và đa dạng. Tuy nhiên, với những trẻ ít ăn thịt, ngũ cốc tăng cường chất sắt hay các loại rau giàu sắt thì việc bổ sung sắt là việc làm cần thiết. Việc tiêu thụ một lượng lớn sữa mỗi ngày cũng có thể cản trở sự hấp thu sắt thích hợp, do đó làm tăng nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt.
Con bạn nên uống 16 ounces (480 mL) sữa ít béo hoặc không béo mỗi ngày. Điều này sẽ giúp cung cấp hầu hết lượng canxi mà trẻ cần cho sự phát triển của xương mà vẫn không cản trở sự thèm ăn của trẻ đối với các loại thực phẩm khác, đặc biệt là những loại cung cấp chất sắt.
Lưu ý: Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị trẻ em nên uống sữa nguyên chất cho đến khi hai tuổi tuổi, trừ khi có lý do để chuyển em bé sang sữa ít béo sớm hơn. Sữa nguyên chất chứa khoảng 4% chất béo sữa. Nó có thể giúp con bạn chuyển dần từ sữa nguyên chất sang sữa ít béo hơn. Do đó, nhiều bác sĩ nhi khoa khuyên rằng trẻ nên giảm sữa (2%) trong vài tuần trước khi chuyển sang sữa ít béo (1%) hoặc không béo (tách kem).
Theo báo cáo lâm sàng của AAP, trẻ dưới 12 tháng cần 400 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày, trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên cần 600 IU mỗi ngày. Lượng vitamin D này có thể ngăn ngừa bệnh còi xương. Tình trạng bệnh còi xương được đặc trưng bởi sự mềm và yếu của xương. Nếu con bạn không thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc tiêu thụ đủ vitamin D trong chế độ ăn, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa về việc bổ sung vitamin D.
Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.