Trường hợp nào sinh thường không rạch tầng sinh môn?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Không phải mọi trường hợp mang thai khi chuyển dạ đều phải rạch tầng sinh môn, điều này được quyết định phụ thuộc vào diễn biến quá trình chuyển dạ của mỗi sản phụ.

1. Sinh thường có phải rạch không?

Rạch tầng sinh môn là một thủ thuật nhỏ trong sản khoa nhằm mở rộng âm hộ âm đạo để giúp cho thai nhi được lọt ra ngoài một cách dễ dàng, đồng thời thủ thuật này sẽ giúp sản phụ tránh được tình trạng rách tầng sinh môn.

Xét về mặt mục đích thì cắt tầng sinh môn là một thủ thuật tốt nhưng không có nghĩa được phép lạm dụng nó cho tất cả các trường hợp sinh thường. Chỉ được phép rạch tầng sinh môn khi quá trình sinh ngã âm đạo gặp trở ngại khó khăn như thai nhi có đầu quá to hoặc trọng lượng quá lớn, độ linh hoạt và khả năng giãn nở của tầng sinh môn kém, các cơn co bóp của tử cung không đủ mạnh để đẩy thai nhi ra ngoài, hoặc mẹ bị mắc các chứng viêm nhiễm đường sinh dục gây cản trở đường ra của thai,...

2. Những trường hợp nào sinh thường không rạch tầng sinh môn?


Có thể sinh thường không rạch tầng sinh môn nếu sức khỏe của bé tốt và thai không quá to
Có thể sinh thường không rạch tầng sinh môn nếu sức khỏe của bé tốt và thai không quá to

2.1. Những trường hợp sinh thường không rạch tầng sinh môn

Hầu hết các trường hợp khi sinh thường đều phải rạch tầng sinh môn nhưng không phải là tất cả. Thông thường, trong quá trình chuyển dạ, nếu như không xảy ra các tai biến sản khoa hoặc không có chỉ định đặc biệt thì các bác sĩ chuyên khoa sản và nữ hộ sinh phụ trách ca sẽ hỗ trợ các bà mẹ để có thể sinh thường qua ngã âm đạo một cách thuận lợi bằng cách rặn đẻ tự nhiên phối hợp nhịp nhàng giữa nhịp thở và các cơn co tử cung.

Những trường hợp sản phụ sinh thường không rạch tầng sinh môn bao gồm:

  • Sức khỏe của người mẹ tốt, không bị mắc các bệnh viêm nhiễm bộ phận sinh dục trong thời kỳ mang thai đặc biệt là trong quá trình chuyển dạ.
  • Người mẹ có khung chậu rộng và không có bệnh lý vùng chậu.
  • Cổ tử cung mở rộng, các cơn co tử cung đều và đủ lực để đưa bé ra ngoài thuận lợi.
  • Tầng sinh môn giãn nở tốt và linh hoạt.
  • Sức khỏe của bé tốt, không có dấu hiệu suy thai.
  • Ngôi thai thuận và thai không quá to.
  • Ở những trường hợp sinh con rạ, nguy cơ phải rạch tầng sinh môn sẽ thấp hơn so với những người sinh con so do sau lần sinh con đầu tiên, tầng sinh môn của người mẹ đã có sự thích nghi với khả năng giãn nở trong suốt quá trình chuyển dạ rồi sinh ngả âm đạo. Tuy nhiên, điều này chỉ mang tính tương đối vì sự thành công của một ca sinh thường còn phụ thuộc trên rất nhiều yếu tố phối hợp như: cơn co tử cung, thời gian chuyển dạ, độ tuổi cũng như sức khỏe của sản phụ.

2.2. Bí quyết sinh thường dễ dàng mà không phải rạch tầng sinh môn

Sinh thường không phải là một điều dễ dàng đối với các bà mẹ và không phải ai cũng có thể sinh con bằng con đường ngã âm đạo một cách thuận lợi. Một số lời khuyên để có thể sinh thường dễ dàng và hạn chế tối đa việc phải cắt tầng sinh môn.

Trong thai kỳ:

  • Có chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và bé.

Chế độ ăn uốn hợp lý giúp cung cấp đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và bé
Chế độ ăn uốn hợp lý giúp cung cấp đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và bé

  • Massage vùng chậu hay còn gọi là massage tầng sinh môn để làm tăng khả năng đàn hồi cho tầng sinh môn. Nên massage đều đặn mỗi ngày trước sinh 6 - 8 tuần. Thao tác massage nhẹ nhàng, có thể massage tay không hoặc kết hợp với dầu dừa hay dầu olive.
  • Tập kegel: kegel là các bài tập cơ vùng chậu dành cho phụ nữ mang thai. Bài tập này vừa giúp thư giãn vừa tăng khả năng đàn hồi cho cơ chậu, từ đó thuận lợi hơn cho quá trình sinh đẻ.
  • Đi bộ nhẹ nhàng thường xuyên vào tháng cuối cùng của thai kỳ để bé dễ xuống vùng sàn chậu, thuận lợi cho việc chào đời.

Trong quá trình chuyển dạ:

  • Chuẩn bị tâm lý thật tốt trước khi sinh.
  • Đi lại vận động nhẹ nhàng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa và nhân viên y tế.
  • Trong quá trình chuyển dạ, các cơn đau sẽ khiến người mẹ mất sức rất nhiều và thường có cảm giác háo nước, có thể để người mẹ nhấp một chút nước để cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Cố gắng hít thở đều, hít vào thở ra từ từ bằng miệng, điều chỉnh nhịp thở dần nông hơn và phối hợp nhịp nhàng với các cơn co tử cung.
  • Có thể vê núm vú để kích thích làm tăng co bóp tử cung hỗ trợ cho quá trình sinh được dễ dàng hơn.
  • Rặn đẻ đúng cách và đúng lúc.

Trên đây là những kiến thức cơ bản về sinh thường và rạch tầng sinh môn. Sinh con là dấu ấn rất quan trọng trong cuộc đời của mỗi người phụ nữ. Không nên quá lo lắng và hãy trang bị cho mình thật nhiều sự hiểu biết về sinh đẻ để có thể đón con chào đời một cách an toàn và khỏe mạnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe