Rối loạn cơ tròn là di chứng gây ám ảnh nhất trong tổn thương hệ thần kinh đối với người bệnh và người chăm sóc họ, vì vậy cần điều trị phục hồi chức năng cơ tròn để người bệnh trở lại cuộc sống bình thường.
1. Rối loạn cơ tròn là gì?
Trong số các cơ tròn, hoạt động theo ý muốn chỉ có cơ tròn bàng quang và hậu môn. Cơ tròn hoạt động được do các trung khu điều khiển từ hệ thần kinh trung ương. Rối loạn cơ tròn là tổn thương thần kinh ở người bị suy giảm chức năng não bộ do tai biến mạch máu não, u não, xơ cứng động mạch não,... hoặc do tổn thương các trung tâm phản xạ lưng cùng, đặc biệt các tổn thương ở vùng phình thắt lưng và vùng nón tận.
Rối loạn cơ tròn được phân theo 2 loại là: Rối loạn cơ tròn hậu môn và rối loạn cơ tròn bàng quang. Triệu chứng bao gồm:
Triệu chứng rối loạn cơ tròn bàng quang gồm:
- Tiểu vãi: Người bệnh sẽ có triệu chứng nước tiểu tự chảy ra, không tự chủ được, thường gặp khi bệnh nhân hôn mê, tổn thương phình tủy thắt lưng, chóp cùng đuôi ngựa...
- Tiểu khó hoặc bí tiểu: Cầu bàng quang căng muốn tiểu nhưng tiểu khó hoặc không tiểu được.
Triệu chứng rối loạn cơ tròn hậu môn bao gồm:
- Thường đi song hành với rối loạn cơ tròn bàng quang như tiểu vãi, tiểu khó hoặc bí tiểu, nhưng ít rõ hơn.
- Ðại tiện vãi: Phân tự ra mà người bệnh không có cảm giác, dễ loét và bội nhiễm.
- Bí đại tiện: Không đi cầu được.
- Các rối loạn đại tiểu tiện có thể kèm theo rối loạn sinh dục như liệt dương (ở nam giới, cường dương, lạnh khí (ở nữ giới)...
Vì vậy, khi người bệnh gặp các vấn đề về tiểu tiện và đại tiện thì cần phục hồi chức năng cơ tròn để tránh các biến chứng không mong muốn.
2. Điều trị phục hồi chức năng cơ tròn
Rối loạn cơ tròn là di chứng gây ám ảnh nhất trong tổn thương hệ thần kinh đối với người bệnh và người chăm sóc họ, vì vậy cần điều trị phục hồi chức năng cơ tròn để người bệnh trở lại cuộc sống bình thường. Các phương pháp điều trị phục hồi chức năng cơ tròn bao gồm:
- Có chế độ dinh dưỡng phù hợp: Ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu hoá nhưng đầy đủ chất dinh dưỡng, ưu tiên các thực phẩm giàu vitamin A,B,C và chất xơ, uống đủ nước mỗi ngày. Hạn chế ăn mặn và nói không với các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá,...
- Chăm sóc hệ tiêu hoá: Ngoài vấn đề dinh dưỡng, người bị rối loạn cơ tròn tập thói quen đi đại tiện đúng giờ, kích thích đại tràng bằng tay, sử dụng thuốc nhuận tràng, dùng tay xoa dọc khung đại tràng, xoa bụng theo chiều kim đồng hồ, nếu không thể tự đi đại tiện được cần phải tháo thụt phân và giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn
- Chăm sóc hệ tiết niệu: Cho người bệnh ngồi bô để tiểu tiện 4 tiếng một lần, xoa bóp bàng quang để kích thích buồn tiểu, dùng nước ấm để chườm lên bàng quang khi đi tiểu tiện, nghe tiếng nước chảy róc rách để kích thích tiểu tiện, trường hợp không thể tự tiểu tiện cần đặt ống sonde, kiểm tra màu sắc của nước tiểu để phát hiện những bất thường.
- Tập phục hồi chức năng cho người bị rối loạn cơ tròn: Tập các bài tập đứng thăng bằng với người bị rối loạn cơ tròn và bị liệt vận động ở mức độ nhẹ; bài tập co duỗi khớp háng và khớp gối với người bị rối loạn cơ tròn bị liệt 1 bên chân. Việc thực hiện các động tác này thường xuyên sẽ hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng cơ tròn, giúp người bệnh nâng cao thể lực và cải thiện khả năng tự chủ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM