Việc sử dụng kháng sinh hợp lý là thách thức không hề đơn giản nếu cha mẹ không có đầy đủ kiến thức, dẫn đến các hậu quả không mong muốn cho sức khỏe của trẻ nhỏ. Chính vì vậy cần phải cẩn thận, đặc biệt thận trọng khi dùng kháng sinh liều cao cho trẻ em.
1. Khi nào trẻ em cần sử dụng kháng sinh?
Khi trẻ em bị ốm, sổ mũi, sốt cao, đau họng và có biểu hiện ho kéo dài khiến cho cha mẹ lo ngại, căng thẳng, dẫn đến xu hướng tự mua kháng sinh về dùng với hy vọng trẻ sẽ nhanh chóng khỏi bệnh. Tuy nhiên, đây là một hành động sai lầm.
Việc kê đơn thuốc kháng sinh cho các tình trạng như cảm cúm, cảm lạnh thông thường và bị tiêu chảy là không cần thiết. Thậm chí là nó có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như làm giảm khả năng miễn dịch của trẻ, tiêu hóa kém và có những hệ lụy xấu sau này đến sức khỏe của trẻ.
Vì thuốc kháng sinh thúc đẩy sự thay đổi trong hệ sinh thái vi sinh vật, liên quan đến các phản ứng miễn dịch, làm thay đổi để chống lại mầm bệnh và vacxin, tăng tính nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng trong cuộc sống về sau. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần dùng liều kháng sinh cho trẻ em đúng cách để phòng ngừa kháng kháng sinh.
Thông thường, thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định trong các trường hợp:
- Trẻ bị sốt
Tình trạng sốt ở trẻ thường do nhiều nguyên nhân khác nhau, đôi khi là do các nguyên nhân kết hợp như: trẻ mọc răng, viêm đường hô hấp do vi khuẩn, virus,... Nếu trẻ bị sốt mà không kèm theo bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác, hãy cho trẻ uống thuốc hạ sốt và theo dõi thường xuyên.
Nếu trẻ bị sốt do bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nhưng không phân biệt được do vi khuẩn hay virus thì cần phải đưa trẻ đi khám. Ngoài ra, sốt cũng có thể xuất hiện khi trẻ có các vết thương hở bị nhiễm trùng, với trường hợp này, trẻ cần sử dụng kháng sinh để có thể tiêu diệt được vi khuẩn, tránh dẫn đến tình trạng bội nhiễm.
Dù vì bất cứ lý do nào, khi cho trẻ sử dụng kháng sinh thì cần phải tuân thủ đúng theo sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ điều trị.
- Trong trường hợp trẻ bị viêm họng
Nếu trẻ bị viêm họng nặng do liên cầu khuẩn Streptococcus thì cần phải sử dụng kháng sinh sớm để kiểm soát được tình trạng bệnh. Tuy nhiên, viêm họng cũng có thể do nhiều loại virus khác gây ra, nên cần phải kiểm tra kỹ xem trẻ có các triệu chứng bất thường nào khác không như: sốt, khàn giọng, lở miệng, viêm amidan, ...
- Trong trường hợp trẻ bị viêm tai
Viêm tai khiến cho các hoạt động của tai bị ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng bé hay bị ù tai, đau trong tai, khó ngủ và mệt mỏi, đôi khi xuất hiện tình trạng chảy dịch tai,... . Với tình trạng này, trẻ có thể bị viêm tai ngoài, viêm tai giữa, viêm tai trong nên việc sử dụng kháng sinh là cần thiết để kiểm soát được bệnh do vi khuẩn gây ra, tránh để lại các biến chứng khôn lường.
- Trong trường hợp trẻ bị đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ ở trẻ thường có nhiều nguyên nhân gây nên như do vi khuẩn, virus, dị ứng hoặc bị kích thích. Nếu trẻ bị đau mắt đỏ kèm theo tình trạng sưng mắt, chảy nhiều dịch màu vàng, xanh và đi kèm với nhiều triệu chứng nghi ngờ khác thì cần phải đưa trẻ đi khám ngay để được chỉ định điều trị bằng kháng sinh phù hợp.
2. Trẻ uống kháng sinh liều cao có sao không?
Việc sử dụng kháng sinh liều cao cho trẻ em sẽ dễ gặp một số nguy cơ dưới đây:
- Loạn khuẩn đường ruột
Kháng sinh là một loại thuốc dùng để diệt vi khuẩn. Chính vì vậy, khi sử dụng kháng sinh liều cao thường xuyên, dài ngày thì nó sẽ không chỉ diệt các loại vi khuẩn có hại mà còn tiêu diệt của những vi khuẩn có lợi cho cơ thể. Đặc biệt đối với trẻ em, hệ vi sinh đường ruột chưa được hoàn thiện nên rất dễ bị loạn khuẩn đường ruột, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, phát ban, ...
Tăng nguy cơ mắc các bệnh tự miễn đường ruột, dị ứng, hen suyễn
Vì hệ miễn dịch của trẻ nhỏ có mối liên hệ chặt chẽ với thành ruột và hệ vi sinh có lợi ở ruột nên khi lạm dụng kháng sinh liều cao sẽ dễ dẫn đến tình trạng rối loạn điều hòa miễn dịch. Hậu quả xảy ra là trẻ tăng nguy cơ bị mắc các bệnh viêm mũi màng kết, hen suyễn, eczema, viêm đường ruột, tiêu chảy, ...
- Gây hại đến thận, gan
Trẻ em lạm dụng kháng sinh liều cao thường gặp các tác dụng phụ. Tùy theo cơ địa của từng trẻ mà có thể bị các phản ứng khác nhau như tiêu chảy, dị ứng hoặc nghiêm trọng nhất là bị sốc phản vệ. Bên cạnh đó, một số loại kháng sinh còn gây tổn hại đến gan.
Nhóm kháng sinh Quinolon còn có thể gây hủy hoại mô sụn, tuyệt đối không được sử dụng cho trẻ em dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai và đang cho con bú.
- Tạo ra loại vi khuẩn siêu kháng thuốc
Theo trung tâm kiểm soát và phòng tránh dịch bệnh của Mỹ, mỗi năm trên thế giới có ít nhất khoảng 2 triệu người nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh. Các loại kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn không chứa gen kháng thuốc và để lại các vi khuẩn chứa gen kháng thuốc. Sau đó chúng nhân lên nhanh chóng rồi chuyển gen kháng thuốc sang cho các nhóm vi khuẩn khác. Cuối cùng của quá trình này là tạo ra siêu vi khuẩn có khả năng kháng lại nhiều thuốc.
- Gây suy giảm hệ miễn dịch
Trẻ em khi sử dụng kháng sinh liều cao thường xuyên thì càng dễ mắc phải các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp,... Nguyên nhân là do hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, nên sẽ không có cơ hội trưởng thành khi lạm dụng thuốc kháng sinh.
3. Thận trọng khi dùng kháng sinh liều cao cho trẻ em
Việc lạm dụng thuốc kháng sinh liều cao cho trẻ em trở thành vấn đề đáng báo động ở nước ta, điều này sẽ dẫn đến các hệ lụy khôn lường cho sức khỏe của trẻ sau này. Chính vì vậy, cần phải thận trọng khi sử dụng thuốc kháng sinh liều cao cho trẻ và lưu ý một số điều sau:
- Không được sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ khi không có sự chỉ định của bác sĩ;
- Với những bệnh phổ biến như cảm lạnh, cảm cúm, viêm đường hô hấp trên, sốt siêu vi, ... thì không cần sử dụng kháng sinh. Thay vào đó, cha mẹ nên tích cực hạ sốt bằng cách chườm mát, tăng cường cho trẻ uống nước, ăn các thức ăn lỏng giàu chất dinh dưỡng,... Nếu bệnh có diễn biến nặng lên thì cần đưa trẻ đi khám để bác sĩ chỉ định dùng thuốc.
- Sử dụng thuốc kháng sinh đúng liều và thời gian được chỉ định. Liều lượng thuốc kháng sinh điều trị cho trẻ em khác với cho người lớn, nên tuyệt đối không được áp dụng liều dùng cho người lớn lên trẻ em và ngược lại. Đồng thời, việc ngưng sử dụng thuốc giữa chừng khi chưa hết liệu trình điều trị hoặc sử dụng kéo dài hơn sẽ dẫn đến tình trạng nhờn thuốc, khiến cho bệnh khó kiểm soát và có thể bị nặng hơn.
- Tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ em: vì hệ thống miễn dịch là vũ khí lợi hại nhất để giúp cho cơ thể chống lại các bệnh do vi khuẩn, virus gây ra. Chính vì vậy, hãy tạo cho trẻ một hệ miễn dịch tốt để dễ dàng chống lại các loại bệnh nhiễm trùng. Hãy bổ sung cho trẻ đầy đủ các chất dinh dưỡng, cân bằng và khuyến khích trẻ vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày, vui chơi ngoài trời, nơi có không khí trong lành.
Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp phụ huynh có thêm kiến thức trong việc sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ nhỏ. Đặc biệt là thận trọng hơn khi dùng kháng sinh liều cao cho trẻ em, sử dụng đúng và đủ liều theo chỉ định của bác sĩ.