Viêm lộ tuyến cổ tử cung độ 3 là giai đoạn tiến triển nặng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nữ giới. Ở cấp độ này, các triệu chứng thường rõ ràng và nghiêm trọng, cần điều trị kịp thời để tránh những biến chứng lâu dài. Việc nhận biết các dấu hiệu và hiểu rõ các phương pháp điều trị sẽ giúp phụ nữ chủ động bảo vệ sức khỏe sinh sản, đảm bảo chất lượng cuộc sống.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Viêm lộ tuyến cổ tử cung độ 3 là gì?
Viêm lộ tuyến ở cổ tử cung là tổn thương lành tính, xảy ra khi các tế bào tuyến từ bên trong ống cổ tử cung phát triển lan ra bề mặt ngoài, gây tăng tiết dịch trong âm đạo, ngứa ngáy, và khí hư có mùi, dễ dẫn đến viêm nhiễm. Bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng và thường được phát hiện khi phụ nữ đi khám phụ khoa hoặc kiểm tra vùng chậu. Viêm lộ tuyến có thể do bẩm sinh nhưng cũng có thể xuất hiện do sử dụng thuốc tránh thai hoặc trong thai kỳ.
Viêm lộ tuyến ở cổ tử cung được chia thành 3 cấp độ, trong đó cấp độ 3 là nghiêm trọng nhất. Ở cấp độ này, vùng lộ tuyến viêm nhiễm nặng, tổn thương chiếm đến 2/3 hoặc toàn bộ vùng lộ tuyến, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bệnh nhân và cần được điều trị kịp thời.
2. Viêm lộ tuyến cổ tử cung độ 3 có nguy hiểm như thế nào?
Viêm lộ tuyến cổ tử cung độ 3 nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
2.1. Vô sinh hiếm muộn
Khi viêm lộ tuyến ở cổ tử cung mức độ 3, vùng viêm nhiễm chiếm diện tích lớn, làm thu hẹp bề mặt cổ tử cung khiến tinh trùng khó gặp trứng để thụ tinh. Đồng thời, tình trạng viêm lộ tuyến làm hệ thống bài tiết ở cổ tử cung tăng tiết dịch khi quan hệ, ngăn cản tinh trùng đi sâu vào tử cung, thậm chí khiến tinh trùng chết nhanh hơn. Những yếu tố này làm tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới khi mắc viêm lộ tuyến ở cổ tử cung giai đoạn 3.
2.2. Mắc các bệnh phụ khoa khác
Khi bị viêm lộ tuyến ở cổ tử cung, nữ giới sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa khác như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, viêm nội mạc khung và viêm tiểu khung. Điều này xảy ra là do sự lây nhiễm từ cổ tử cung sang các bộ phận khác.
2.3. Ung thư cổ tử cung
Nếu viêm lộ tuyến ở cổ tử cung không được điều trị kịp thời, vùng viêm nhiễm sẽ ngày càng lan rộng, làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung lên gấp 3 lần so với phụ nữ bình thường.
3. Dấu hiệu viêm lộ tuyến cổ tử cung độ 3
Ở giai đoạn 3, vùng viêm nhiễm chiếm trên 70% diện tích cổ tử cung và các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn so với giai đoạn 1 và 2, bao gồm:
- Ra nhiều khí hư, khí hư có màu sắc bất thường và mùi hôi.
- Chảy máu khi quan hệ do phần lộ tuyến viêm nhiễm lan ra ngoài, dễ bị trầy xước khi quan hệ tình dục và chảy máu.
- Vùng kín sưng đau và ngứa ngáy.
- Xuất huyết âm đạo bất thường ngoài kỳ kinh do bề mặt cổ tử cung bị sung huyết, dễ chảy máu.
- Đau quặn ở vùng bụng dưới (hố chậu, eo), giống với đau bụng kinh.
- Tiểu tiện khó, tiểu nhiều lần và cảm giác buốt khi tiểu.
- Giảm ham muốn, rối loạn kinh nguyệt.
- Cơ thể mệt mỏi.
4. Phương pháp điều trị
Viêm lộ tuyến ở cổ tử cung có nhiều mức độ khác nhau và không phải trường hợp nào cũng cần thực hiện đốt lộ tuyến. Ở giai đoạn 1 và 2, bệnh nhân thường không cần điều trị hoặc có thể được kê đơn thuốc kháng sinh để kiểm soát viêm nhiễm.
Tuy nhiên, viêm lộ tuyến giai đoạn 3 là mức độ nặng, với các triệu chứng nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người bệnh. Do đó, điều trị thường bao gồm thuốc chống viêm và diệt tuyến. Việc đốt tuyến chỉ được thực hiện sau khi đã chữa khỏi tình trạng viêm. Các phương pháp diệt tuyến phổ biến gồm đốt điện, áp lạnh và laser, giúp ngăn ngừa tình trạng ra khí hư và chảy máu bất thường.
Sau điều trị, bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân kiêng quan hệ tình dục và không sử dụng tampon trong tối đa 4 tuần để phòng ngừa nhiễm trùng. Cổ tử cung cần khoảng 8 tuần để hồi phục hoàn toàn.
Đốt diệt tuyến có ưu điểm là thực hiện nhanh và có thể xử lý vùng lộ tuyến trên diện rộng. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn một số rủi ro như để lại sẹo xơ cứng ở cổ tử cung, gây chít hẹp tử cung, dẫn đến ứ đọng máu kinh và cản trở quá trình thụ thai và sinh nở tự nhiên. Việc sử dụng kháng sinh trước và sau diệt tuyến có thể làm mất cân bằng pH vùng kín. Sau khi diệt tuyến, bệnh nhân xuất hiện tình trạng ra máu và khí hư kéo dài, khiến vùng kín nhạy cảm, dễ nhiễm khuẩn hơn. Vì vậy, phương pháp điều trị sẽ được lựa chọn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể của mỗi bệnh nhân.
Viêm lộ tuyến ở cổ tử cung giai đoạn 3 có thể làm tăng nguy cơ gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản và chất lượng cuộc sống. Do đó, chị em cần hiểu rõ và nhận biết sớm dấu hiệu viêm lộ tuyến cổ tử cung để áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Đồng thời, phụ nữ nên khám định kỳ để bảo vệ sức khỏe sinh sản tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.