Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Văn Dương - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Thông liên nhĩ (tên tiếng Anh là atrial septal defect - ASD) là một trong những khiếm khuyết tâm nhĩ bẩm sinh thường gặp, xảy ra khi tim có lỗ trên vách ngăn giữa hai buồng tâm nhĩ. Nếu là lỗ nhỏ có thể không ảnh hưởng đến cơ thể và chỉ được tìm thấy tình cờ khi khám bệnh vì lý do khác. Tuy nhiên, khi lỗ ở vách lớn mà không được điều trị thì về lâu dài có thể làm tổn thương tim và phổi.
1. Triệu chứng của thông liên nhĩ
Nhiều trẻ khi sinh ra mắc thông liên nhĩ nhưng không phát hiện ra do không có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh tim hay phổi. Ở người lớn, các dấu hiệu hoặc triệu chứng có thể bắt đầu khoảng 30 tuổi, nhưng trong một số trường hợp, các dấu hiệu và triệu chứng có thể không xuất hiện cho đến khi về già.
Các triệu chứng của thông liên nhĩ có thể bao gồm:
- Khó thở, đặc biệt là khi gắng sức
- Mệt mỏi
- Sưng chân, bàn chân hoặc bụng
- Đánh trống ngực hoặc nhịp tim không đều
- Đột quỵ
- Tiếng thổi ở tim
Cần liên lạc với bác sĩ nếu bạn hoặc con bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào sau đây:
- Khó thở
- Nhanh mệt mỏi, đặc biệt là sau khi hoạt động
- Sưng chân, bàn chân hoặc bụng
- Đánh trống ngực hoặc giảm nhịp tim
Đây có thể là triệu chứng của suy tim hoặc biến chứng khác của dị tật tim bẩm sinh.
2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến thông liên nhĩ
Hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân dẫn đến thông liên nhĩ nhưng dị tật tim bẩm sinh thường được di truyền trong các gia đình và đôi khi xảy ra khi người bệnh có các bệnh di truyền khác, như hội chứng Down.
Nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh cao hơn đối với trẻ em có bố hoặc mẹ hoặc cả hai mắc bệnh tim bẩm sinh. Cho dù đã được điều trị thì người đã từng mắc dị tật tim bẩm sinh cần cân nhắc trước khi lập gia đình hoặc mang thai. Một số loại thuốc có thể cần phải dừng hoặc điều chỉnh trước khi mang thai vì các loại thuốc này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho sự phát triển của thai nhi.
Các bác sĩ cũng cho rằng một số bệnh của mẹ có thể khiến thai nhi tăng nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, bao gồm:
- Bệnh Rubella rất nguy hiểm đối với phụ nữ có thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ là giai đoạn hình thành các bộ phận của thai nhi. Virus có thể qua hàng rào nhau thai, xâm nhập vào bào thai và tác động tới quá trình phát triển của bào thai. Có khoảng một nửa số trường hợp mắc bệnh không có dấu hiệu lâm sàng điển hình nên nhiều phụ nữ có thai mắc Rubella không được phát hiện, gây ra nhiều hậu quả nặng nề về sức khỏe đối với người mẹ và thai nhi.
- Sử dụng ma túy, thuốc lá, rượu, hoặc tiếp xúc với một số hóa chất độc hại trong khi mang thai có thể gây hại sự phát triển của thai nhi.
- Mẹ mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh lupus ban đỏ có thể dễ sinh con bị dị tật tim bẩm sinh.
- Mẹ béo phì.
- Bệnh Phenylceton niệu (Phenylketonuria). Nếu bà mẹ bị Phenylceton niệu và không tuân theo kế hoạch bữa ăn dành riêng cho người bệnh Phenylceton niệu sẽ làm gia tăng khả năng sinh con bị khuyết tật ở tim.
3. Biến chứng của khiếm khuyết tâm nhĩ
Thông liên nhĩ với lỗ thông nhỏ có thể không gây ra bất kỳ vấn đề gì hoặc lỗ nhỏ giữa vách nhĩ thường đóng trong giai đoạn bào thai. Tuy nhiên, các khuyết tật lớn hơn có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho trẻ sau này, bao gồm:
- Suy tim phải
- Rối loạn nhịp tim
- Tăng nguy cơ đột quỵ
- Rút ngắn tuổi thọ
Các biến chứng nghiêm trọng ít phổ biến hơn có thể bao gồm:
- Tăng áp động mạch phổi. Nếu thông liên nhĩ lớn không được điều trị, tăng lưu lượng máu đến phổi của bạn sẽ làm tăng áp trong các động mạch phổi (tăng huyết áp phổi).
- Hội chứng Eisenmenger. Tăng huyết áp phổi có thể gây tổn thương phổi vĩnh viễn. Biến chứng này, được gọi là hội chứng Eisenmenger, thường phát triển trong nhiều năm và xảy ra không phổ biến ở những người có thông liên nhĩ lớn.
4. Phòng ngừa khiếm khuyết tâm nhĩ
Hiện nay chưa có biện pháp có thể ngăn ngừa khuyết tật thông liên nhĩ. Nếu bạn đang có kế hoạch mang thai, hãy lên lịch thăm khám thai định kỳ để:
- Xét nghiệm miễn dịch với bệnh rubella. Nếu bạn chưa có kháng thể hoặc kháng thể yếu để phòng chống bệnh rubella, bác sĩ sẽ khuyến cáo bạn nên tiêm vắc-xin sởi.
- Bạn cần theo dõi cẩn thận tình trạng sức khỏe của thai nhi trong suốt thai kỳ và bác sĩ cũng có thể đề nghị điều chỉnh hoặc ngừng một số loại thuốc trước khi bạn có thai.
- Nếu bạn có tiền sử gia đình bị dị tật tim bẩm sinh hoặc các rối loạn di truyền khác, hãy cân nhắc việc nói chuyện với bác sĩ vấn di truyền để xác định nguy cơ thai nhi có thể bị mắc tim bẩm sinh.
Hiện nay, tất cả Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec thực hiện đóng lỗ thông liên nhĩ bằng phương pháp can thiệp qua da với quy trình bài bản, chặt chẽ, đảm bảo độ an toàn, chính xác và mang lại hiệu quả điều trị cao.
Vinmec với trang thiết bị tiên tiến cùng đội ngũ y bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, được đào tạo một cách bài bản, dịch vụ chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp, tận tình sẽ giúp bệnh nhân có trải nghiệm an tâm nhất khi mổ tim hở ít xâm lấn tại đây.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dương đã có nhiều năm kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý nội khoa tim mạch và can thiệp tim mạch; Thực hiện các thăm dò chức năng không xâm lấn khác trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch. Hiện là bác sĩ điều trị tại trung tâm tim mạch, bệnh viện Vinmec Central Park từ tháng 08/2017
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Mayoclinic.org
XEM THÊM: