Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Hen phế quản có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, trong đó có trẻ nhỏ. Cơn hen thường xuất hiện sau một đợt nhiễm trùng đường hô hấp do virus hoặc vi khuẩn, khi thay đổi thời tiết trong những đợt chuyển mùa, hay xuất hiện do hít phải bụi,... Triệu chứng hen phế quản ở trẻ là ho dai dẳng, đặc biệt nặng hơn về đêm; thở khò khè, thở gắng sức; nặng ở lồng ngực...
1. Hen phế quản ở trẻ nhỏ
Hen phế quản là một bệnh viêm mãn tính đường hô hấp, gây tắc nghẽn đường thở từng cơn, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới năm tuổi và thường hay tái phát với các triệu chứng khò khè, khó thở. Hen phế quản ở trẻ gây ra những hậu quả xấu trước mắt và lâu dài cho trẻ.
Nguyên nhân gây bệnh hen phế quản ở trẻ em:
- Thứ nhất là do yếu tố gia đình: Nếu một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình có bố hoặc mẹ không bị hen phế quản thì nguy cơ bị bệnh hen phế quản rất thấp khoảng 10%,. Tuy nhiên, nguy cơ mắc hen phế quản sẽ tăng lên 25% nếu một trong bố và mẹ bị hen phế quản và tăng lên 50% nếu cả bố và mẹ bị hen phế quản.
- Thứ hai là yếu tố cơ địa dị ứng: Những đứa trẻ thường xuyên bị chàm, nổi mề đay, viêm mũi dị ứng hay mắc các bệnh dị ứng khác... có nguy cơ bị hen phế quản.
- Thứ ba là do thời tiết, môi trường sống như: Khói, bụi, lông động vật..., vi sinh vật (một số virus viêm đường hô hấp, nấm mốc), thức ăn (tôm, cua, ốc, đồ ăn có chất bảo quản), và các tác nhân khác như vận động quá sức.
2. Triệu chứng hen phế quản ở trẻ nhỏ
Thế nhưng, trên thực tế, việc chẩn đoán hen phế quản ở trẻ em thường bị chậm trễ, nhất là hen phế quản ở trẻ 1 tuổi. Điều này tất yếu đã hạn chế hiệu quả điều trị. Vì vậy, việc nhận biết triệu chứng hen phế quản ở trẻ góp phần chẩn đoán bệnh để điều trị kịp thời.
- Ho: Ho khan tái phát hoặc kéo dài, nặng lên về đêm hoặc đi kèm khò khè và khó thở. Ho xảy ra khi gắng sức, cười, khóc hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá, không khí ô nhiễm, không liên quan đến nhiễm trùng hô hấp cấp.
- Khò khè: Khò khè tái phát, trong khi ngủ hoặc khi có yếu tố thúc đẩy như gắng sức, cười, khóc, tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc không khí ô nhiễm.
- Khó thở: Xảy ra khi gắng sức, cười hoặc khóc.
- Giảm hoạt động: Không chạy, chơi hoặc cười như những trẻ khác, mệt sớm hơn khi đi bộ (đòi ẵm bồng) là một trong những triệu chứng hen phế quản ở trẻ em.
- Tiền căn bản thân, gia đình: Bản thân bị viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, cha mẹ hen.
Những trường hợp hen ác tính, các cơn hen liên tiếp xảy ra hàng ngày, thường nặng hơn về chiều và đêm. Trẻ bị mắc bệnh hen thường khó thở, không sốt, không lây. Bệnh hen tiến triển rất thất thường, trong một số trường hợp ổn định sau khi trẻ trên 5 – 6 tuổi, nhưng một số khác sau 15 năm bị hen lại, thậm chí sau 20 – 30 năm. Nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị dự phòng hiệu quả thì sẽ làm giảm đáng kể tần suất hen khi lớn, nhất là các thể hen nặng.
Trắc nghiệm: các chỉ số cần chú ý về sự phát triển thể chất của trẻ
Chiều cao, cân nặng của bé ở từng giai đoạn nên là bao nhiêu là bình thường, bao nhiêu là bất thường? Cùng ThS.BS Ma Văn Thấm điểm lại xem bạn đã nắm được các chỉ số phát triển thể chất của bé chưa nhé!Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)
3. Biện pháp chung để chăm sóc trẻ bị hen phế quản
- Tránh những nguyên nhân có thể làm khởi phát cơn hen như: Không để vật nuôi trong nhà, diệt gián; không hút thuốc lá trong nhà và ở nơi gần trẻ; không để những chất nặng mùi trong nhà; tránh dùng các loại thuốc xịt như nước hoa xịt phòng, thuốc xịt muỗi, côn trùng.
- Nơi ngủ của trẻ: cần được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, không nên trải thảm. Thường xuyên giặt khăn trải giường và chăn mền; không nên cho trẻ chơi thú nhồi bông cũng như không cho thú vật vào nơi trẻ ngủ.
- Dùng cửa sổ (đóng hay mở) để duy trì không khí sạch và trong lành
- Khi trẻ lên cơn hen: Cần nhận biết sớm các dấu hiệu hen phế quản ở trẻ như ho, khò khè, nặng ngực, khó thở, thức giấc về đêm. Trường hợp nếu đã được thầy thuốc hướng dẫn, cần cho trẻ dùng thuốc cắt cơn tác dụng nhanh. Dù trẻ tốt lên cũng cần cho trẻ nghỉ ngơi trong 1 giờ
- Khi thuốc cắt cơn hen phế quản không có tác dụng hoặc chỉ có tác dụng ngắn, trẻ vẫn còn khó thở, nói năng khó nhọc, trẻ phải ngồi thở, co kéo vùng xung quanh xương sườn và cổ khi thở, cánh mũi phập phồng, tím tái môi hay đầu ngón tay - đây là dấu hiệu rất nguy kịch thì cần phải đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu ngay.
Tuy hen phế quản là một bệnh không thể trị dứt được nhưng có thể kiểm soát tốt được. Phòng ngừa hen phế quản sẽ giúp cho trẻ giảm hoặc không còn lên cơn hen, trẻ có thể sinh hoạt, học tập và vui chơi bình thường.