Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Hữu Thắng - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Ngộ độc rượu là hậu quả nghiêm trọng, có thể gây tử vong do uống phải một lượng rượu lớn trong khoảng thời gian ngắn. Sử dụng quá nhiều rượu sẽ gây ảnh hưởng đến nhịp thở, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, có khả năng dẫn đến hôn mê và tử vong.
1. Ngộ độc rượu là gì?
Rượu là một dạng ethanol (rượu ethyl) được tìm thấy trong đồ uống có cồn, nước súc miệng, chiết xuất nấu ăn, một số loại thuốc và một số sản phẩm gia dụng.
Các dạng khác của rượu - bao gồm cồn isopropyl (có trong nước thơm và một số sản phẩm tẩy rửa), methanol hoặc ethylene glycol (một thành phần phổ biến trong chất chống đông, sơn và dung môi) - có thể gây ra các loại ngộ độc cần điều trị khẩn cấp.
Không giống như thực phẩm khác - phải mất nhiều giờ để tiêu hóa, rượu được cơ thể hấp thụ nhanh chóng. Đồng thời, phải mất nhiều thời gian hơn để cơ thể loại bỏ lượng cồn bạn đã uống. Hầu hết rượu được xử lý (chuyển hóa) tại gan. Khi uống càng nhiều rượu, đặc biệt là trong một khoảng thời gian ngắn, nguy cơ ngộ độc rượu càng cao. Ngộ độc rượu cũng có thể xảy ra khi người lớn hoặc trẻ em vô tình hoặc cố ý uống các sản phẩm gia dụng có chứa cồn. Nếu nghi ngờ ai đó bị ngộ độc rượu - ngay cả khi bạn không thấy các dấu hiệu và triệu chứng điển hình - hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
2. Triệu chứng của ngộ độc rượu
Các dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc rượu bao gồm:
- Động kinh.
- Nhiệt độ cơ thể thấp (hạ thân nhiệt).
- Bất tỉnh, gọi hỏi không biết.
- Co giật.
- Tê, yếu một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo.
- Thở khò khè, ứ đọng đờm dãi ở miệng họng, ho yếu. Thở yếu, nhịp thở không đều. Thở chậm (dưới tám hơi thở một phút), thở không đều (khoảng cách hơn 10 giây giữa các nhịp thở). Có thể hít sâu và nhịp thở nhanh.
- Da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh.
- Đái, ỉa ra quần, đái ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường).
- Nhìn mờ, nhìn một vật thành hai.
- Nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng.
Thực tế, rượu gây hưng phấn và giảm khả năng ức chế của người uống. Khi uống một lượng rượu nhỏ, người uống có thể có những hành vi rối loạn hoặc hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh như: sử dụng các phương tiện giao thông: xe máy, ô tô... Lúc này, rượu khiến người uống giảm khả năng tự phê phán, giảm khả năng kiềm chế, các phản xạ liên quan đến mắt và tai đều giảm rõ rệt. Người ta định lượng nồng độ rượu trong máu để xác định mức độ ngộ độc rượu.
- Ngộ độc rượu và không đủ năng lực để lái xe xảy ra khi nồng độ rượu từ 80-100mg rượu trong 100ml máu.
- Với nồng độ từ 10-20mg rượu trong 100ml máu đã gây thay đổi hành vi rõ ràng, vận động chậm chạp, giảm khả năng suy nghĩ.
- Một số người gây rối loạn phối hợp động tác, giảm khả năng quyết định, nặng hơn có thể gây thất điều, cảm xúc không ổn định và rối loạn định hướng trầm trọng khi có nồng độ cồn trong máu từ 100mg đến 200mg trong 100ml máu.
- Với nồng độ cồn trong máu là 150mg trong 100ml máu, người uống có biểu hiện buồn nôn và nôn.
- Ở nồng độ cồn máu là 200-300mg/100ml máu, bệnh nhân sẽ nói líu lưỡi, quên ngược chiều.
- Nồng độ rượu cao hơn sẽ khiến bệnh nhân bị mất trí nhớ. Khi nồng độ cồn máu đạt đến 400mg/100ml bệnh nhân sẽ bị ức chế hô hấp, hôn mê và có thể gây tử vong.
- Với nồng độ rượu trong máu trên 500mg/100ml thì gây tử vong cho hầu hết người bệnh.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc rượu, bao gồm:
- Kích thước và cân nặng của bạn
- Sức khỏe tổng thể của bạn
- Tỷ lệ cồn trong đồ uống của bạn
- Tỷ lệ và lượng rượu tiêu thụ
- Mức độ chịu đựng của bạn
Bên cạnh đó, ngộ độc rượu có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như:
- Nghẹt thở: Rượu có thể gây nôn, bởi vì nó làm giảm phản xạ bịt miệng của bạn, điều này làm tăng nguy cơ nghẹt thở nếu bạn ngất đi.
- Ngừng thở: Vô tình hít phải chất nôn vào phổi của bạn có thể dẫn đến rối loạn hô hấp nguy hiểm hoặc gây tử vong (ngạt thở).
- Mất nước nghiêm trọng: Nôn mửa có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng, dẫn đến huyết áp thấp nguy hiểm và nhịp tim nhanh.
- Động kinh: Lượng đường trong máu của bạn có thể giảm đủ thấp để gây co giật.
- Hạ thân nhiệt: Nhiệt độ cơ thể của bạn có thể giảm xuống thấp đến mức dẫn đến ngừng tim.
- Nhịp tim không đều: Ngộ độc rượu có thể khiến tim đập không đều hoặc thậm chí ngừng đập.
- Tổn thương não: Uống nhiều rượu có thể gây tổn thương não không hồi phục.
- Tử vong.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org