Hỏi
Chào bác sĩ,
Bé nhà em được 14 ngày. Mấy ngày nay, em thấy bé bị sôi bụng. Vậy bác sĩ cho em hỏi trẻ sơ sinh bị sôi bụng có ảnh hưởng gì không? Em thấy bụng bé to hơn bình thường, sờ vào bụng bé thấy căng. Mong bác sĩ tư vấn, em cảm ơn.
Khách hàng ẩn danh
Trả lời
Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Khương - Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Trẻ sơ sinh bị sôi bụng có ảnh hưởng gì không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Trẻ sơ sinh bị sôi bụng đi ngoài hay bụng kêu ọc ọc là những vấn đề thường gặp trong quá trình phát triển của bé nhưng lại khiến nhiều bố mẹ lo lắng. Tình trạng này cũng gây nên cảm giác khó chịu, đầy hơi ,tuy không gây đau đớn cho bé nhưng khiến bé khó chịu, quấy khóc và đi ngoài.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị sôi bụng là do sự tắc nghẽn hoặc ứ đọng một lượng lớn không khí ở các nếp gấp đường ruột. Một số nguyên nhân sau đây có thể khiến bụng trẻ sơ sinh bị sôi:
- Nhiễm khuẩn đường ruột. Trẻ sơ sinh bị sôi bụng và đi ngoài quá nhiều có thể do bị nhiễm các loại vi khuẩn như Salmonella, E.coli, Shigella hoặc virus đường ruột khác gây ra. Những loại vi khuẩn, virus này phát triển nhanh chóng nên lấn át các vi khuẩn có lợi làm rối loạn hệ vi sinh đường ruột dẫn đến trẻ bị tiêu chảy. Lý do dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn là có thể do bình sữa, ti bình và các dụng cụ pha chế không được bảo quản sạch sẽ.
- Trẻ không dung nạp được lactose. Khi cho trẻ dùng sữa công thức, cha mẹ cần lưu ý đến các dấu hiệu cơ thể của bé. Vì ở giai đoạn mới sinh, cơ thể trẻ sơ sinh không tiết đủ lượng enzyme lactose cần thiết để hấp thụ tất cả lượng đường lactose bên trong sữa. Việc này dẫn đến trạng thái dư thừa lactose ở đường ruột và biến thành hiện tượng sôi bụng ở trẻ.
- Chế độ ăn uống của mẹ chưa hợp lý: Nếu trẻ sơ sinh còn trong thời kỳ bú sữa mẹ thì chế độ ăn uống của người mẹ cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sữa và sức khỏe của trẻ sơ sinh. Người mẹ dùng thực phẩm như thế nào thì con cũng sẽ nhận nguồn dinh dưỡng từ thực phẩm ấy. Vì thế, nếu mẹ dùng thực phẩm lạ, có quá nhiều đạm, dầu mỡ, cay nóng hoặc tái sẽ khiến chất lượng sữa bị ảnh hưởng, do đó trẻ uống sữa bị sôi bụng.
- Ngoài ra còn một số lí do khác như, nếu mẹ cho bú không đúng cách, sữa pha không đúng tỷ lệ, chảy quá nhanh hoặc quá chậm làm bé nuốt nhiều không khí vào dạ dày cũng có thể khiến trẻ bị nhiễm khuẩn và sôi bụng.
- Bên cạnh, đó thói quen mút tay, mút đồ chơi hoặc cho vật lạ vào miệng cũng có thể gián tiếp dẫn vi khuẩn, virus xâm nhập vào đường ruột, làm trẻ bị đầy hơi, sôi bụng và tiêu chảy cấp nếu bị nhiễm nặng.
Do vậy bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa sơ sinh để tư vấn về chế độ ăn cho bé.
Nếu bạn còn thắc mắc về trẻ sơ sinh bị sôi bụng, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.