Hỏi
Chào bác sĩ,
Bé nhà em đẻ thiếu tháng, nặng 1,9kg, chẩn đoán đa hồng cầu. Bác sĩ cho em hỏi trẻ sinh non bị đa hồng cầu có nguy hiểm không? Hiện tình trạng của bé vẫn suy hô hấp sau khi thay máu 1 phần. Mong bác sĩ tư vấn, em cảm ơn.
Khách hàng ẩn danh
Trả lời
Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Việt Hương - Trung tâm Ung bướu xạ trị, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Trẻ sinh non bị đa hồng cầu có nguy hiểm không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Đa hồng cầu là sự gia tăng bất thường khối hồng cầu, được định nghĩa ở trẻ sơ sinh là Hct tĩnh mạch lớn hơn hoặc bằng 65%; sự gia tăng này có thể dẫn đến tăng độ nhớt của máu trong các mạch máu và đôi khi gây huyết khối.
Các dấu hiệu và triệu chứng chính của chứng đa hồng cầu sơ sinh không đặc hiệu và bao gồm da đỏ ửng, khó nuốt, lơ mơ, hạ đường huyết, tăng bilirubin máu, xanh tím, suy hô hấp, và co giật. Chẩn đoán dựa vào lâm sàng và kết quả đo lường Hct động mạch hoặc tĩnh mạch. Điều trị bằng thay máu một phần. Tỷ lệ đa hồng cầu là khoảng 3 đến 4% (khoảng 0,4 đến 12%), và khoảng một nửa số trẻ sơ sinh bị đa hồng cầu có chứng tăng độ nhớt máu.
Phương pháp điều trị:
- Truyền dịch.
- Đôi khi cần trích máu tĩnh mạch kết hợp với thay thế nước muối (thay máu một phần).
Những trẻ không có triệu chứng nên được điều trị bằng truyền dịch (xem phần điều trị mất nước ở trẻ em). Triệu chứng trẻ sơ sinh có Hct lớn hơn 65 đến 70% cần phải pha loãng máu mà không thay đổi thể tích huyết tương (đôi khi được gọi là thay máu một phần, mặc dù không có chế phẩm máu nào được bổ sung) để giảm Hct xuống nhỏ hơn hoặc bằng 55% và do đó làm giảm độ nhớt của máu. Thay máu một phần được thực hiện bằng cách loại bỏ máu mỗi lần 5ml / kg và ngay lập tức thay thế nó bởi một lượng tương đương 0,9% muối. Những trẻ không có triệu chứng nhưng có Hct lớn hơn 70% dai dẳng mặc dù đã truyền dịch cũng có thể cần chỉ định thủ thuật này.
Mặc dù, nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu quả ngay của thay máu một phần, lợi ích lâu dài vẫn còn cần đặt ra theo dõi. Hầu hết, các nghiên cứu đều không ghi nhận được sự khác biệt về tăng trưởng thể chất cũng như phát triển hệ thần kinh giữa những trẻ được thay máu một phần trong giai đoạn sơ sinh và những trẻ không thực hiện thủ thuật này.
Các triệu chứng và dấu hiệu của hội chứng tăng độ nhớt máu cần khám và nhập viện khẩn cấp là những biểu hiện suy tim, huyết khối (mạch não và thận), và rối loạn chức năng thần kinh trung ương, bao gồm thở nhanh, suy hô hấp, xanh tím, quá tải, ngưng thở, lơ mơ, kích thích, giảm trương lực cơ, run rẩy, co giật và khó ăn uống. Huyết khối mạch thận cũng có thể gây tổn thương ống thận, protein niệu, hoặc cả hai.
Nếu bạn còn thắc mắc về trẻ sinh non bị đa hồng cầu, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.