Trẻ hen phế quản nên hạn chế ăn gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Đĩnh - Trưởng Đơn nguyên Hô hấp - Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Một số thức ăn có thể làm kịch phát cơn hen suyễn đã có sẵn. Tránh một số thức ăn sau có thể hạn chế bộc phát các đợt cấp của bệnh hen suyễn. Hãy cùng bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec lựa chọn thực phẩm phù hợp khi trẻ mắc căn bệnh này.

1. Hen phế quản là gì?

Bệnh hen phế quản là tình trạng đường hô hấp viêm nặng, dẫn đến các triệu chứng như tắt đường thở, tăng đờm, phù nề, co thắt. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta hay gọi hen phế quản là hen suyễn hay bệnh suyễn.

Bệnh hen phế quản là bệnh lý viêm mạn tính phế quản, bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà nếu nghiêm trọng còn có thể cướp đi sinh mạng người bệnh, đặc biệt là trẻ em. Vì thế, khi trẻ bị hen phế quản cần sự chăm sóc đặc biệt, nhất là chế độ ăn uống phù hợp.

2. Triệu chứng hen phế quản

Giai đoạn đầu hen phế quản

Trẻ thở khò khè, khi hít thở gặp khó khăn. Trẻ không giữ được nhịp thở đều, có lúc thở gấp, có lúc phải rít một hơi thật dài và bị thắt ngực. Cả lúc hít và thở, trẻ đều có cảm giác khó chịu, đôi khi là đau đớn vùng ngực.

Giai đoạn hen phế quản tiếp theo

Trẻ bắt đầu có triệu chứng long đờm, hắt hơi, sổ mũi bên cạnh việc khó thở cuối mỗi cơn hen. Trẻ ho nặng, khạc nhiều đờm màu trắng hoặc xanh.

Giai đoạn hen phế quản nặng

Trẻ có những cơn hen kéo dài hơn. Thời gian xuất hiện cơn hen cũng thường xuyên hơn. Đặc biệt khó thở về đêm và sáng. Nếu cơn hen không được can thiệp kịp thời, hô hấp không trở lại bình thường có thể dẫn đến tử vong.

>>> Ai cần đi khám sàng lọc hen phế quản?


Hình ảnh của đường thở bị viêm sưng, nghẽn khi có cơn hen.
Hình ảnh của đường thở bị viêm sưng, nghẽn khi có cơn hen.

3. Nguyên nhân hen phế quản

Nguyên nhân gây hen phế quản hiện nay chưa được biết rõ, tuy nhiên bệnh hình thành dưới tác động của các yếu tố môi trường bên ngoài và bên trong cơ thể. Các nguy cơ làm tăng khả năng mắc hen phế quản hoặc gây khởi phát cơn hen bao gồm:

  • Gia đình có tiền sử bị hen hoặc dị ứng (cơ địa Atopy): Bệnh hen có thể di truyền từ người thân của trẻ. Ngoài ra, có thể bệnh bắt nguồn từ chính cơ địa của trẻ, trẻ có viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa hoặc có tình trạng dị ứng mày đay do các dị nguyên khác có tỷ lệ mắc hen phế quản cao hơn trẻ khỏe mạnh bình thường.
  • Dị ứng với hải sản, bụi bẩn, lông động vật, phấn hoa, mỹ phẩm,... Khi trẻ tiếp xúc với các dị nguyên gây dị ứng trước đó ở trẻ, các dị nguyên này có thể khởi phát hoặc làm nặng cơn hen suyễn ở trẻ.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp do virus, vi khuẩn, nấm làm nặng lên bệnh hen suyễn
  • Ô nhiễm môi trường: Môi trường sống chúng ta ngày càng ô nhiễm với khói bụi từ phương tiện giao thông, hoạt động sản xuất,... Với trẻ em, sức đề kháng để chống chịu lại các tác nhân ô nhiễm không cao nên dễ dàng mắc bệnh về hô hấp. Bệnh hen phế quản ở trẻ em cũng xuất hiện và khó kiểm soát nếu các em phải hít nhiều hóa chất từ các sản phẩm vệ sinh như bột giặt, chất tẩy rửa sử dụng hàng ngày tại gia đình,...

4. Trẻ bị hen phế quản thì nên hạn chế ăn gì ?

4.1. Hạn chế ăn đồ ăn quá mặn

Ăn nhiều muối khiến cơ thể bị giữ nước gây ra tình trạng phù nề. Bản chất của hen phế quản là gây viêm và thắt chặt đường thở. Khi ăn muối, tình trạng phù nề tăng lên đồng nghĩa với việc viêm thắt đường thở cũng tăng, khiến việc hô hấp của bé trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, thường xuyên ăn đồ ăn mặn cũng chính là tác nhân gây ra nhiều bệnh như thận, tim mạch,...


Bác sĩ thường khuyên những người bị hen nên hạn chế ăn muối để tránh giữ nước, phù.
Bác sĩ thường khuyên những người bị hen nên hạn chế ăn muối để tránh giữ nước, phù.

4.2. Thực phẩm có chứa sulfite

Sulfite là các hợp chất bảo quản thực phẩm giúp kéo dài thời gian sử dụng, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn và duy trì màu sắc của thực phẩm. Chất này làm tăng kích ứng ở phổi, gây khó thở cao cho người bệnh hen phế quản. Vì vậy, chúng ta nên hạn chế cho bé ăn đến mức tối thiểu các thực phẩm chứa sulfite như:

  • Thực phẩm ngâm chua: Dưa cải muối, dưa chuột muối, cà muối,... Thay vào đó có thể chuyển sang làm salad cho bé ăn.
  • Đồ ăn, nước uống đóng hộp, đồ ăn nhanh.
  • Trái cây, rau củ quả sấy khô: Khoai tây sấy khô, nho khô, dứa sấy, mơ sấy, anh đào sấy,...
  • Đồ đông lạnh: Tôm, cua, cá đông lạnh,...

Các thực phẩm mà trẻ ăn vào có tình trạng dị ứng trước đó như: Hải sản, bột mì, sữa, trứng,...

4.3. Các loại thực phẩm có tính axit

Những loại thực phẩm tính chua: Hành, chanh,..., các loại thực phẩm chiên, đồ uống có gas là những thực phẩm cấm kỵ đối với trẻ em mắc bệnh suyễn. Những thực phẩm này có thể gây trào ngược thực quản làm cho các triệu chứng của bệnh suyễn của trẻ càng trở nên nặng hơn.

4.4. Thịt nướng

Thịt nướng sẽ tạo ra các hợp chất carbon vốn gây mất hiệu lực của một số thuốc trị hen suyễn như theophylline. Ngoài tương tác với thuốc trị hen suyễn , các hợp chất carbon cũng gây ra những trường hợp lên cơn suyễn. Thay vào đó bạn có thể chế biến thịt thành các món khác để đảm bảo sức khỏe cho bé.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen phế quản

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe