Nhiễm nấm Candida âm đạo (nhiễm trùng nấm men) rất hiếm gặp ở trẻ em trừ khi trẻ bị suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng kháng sinh. Các bé gái đặc biệt dễ bị viêm âm hộ. Vì khu vực sinh dục gần trực tràng, vi khuẩn (và đôi khi ký sinh trùng giống như giun kim) lây lan dễ dàng. Ngoài ra, trẻ có thể lây bệnh viêm đường hô hấp do vi khuẩn từ mũi, miệng đến âm hộ. Ngoài ra, da âm hộ của trẻ mỏng và nhạy cảm với chấn thương do trầy xước, cọ xát từ quần áo bó sát hoặc tiếp xúc với các chất gây kích ứng như xà phòng mạnh. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích để giúp những người chăm sóc trẻ kịp thời nhận biết và có giải pháp xử trí khi trẻ bị viêm âm hộ.
1. Viêm âm hộ là gì?
Khi những bé gái phàn nàn về vùng âm hộ của trẻ bị đau hoặc ngứa vùng sinh dục, có thể đó chính là biểu hiện của viêm âm hộ, viêm âm đạo. Đây vốn dĩ là vấn đề phụ khoa phổ biến ở các bạn gái trẻ, đang tuổi dậy thì hoặc trước khi kết hôn, tuy nhiên, viêm âm hộ có thể gặp ở tất cả các lứa tuổi. Thông thường, người mắc nhiễm trùng âm đạo thường có nguyên nhân phần lớn là do hoạt động quan hệ tình dục nhưng ở các trẻ chưa đến tuổi dậy thì thì đặc biệt dễ bị mắc viêm âm hộ vì những lý do không hề liên quan tới hoạt động tình dục. Vì bé gái ở độ tuổi này chưa phát triển cơ quan sinh dục hoàn thiện nên chưa có lông mu, môi âm hộ nhiều mỡ để bảo vệ nên sẽ có trường hợp quần áo, hóa chất, xà phòng và thuốc rất dễ có thể gây kích ứng vùng da mỏng manh của âm hộ. Ngay cả khi chỉ một vật lạ tiếp xúc với khu vực nhạy cảm này cũng có thể gây viêm, đơn giản như một mẩu giấy vệ sinh cũng có thể gây nên tình trạng bệnh cho trẻ.
Khác với những phụ nữ trưởng thành, bé gái ở độ tuổi này cũng không có estrogen tiết ra để bảo vệ đường âm đạo và độ pH của âm đạo tăng, đây chính là môi trường màu mỡ cho vi khuẩn phát triển. Hoặc đôi khi là do trẻ chưa có khả năng thực hành vệ sinh âm đạo đúng cách. Trong nhiều trường hợp, tình trạng đau âm hộ và tiết dịch có mùi hôi thường không quá nghiêm trọng. Kể cả với một số bé gái, viêm âm hộ thường xuyên cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống tình dục hoặc sinh sản sau này.
2. Triệu chứng của viêm âm hộ
Trước khi bé kêu đau rát vùng kín, các bậc cha mẹ tinh ý hoàn toàn có thể quan sát thấy trẻ gãi hoặc ngồi một cách không thoải mái. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, trẻ sẽ cho các bậc cha mẹ biết chúng đang cảm thấy đau vì trong hầu hết các trường hợp, tình trạng viêm nhiễm sẽ khiến âm hộ trở nên cực kỳ kích thích và đau đến mức khiến trẻ không ngủ được. Khi kiểm tra, các bậc cha mẹ có thể thấy vùng kín của trẻ đỏ và sưng lên kèm với đó là dịch tiết mùi rất khó chịu nhưng thường sẽ không kèm theo máu.
Bé cũng có thể cảm thấy đau rát khi đi tiểu. Đây là kết quả của việc nước tiểu chạm vào vùng da bị kích ứng. Cần phân biệt rõ ràng triệu chứng này bởi chúng thường bị nhầm lẫn với nhiễm trùng đường tiết niệu.
3. Nguyên nhân gây ra viêm âm hộ
Có nhiều loại viêm âm hộ khác nhau và kèm theo đó là những nguyên nhân khác nhau, từ việc trẻ mặc những chiếc quần lót ẩm ướt đến tình trạng viêm nhiễm ký sinh trùng. Một số nguyên nhân nghiêm trọng hơn như các khối u có thể xảy ra nhưng cực kỳ hiếm gặp. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể khiến âm hộ của trẻ bị viêm nhiễm:
- Mất cân bằng hệ vi khuẩn: Đừng lầm tưởng một âm đạo khỏe mạnh là một âm đạo không có vi khuẩn. Các loại lợi khuẩn luôn tồn tại trong môi trường này và tình trạng viêm âm đạo có thể xảy ra khi sự cân bằng bình thường của các vi khuẩn khác nhau bị xáo trộn. Đặc biệt trong trường hợp các loại vi khuẩn có lợi giảm đi về số lượng sẽ khiến những loại vi khuẩn có hại phát triển và gây viêm nhiễm.
- Nhiễm trùng thứ phát: Đôi khi viêm âm hộ có thể xảy ra do nhiễm trùng thứ phát. Nghĩa là nếu bé bị viêm họng trong khoảng thời gian gần đây, liên cầu khuẩn có thể di chuyển đến âm đạo và gây viêm nhiễm tại khu vực này. Trong trường hợp này, âm hộ có màu đỏ tươi và thường gây ra cảm giác đau rát cực kỳ khó chịu.
- Vệ sinh không đúng cách. Khoảng cách giữa âm đạo và hậu môn tương đối gần. Do đó, khi trẻ chưa học được cách vệ sinh thế nào cho đúng, vi khuẩn ở đường hậu môn hoàn toàn có thể xâm nhập và gây viêm âm hộ. Ngoài ra, tư thế đi tiểu cũng có thể khiến nước tiểu trào ngược lên âm đạo và gây nhiễm trùng.
- Nhiễm ký sinh trùng: Giun kim hay giun chỉ là những loại ký sinh trùng rất thường gặp ở trẻ em. Giun kim thường đẻ trứng xung quanh hậu môn và nếu trẻ vệ sinh không đúng cách, trứng có thể xâm nhập vào đường sinh dục và gây viêm nhiễm tại đó.
- Dị vật: Những mảnh giấy vệ sinh hay các vật khác có thể mắc kẹt trong âm đạo của bé, gây mùi hôi, tiết dịch hoặc thậm chí chảy máu.
- Các tác nhân gây kích ứng bên ngoài: Đôi khi thời tiết nắng nóng hoặc mặc những bộ quần áo bó quá sát hay không thoáng khí như quần jean và các loại quần vải nylon có thể khiến những vùng da nhạy cảm, trong đó có vùng da quanh âm đạo viêm nhiễm. Ngoài ra các loại xà phòng hay dung dịch vệ sinh có tính sát khuẩn mạnh cũng có thể khiến bé bị mẩn đỏ và ngứa.
- Nấm: Trong khi nhiễm trùng do nấm là mối quan tâm lớn của nhiều phụ nữ thì chúng là thường không xuất hiện ở những bé gái chưa đến tuổi dậy thì trừ khi gần đây bé có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh khiến cho sự cân bằng hệ vi khuẩn ở âm hộ bị đảo lộn. Nấm sẽ khiến âm hộ ửng đỏ, đau rát và tiết dịch màu vàng trắng.
- Lạm dụng tình dục. Đây là nguyên nhân tế nhị nhưng vẫn cần được nhắc đến bởi quan hệ tình dục quá sớm có thể khiến trẻ mắc một số bệnh nhiễm trùng đường sinh dục như trichomonas, chlamydia và bệnh lậu....
- Dính âm đạo: Theo thống kê, có khoảng 2% trường hợp các bé gái từ 6 tuổi trở xuống bị dính môi trong của âm đạo hay môi âm hộ. Dính âm hộ không phải một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng nhưng chúng cũng có thể góp phần làm tăng nguy cơ viêm âm hộ.
- Các bệnh về da: Bệnh đa xơ cứng địa y là mộ tình trạng không phổ biến, được biểu hiện bởi các vùng da mỏng, loang lổ, thường ở vị trí bộ phận sinh dục. Chúng thường khiến da trẻ kích ứng và làm tăng nguy cơ mắc viêm âm hộ.
4. Chẩn đoán và điều trị viêm âm hộ
Việc đầu tiên các bác sĩ là để chẩn đoán viêm âm hộ là nói chuyện với cha mẹ và chính bản thân trẻ về các triệu chứng hoặc bất kỳ bệnh lý nào mắc trong khoảng thời gian gần đây cũng như loại thuốc mà trẻ đã sử dụng. Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể sẽ khai thác cách cha mẹ tắm cho trẻ, loại quần áo trẻ thường mặc hay thậm chí cách bé lau người.
Sau đó, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng kiểm tra vùng sinh dục ngoài của trẻ. Điều này có thể sẽ được thực hiện bởi một bác sĩ nữ để không khiến bé khó chịu. Nếu có dịch tiết ra, bác sĩ có thể dùng gạc lấy mẫu để phục vụ cho xét nghiệm.
Việc điều trị viêm âm hộ ở trẻ tùy theo nguyên nhân của bệnh. Nếu đó là những nhiễm trùng do vi khuẩn, bé sẽ được kê đơn với một số loại thuốc kháng sinh. Bác sĩ cũng sẽ trao đổi với các bậc cha mẹ về cách làm giảm cơn đau tức thì thông qua việc tắm nước ấm không có xà phòng, chườm mát, ngâm nước muối và có thể sử dụng một số loại khăn ướt dùng cho da nhạy cảm để vệ sinh. Ngoài ra các bác sĩ cũng sẽ khuyên những bà mẹ nên vệ sinh cho trẻ bằng cách lau từ trước ra sau và mặc những loại quần áo cotton rộng rãi cũng như luôn giữ cho âm hộ khô ráo.
Tùy thuộc vào chẩn đoán, bác sĩ cũng có thể kê đơn một số loại thuốc kháng sinh tại chỗ, kem chống nấm, kem hydrocortisone hoặc thuốc mỡ để tăng tốc độ chữa lành và làm dịu cơn đau. Điều quan trọng là giữ cho môi nhạy cảm không bị kích ứng liên tục, vì mô bị kích thích có nhiều khả năng bị nhiễm trùng hơn mô bình thường và khu vực âm đạo (thường ẩm ướt và ấm áp) là môi trường hoàn hảo cho các sinh vật có hại phát triển.
5. Phòng ngừa viêm âm hộ
Không có gì đảm bảo cho những bé gái trong độ tuổi này không bị viêm âm hộ. Tuy nhiên sau đây là một số điều các bậc cha mẹ có thể làm để giảm thiểu tối đa nguy cơ tái phát cũng như mắc mới viêm âm hộ:
- Giữ vùng kín của bé sạch sẽ nhất có thể bằng cách lau người từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh qua đó hình thành một thói quen tốt cho trẻ.
- Khuyến khích trẻ đi tiểu bằng các mở rộng hai đầu gối, điều này sẽ ngăn nước tiểu trào ngược lên âm đạo. Dạy trẻ rửa tay kỹ cả trước và sau khi đi vệ sinh.
- Chọn những loại giấy vệ sinh mềm, ít kích ứng da và không sử dụng các loại giấy vệ sinh có mùi thơm.
- Tránh sử dụng xà bông tắm hoặc dung dịch vệ sinh mạnh và dễ kích ứng da.
- Trong trường hợp bé thường xuyên bị viêm âm hộ, hãy chuyển sang tắm vòi hoa sen và hạn chế tối đa việc sử dụng xà phòng ở vùng sinh dục của bé.
- Đảm bảo trẻ đã được lau khô người cũng như bộ phận sinh dục hoàn toàn sau khi tắm.
Viêm âm hộ tuy không phải tình trạng nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ nhưng có thể khiến bé cảm thấy khó chịu và thiếu tự tin khi giao tiếp với bạn bè. Nguy cơ viêm âm hộ hoàn toàn có thể được giảm thiểu một cách tối đa nếu các bà mẹ chú ý hơn trong việc vệ sinh cơ quan sinh dục cho bé cũng như thực hiện một số quy tắc về quần áo mặc bao gồm không mặc quần jean bó sát, không mặc quần lót vải nilon hoặc các loại quần áo hạn chế sự lưu thông của không khí. Bên cạnh đó cần đảm bảo bộ phận sinh dục của trẻ luôn được lau khô mỗi khi tắm xong cũng như lau sạch từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com, boltonft.nhs.uk