Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Ở giai đoạn từ 7 - 8 tháng tuổi, trẻ đã bắt đầu quen dần với các chế độ ăn dặm thay vì chỉ bú sữa mẹ hoặc sữa thay thế. Tuy nhiên, do chế ăn không phù hợp, nên nhiều trẻ sẽ bị biếng ăn. Vậy, trẻ từ 7 - 8 tháng ăn dặm như thế nào là đúng?
1. Trẻ 7 - 8 tháng ăn dặm như thế nào?
Ở giai đoạn này, trẻ sẽ có dấu hiệu bú sữa mẹ hoặc sữa thay thế ít đi, tuy nhiên, người mẹ nên cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa thay thế với tần suất 3 - 5 lần/ngày. Bởi sữa mẹ là nguồn dưỡng chất hoàn hảo nhất, giúp trẻ dễ hấp thu và dễ tiêu hóa. Sữa mẹ cũng đóng vai trò như một chất kháng khuẩn giúp tăng cường hệ miễn dịch ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đây cũng là nguồn dưỡng chất chống lại bệnh dị ứng. Đặc biệt, các chuyên gia khuyến cáo, tuyệt đối không dùng sữa bò cho trẻ dưới 1 tuổi.
Từ 7 - 8 tháng tuổi, thức ăn đặc trở thành nguồn dinh dưỡng chính cho bé. Đây cũng là thời điểm trẻ mọc răng nên mẹ hãy tập cho bé cách nhai thức ăn. Tuy nhiên, trong những tháng đầu bé mọc răng thì các loại thức ăn có vị mặn hoặc có đường nằm ngoài danh mục được khuyến cáo.
Bé có thể thử nhiều loại ngũ cốc, bột dinh dưỡng khác nhau. Bên cạnh sữa mẹ và sữa thay thế, bột dinh dưỡng đóng hộp đem lại đầy đủ các dưỡng chất cho trẻ. Các bậc phụ huynh nên lựa chọn các loại bột dinh dưỡng đến từ các hãng sản xuất sản phẩm dinh dưỡng uy tín. Còn nếu cha mẹ sử dụng bột tự chế biến cần đảm bảo vệ sinh và đầy đủ dưỡng chất.
Cho bé ăn trái cây sẽ là lựa chọn hợp lý cho trẻ từ 7 - 8 tháng tuổi, do trái cây sẽ bổ sung nhiều chất xơ và các vitamin. Nhưng, bạn cần lưu ý lượng trái cây, hoa quả khi cho trẻ ăn, nó phụ thuộc vào trọng lượng của bé và việc cơ thể bé đáp ứng tốt như thế nào khi dùng trái cây và rau. Độ đặc của thức ăn có thể được tăng lên dần dần tùy theo mức độ cho phép của cơ thể em bé.
Rèn thói quen tự lập cho trẻ là điều vô cùng tốt mà cha mẹ nên tập dần cho các con, nhất là trong việc ăn uống. Ví dụ, với những loại thực phẩm như : rau cải nấu mềm, trái cây rửa sạch gọt vỏ, bánh quy, bánh mì nướng... bạn hoàn toàn có thể để đưa cho trẻ tự cầm và ăn
Tuy nhiên, đối với những loại thức ăn mà trẻ có thể tự cầm và ăn, chỉ nên đưa cho bé một ít, tuyệt đối tránh những thức ăn như táo cắt khoanh, cắt lát mỏng, xúc xích, các loại hạt , kẹo tròn, rau cải chưa nấu..... nó rất nguy hiểm, có thể khiến trẻ bị ngạt thở.
2. Món ăn dặm cho cho trẻ từ 7 - 8 tháng tuổi
Món ăn thứ nhất có thể là bột ngũ cốc. Bạn có thể sử dụng các loại ngũ cốc nấu lên rồi xay ra, thêm dần ít muối, ít dầu ăn để kích thích trẻ ăn ngon miệng. Các chuyên gia lưu ý cha mẹ nên sử dụng vô cùng ít muối trong khẩu phần ăn của trẻ nhỏ. Ngoài ra bạn nên thay bột bằng hoa quả nghiền cho lạ miệng (có thể thay một số ngày trong tuần) và chú ý đến việc cho bú sữa.
Nhiều trường hợp, khi bé ăn xong sẽ không muốn uống sữa, cha mẹ đừng quá lo lắng và cũng đừng ép trẻ phải ăn sữa. Khi được bổ sung đa dạng các loại thức ăn đặc, bé sẽ ăn tăng dần số lượng bữa ăn trưa và bỏ dần bữa sữa, bạn có thể cắt bữa sữa của buổi trưa.
Trong độ tuổi này, cha mẹ nên chia khẩu phần ăn của trẻ thành 5 bữa/ngày. Mỗi ngày cho trẻ ăn 2 bữa bột 10% mỗi bữa 200ml
Dưới đây là 1 gợi ý về thực đơn cho trẻ từ 7 - 8 tháng tuổi.
- Sáng: Bú mẹ (hoặc sữa bột); sau 1 giờ sẽ cho uống thêm một chút nước quả (bằng muỗng); khoảng 10g sẽ ăn rau củ nghiền hoặc cháo pha sữa.
- Đến trưa sẽ ăn bột thành phần gồm: 10g bột gạo, 200ml nước, thịt lợn băm 10g, thêm 10g rau xanh và 5g dầu ăn. Bữa ăn thêm buổi chiều của bé thêm một hộp sữa chua hoặc nhấm nháp một chiếc bánh qui bơ, dễ tan ít đường , vẫn cho bé uống sữa sau đó.
- Bữa ăn tối nếu bé bú sữa mẹ thì bạn có thể cho bé ăn thêm bữa ăn dặm, không muộn quá, chọn thực đơn dễ tiêu, tránh các loại rau có ga làm đầy bụng như cải bắp, su hào...
Tóm lại, ở độ tuổi từ 7 - 8 tháng, các bậc phụ huynh nên bắt đầu cho trẻ tập nhai. Bé cần được tập ăn các loại thực phẩm để thích nghi và các bữa bột cần được thay đổi thực phẩm thường xuyên. Người lớn cũng nên đặc biệt quan tâm đến cách cho ăn của trẻ, phải biết cách tạo sự gắn bó tốt với trẻ, làm cho trẻ có cảm giác ăn ngon miệng hơn.
Giai đoạn trẻ ăn dặm là giai đoạn vô cùng quan trọng giúp trẻ tăng trưởng toàn diện. Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.