Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Táo bón là vấn đề rối loạn tiêu hóa hay gặp, có đến 10% trẻ bị táo bón và 1⁄3 số đó cần sự can thiệp của bác sĩ. Táo bón là vấn đề gây suy giảm chất lượng cuộc sống, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển của bé. Một số trẻ bị táo bón nặng có thể khiến trẻ sợ ăn. Vậy cần điều trị táo bón cho trẻ như thế nào?
1. Nhận biết trẻ bị táo bón nặng
Số lần đi tiêu trong ngày và tính chất phân của mỗi trẻ sẽ khác nhau tùy theo lứa tuổi và chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Từ tháng tuổi thứ 3 trẻ có thói quen đi tiêu 1 – 2 lần/ ngày và giảm dần số lần theo độ tuổi. Tuy nhiên, một số ít trẻ chỉ đi tiêu khoảng 3 lần mỗi tuần, mặc dù được nuôi dưỡng bằng chế độ dinh dưỡng khoa học và sức khỏe tổng thể của bé vẫn hoàn toàn bình thường.
Do đó, trẻ bị táo bón khi số lần đi tiêu giảm so với bình thường hoặc ít hơn 3 lần trong tuần, đồng thời phân của bé cứng, chắc, gây khó khăn hoặc đau đớn mỗi khi đi tiêu. Một số biểu hiện của tình trạng táo bón ở trẻ nhỏ như sau:
- Tính chất phân thường cứng chắc hơn bình thường;
- Trẻ đi tiêu cảm giác rất khó khăn, đôi khi gây đau đớn và khiến trẻ quấy khóc và sợ đại tiện. Tình trạng này vô tình tạo thành một vòng xoắn luẩn quẩn góp phần làm bệnh lý táo bón trở nên trầm trọng hơn;
- Trẻ bị táo bón nặng và kéo dài có thể dẫn đến những bất thường khác như tiểu lắt nhắt, đái dầm, mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, trẻ sợ ăn, biếng ăn, chậm phát triển hoặc suy dinh dưỡng.
2. Trẻ bị táo bón nặng thường rất sợ ăn
Cảm giác khó khăn khi đi tiêu ở những trẻ bị táo bón nặng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của bé, vì mỗi khi ăn vào lại sợ việc phải đi đại tiện. Tình trạng này lâu dài khiến nhiều trẻ sợ ăn hoặc bị ám ảnh với việc ăn uống.
Bên cạnh đó, một số trẻ có thể ăn uống bình thường nhưng vì táo bón dẫn đến ùn ứ các chất cặn bã và gây cảm giác đầy bụng, chướng bụng. Kết hợp cả 2 yếu tố trên sẽ khiến trẻ sợ ăn và điều này còn có thể xảy ra ở cả người lớn.
3. Nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón nặng
Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị táo bón nặng:
- Không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ: Sữa mẹ từ trước đến nay được đánh giá là nguồn dinh dưỡng phù hợp nhất đối với hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong sữa mẹ có chứa một loại hormone gọi là motilin với khả năng tăng nhu động ruột, thúc đẩy phân di chuyển trong đường ruột dễ dàng hơn. Ngược lại, trẻ bú sữa công thức thường tiêu hóa khó khăn hơn, đồng thời đường ruột ở bé lại hấp thụ nước nhiều hơn. Tình trạng này khiến phân bị khô, thiếu sự mềm dẻo và khó di chuyển để bài xuất ra ngoài. Do đó, trẻ bú sữa mẹ thường ít mắc chứng táo bón so với trẻ bú sữa công thức;
- Bổ sung không đủ chất xơ: Chất xơ có khả năng tăng giữ nước trong ruột già và hỗ trợ tiêu hóa thức ăn thuận lợi hơn. Những trẻ bổ sung quá nhiều đạm, ít chất xơ hoặc chế độ ăn thiếu khoa học, không đủ các nhóm chất dinh dưỡng theo khuyến cáo làm tăng nguy cơ trẻ bị táo bón nặng, kéo dài.
- Không cung cấp đủ nước: Những trẻ bị táo bón nặng thường có thói quen uống ít nước hoặc do cha mẹ không cho bé uống đủ lượng nước cần thiết, đặc biệt là những bé thường xuyên chạy nhảy, nô đùa, hoạt động nhiều. Ngoài ra, một số bé có sở thích tiêu thụ nước ngọt có gas, soda, nước giải khát có cafein làm bé đi tiểu nhiều hơn, dẫn đến cơ thể thiếu nước và hệ quả là bị táo bón;
- Chưa có thói quen đi ngoài đúng giờ: Một số nguyên nhân dẫn đến việc này đó là phụ huynh không tập cho con nhỏ thói quen đi tiêu theo khung giờ nhất định trong ngày, trẻ ham chơi nên nín nhịn đại tiện hoặc khi đến lớp sợ cô giáo la mắng không dám xin đi đại tiện mà đợi về nhà mới đi... Những tình trạng trên kéo dài dẫn đến trẻ mất cảm giác hoặc không có phản xạ đi đại tiện và dẫn tới tình trạng táo bón;
- Lạm dụng thuốc: Trẻ hay ốm vặt, còi xương, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng hô hấp cấp... thường phải sử dụng nhiều loại thuốc điều trị khác nhau, đặc biệt là kháng sinh sẽ góp phần dẫn đến rối loạn tiêu hóa, trong đó có táo bón;
Ngoài ra, nguyên nhân còn do các bệnh lý ngoại khoa hoặc bệnh lý đường tiêu hóa: Đây là những nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng trẻ bị táo bón nặng mà các bậc phụ huynh cần lưu ý. Các bệnh lý hay gặp bao gồm dị tật bẩm sinh ống tiêu hóa (như phình to đại tràng, hẹp ruột), hẹp hậu môn, nứt hậu môn...
4. Điều trị táo bón cho trẻ tại nhà
Các biện pháp điều trị táo bón cho trẻ hiệu quả tại nhà bao gồm:
- Một vấn đề quan trọng là cha mẹ cần phải thật kiên nhẫn để khuyến khích, trấn an con mỗi khi bé đại tiện. Đồng thời, cha mẹ cần cố gắng tạo điều kiện để bé thoải mái hơn khi đi tiêu như giữ nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ, chọn bô/bồn cầu có kích thước phù hợp hoặc có thể cho trẻ ngâm nước ấm trước đại tiện khoảng 5 – 10 phút.
- Để tránh việc trẻ sợ ăn do táo bón, cha mẹ cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và sữa phù hợp với độ tuổi của con. Đối với trẻ 6 tháng tuổi trở lên, bên cạnh sữa thì mẹ có thể cho trẻ bổ sung thêm nước trái cây có tính nhuận tràng như cam, lê, táo, mận...
- Khuyến khích trẻ uống nhiều nước, hạn chế sử dụng nước ngọt có gas hoặc các món ăn quá ngọt.
- Chế độ ăn hằng ngày cần bổ sung thêm chất xơ vào như xay nhuyễn thêm rau củ xanh vào bột hay cháo ăn dặm.
5. Biện pháp phòng ngừa táo bón cho trẻ
Khuyến khích mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu đời. Mẹ nên cho con bú mẹ càng nhiều càng tốt, vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bú sữa mẹ là biện pháp phòng ngừa táo bón cực kỳ hiệu quả và dễ áp dụng.
Đối với những trẻ bắt buộc phải sử dụng sữa công thức, các mẹ nên chú ý cách pha sữa đúng tỷ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đồng thời, cần bảo đảm tuyệt đối vấn đề vệ sinh bình sữa để phòng ngừa những bệnh lý lây qua đường tiêu hóa, bổ sung đủ lượng nước cần thiết để hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn.
Đối với trẻ lớn bước vào thời kỳ ăn dặm, cha mẹ nên cho con ăn đúng cách theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong đó lưu ý vấn đề bổ sung đủ lượng chất xơ cần thiết từ các loại trái cây tươi, nhất là mận, táo, lê... Bên cạnh đó, cha mẹ nên tăng cường bổ sung vào chế độ ăn các loại rau màu xanh đậm (như bồ ngót, rau dền, rau đay, rau mồng tơi), vì đây là nguồn cung cấp chất xơ rất dồi dào.
Khuyến khích con trẻ vận động thường xuyên, phù hợp với lứa tuổi. Cha mẹ có thể xoa bóp vùng bụng cho trẻ để giúp tăng nhu động ruột và kích thích tiêu hóa thức ăn.
Tạo thói quen đi ngoài đúng giờ, không khí thật thoải mái khi đi vệ sinh giúp xóa bỏ ám ảnh tâm lý “sợ đi tiêu” sẽ giúp cải thiện tình trạng trẻ bị táo bón nặng hiệu quả.
Một việc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý là nếu trẻ bị táo bón nặng thường xuyên (trên 3 ngày không đi tiêu và đại tiện khó khăn, trẻ quấy khóc nhiều) thì cần đưa bé đi khám bác sĩ để chẩn đoán, điều trị phù hợp. Đồng thời, cha mẹ cần phải theo dõi chặt chẽ việc đi tiêu của con, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời, hiệu quả, tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, giúp việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.