Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Linh Chi - Phó Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Nhiễm trùng đường ruột là một trong những bệnh đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Có nhiều nguyên nhân gây nhiễm trùng đường ruột như sử dụng kháng sinh liều cao và kéo dài để điều trị các bệnh như viêm họng, viêm phổi,... hoặc do trẻ ăn uống thiếu chất, suy dinh dưỡng,... Chế độ ăn uống không đủ chất dẫn đến sụt cân, giảm khả năng miễn dịch, tổn thương niêm mạc, bị mầm bệnh xâm nhập và dẫn đến nhiễm trùng đường ruột.
1. Nhiễm trùng đường ruột là gì?
Nhiễm trùng đường ruột là một bệnh lý đường tiêu hóa rất phổ biến ở trẻ em. Biểu hiện đặc trưng của bệnh thường là dấu hiệu tiêu chảy dạng phân nước hoặc nhày, tình trạng này thường xảy ra liên tục trong khoảng vài ngày. Bệnh nhiễm trùng đường ruột lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa do ăn uống, khi ăn phải những thực phẩm hay nguồn nước có chứa vi khuẩn gây bệnh hoặc tiếp xúc với những bề mặt có chứa tác nhân gây bệnh. Các sinh vật bao gồm vi khuẩn, nấm men hoặc ký sinh trùng đều là những tác nhân dẫn đến nhiễm trùng đường ruột.
Nhiễm trùng đường ruột thường gặp ở những trẻ dưới 2 tuổi làm cho hệ tiêu hóa bị rối loạn, giảm tỷ lệ lợi khuẩn trong ruột, dẫn đến trẻ bị giảm sức đề kháng và dễ mắc các bệnh nguy hiểm như bệnh lỵ, tả, viêm đại tràng mãn tính,... Đặc biệt, nếu tình trạng nhiễm trùng đường ruột kéo dài và có biểu hiện nặng như tiêu chảy kéo dài sẽ gây suy nhược cơ thể, hôn mê và thậm chí đe dọa đến tính mạng của trẻ nếu không được điều trị bù nước và điện giải kịp thời.
2. Nhiễm khuẩn đường ruột do thiếu chất
Trẻ ăn uống thiếu chất sẽ dẫn đến chậm lớn, suy dinh dưỡng, thậm chí làm suy giảm hệ miễn dịch. Trong đó, nhiễm khuẩn và suy dinh dưỡng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Suy dinh dưỡng là nguyên nhân chính gây suy giảm miễn dịch trên toàn thế giới, trong đó năm bệnh truyền nhiễm chiếm hơn một nửa số ca tử vong ở trẻ em <5 tuổi, hầu hết nguyên nhân là do suy dinh dưỡng. Thiếu vi chất dinh dưỡng có những tác động như tăng trưởng kém, suy giảm trí tuệ, tăng tỷ lệ tử vong và dễ bị nhiễm trùng. Bởi vì vi chất dinh dưỡng có mối quan hệ với sự hình thành kháng thể và sự phát triển của hệ thống miễn dịch.
Chế độ ăn uống không đủ chất dẫn đến sụt cân, giảm khả năng miễn dịch, tổn thương niêm mạc, bị mầm bệnh xâm nhập, suy giảm khả năng tăng trưởng và phát triển ở trẻ em. Do vậy, trẻ bị thiếu chất có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường ruột hơn và cũng sẽ góp phần làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng.
Suy giảm chức năng hấp thu do nhiều lần nhiễm trùng đường ruột thường xảy ra ở những trẻ em có chế độ ăn ít. Ở những trẻ bị suy dinh dưỡng, các bệnh nhiễm trùng đường ruột thậm chí còn nghiêm trọng hơn là do tiêu chảy, mất cân bằng lợi khuẩn và hại khuẩn trong đường ruột, kém hấp thu, chán ăn, chuyển hướng các chất dinh dưỡng cho phản ứng miễn dịch và mất nitơ trong nước tiểu. Tất cả đều dẫn đến mất chất dinh dưỡng và tổn hại thêm các cơ chế bảo vệ.
Ngoài ra, tình trạng thiếu vi chất dẫn đến suy dinh dưỡng và nhiễm trùng đường ruột lặp đi lặp lại làm giảm khả năng cung cấp dinh dưỡng do kém hấp thu ở ruột, tăng nhu cầu trao đổi chất, tăng thất thoát (tiêu chảy do viêm hoặc xuất tiết) và rối loạn hấp thu, vận chuyển chất dinh dưỡng. Những tác động này còn bị ảnh hưởng bởi các tương tác giữa vật chủ - mầm bệnh - hệ vi sinh vật đường ruột mà vẫn chưa được hiểu rõ (ví dụ: tương tác niêm mạc vật chủ - mầm bệnh - thực vật hoặc cạnh tranh chất dinh dưỡng)
3. Phòng ngừa nhiễm trùng đường ruột do thiếu chất
Khi trẻ bị nhiễm trùng đường ruột thì chế độ dinh dưỡng hợp lý và các can thiệp dinh dưỡng có mục tiêu đóng vai trò quan trọng trong việc dự phòng và điều trị bệnh. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất sẽ giúp tăng cường miễn dịch, tăng cường vi khuẩn có lợi và đẩy lùi vi khuẩn có hại trong đường ruột. Một số biện pháp giúp phòng ngừa nhiễm trùng đường ruột như sau:
- Ngay sau sinh hãy cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt, bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu đời và chỉ cho trẻ ăn bổ sung khi trẻ được 6 tháng tuổi (bởi vì trẻ dưới 6 tháng tuổi chưa có đầy đủ lượng men tiêu hóa các thức ăn ngoài sữa mẹ, điều này dẫn đến rối loạn tiêu hóa và làm tổn thương đường ruột còn chưa hoàn thiện của trẻ).
- Đối với trẻ đã ngưng bú mẹ, hãy xây dựng chế độ ăn bổ sung hợp lý, mỗi bữa ăn phải đủ 4 nhóm chất bao gồm chất đạm, chất bột đường, chất béo, vitamin và chất khoáng. Khi chế biến thức ăn cho trẻ cần đảm bảo nguyên liệu tươi sạch, đun thức ăn chín kỹ và hợp vệ sinh.
- Khi pha sữa bột cho trẻ uống, cha mẹ cần chú ý pha theo đúng liều lượng và hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên vỏ của bao bì. Ngoài ra, không cho trẻ uống sữa đã pha khi để quá một giờ đồng hồ. Sử dụng bình để pha sữa, núm vú giả phải được rửa, tiệt trùng sạch trước và sau khi sử dụng.
- Hãy tập cho trẻ có thói quen rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn với nước trong các thời điểm như trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Không để cho trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng ngậm. Đồng thời, thường xuyên khử khuẩn bề mặt đồ vật gia đình và đồ chơi của trẻ.
Khi trẻ có những dấu hiệu bị nhiễm trùng đường ruột, cha mẹ cần cho trẻ đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý cho trẻ dùng thuốc vì có thể làm tình trạng bệnh nặng lên, gây ra nhiều khó khăn cho quá trình chẩn đoán và điều trị.
Tóm lại, nhiễm trùng đường ruột và ăn uống thiếu chất có liên quan mật thiết với nhau. Trẻ ăn uống thiếu chất có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng đường ruột. Tình trạng nhiễm trùng đường ruột kéo dài và có biểu hiện nặng như tiêu chảy kéo dài sẽ gây suy nhược cơ thể, hôn mê và thậm chí đe dọa đến tính mạng của trẻ. Do vậy, để phòng ngừa bệnh hiệu quả hãy xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ. Khi trẻ bị nhiễm trùng đường ruột, nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh để được thăm khám, chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị thích hợp, đồng thời tránh nguy cơ lây lan cho người khác.