Bài viết được viết bởi bác sĩ Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Ngạt mũi là tình trạng phổ biến ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất là trẻ nhỏ. Có rất nhiều nguyên nhân và cũng có nhiều cách xử lý tùy theo từng trường hợp. Thay vì dùng thuốc, cha mẹ có thể áp dụng các cách chữa nghẹt mũi đơn giản cho trẻ tại nhà.
1.Những nguyên nhân khiến trẻ bị ngạt mũi
- Cảm lạnh: Nguyên nhân phổ biến nhất gây ngạt mũi ở trẻ là do cảm lạnh. Thời tiết thay đổi thất thường sẽ khiến bé dễ bị cảm lạnh gây ngạt mũi. Ngoài ra, trẻ còn gặp phải các triệu chứng khác như sốt nhẹ, ho, chảy nước mắt và hắt hơi.
- Trẻ bị cúm: Bé bị sổ mũi, nghẹt mũi có thể do cúm gây ra với những biểu hiện kèm theo là mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, chóng mặt và chán ăn.
- Do dị ứng: Một số trẻ thường rất mẫn cảm với môi trường xung quanh. Bé có thể dị ứng với thời tiết, phấn hoa, khói bụi... và triệu chứng kèm theo lúc này là hắt hơi, ngứa mũi và bị đỏ mắt.
- Dị vật trong mũi: Một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị ngạt mũi là do trong lúc chơi trẻ vô tình hay cố ý cho món đồ chơi lọt vào mũi. Tình trạng này khá nguy hiểm bởi có thể khiến trẻ không thở được, cha mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ nhanh chóng để được xử lý kịp thời.
2.Cách trị ngạt mũi ở trẻ an toàn tại nhà
- Sử dụng nước muối sinh lý
Nước muối giúp làm loãng chất nhầy mũi, có thể giúp trẻ thông ống mũi tạm thời, từ đó giảm khó chịu. Trong nước muối sinh lý cũng không chứa bất kỳ hóa chất nào nên rất an toàn khi dùng cho trẻ.
Nếu sử dụng thuốc nhỏ, dùng 2 giọt vào mỗi mũi, sau đó sử dụng bóng hút mũi hoặc máy hút mũi để rút nước mũi và chất nhầy ra ngoài. Tuy nhiên, cần nhớ rằng việc hút mũi cần được làm cẩn thận vì có thể gây tổn thương niêm mạc mũi của trẻ.
Việc xịt hoặc nhỏ nước muối sinh lý có thể sẽ làm bé khó chịu, do đó, cha mẹ chỉ nên áp dụng khi cần và nên sử dụng trước khi cho trẻ ăn để trẻ được tiếp xúc và quen dần, việc này sẽ giúp dễ thực hiện hơn ở những lần sau.
Trong những trường hợp trẻ ngạt mũi kéo dài, khó thở, khò khè nhiều... thì cha mẹ nên đưa bé đi gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn các biện pháp điều trị an toàn, hiệu quả hơn.
3.Cách phòng tránh tình trạng nghẹt mũi ở trẻ
- Chú trọng tăng sức đề kháng, hệ miễn dịch của trẻ bằng cách cho trẻ ăn và ngủ đúng giờ
- Giữ gìn không gian xung quanh bé trong lành, sạch sẽ, đặc biệt là những khu vực bé chơi hay sinh hoạt nhiều. Hạn chế tiếp xúc với người đang mắc bệnh cảm cúm.
- Vệ sinh cho bé thường xuyên sẽ giúp làm giảm lây nhiễm các vi khuẩn có hại cho bé và giúp cải thiện tình trạng trẻ bị nghẹt mũi thở khò khè.
4.Một số lưu ý cha mẹ cần nhớ
- Không dùng miệng để hút chất nhầy hoặc nước mũi của trẻ.
- Không tự ý cho trẻ dùng kháng sinh khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
- Không áp dụng các mẹo dân gian khi chưa hiểu rõ hoặc không có sự kiểm chứng từ y học.
- Không nên kiêng tắm cho trẻ vì có thể khiến vi khuẩn phát triển nhiều hơn.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.
Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.