Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Trẻ 7 tháng tuổi đã có thể cho ăn dặm, tuy nhiên vẫn phải duy trì cho trẻ bú sữa mẹ. Khi 7 tháng tuổi, trẻ cần đạt cân nặng từ 6,8 – 8,7kg và cao từ 65 – 70cm (đối với bé gái), và từ 7,5 – 9,3kg, cao từ 67 – 71,5cm (đối với bé trai).
1. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 7 tháng ăn dặm
Sữa mẹ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trẻ từ 6 tháng tuổi đã có thể cho ăn dặm để làm quen với việc ăn uống cũng như các loại thực phẩm bổ sung nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện hơn.
1.1 Dinh dưỡng cần thiết cho trẻ 7 tháng ăn dặm
Bước qua cột mốc 7 tháng tuổi, chế độ ăn dặm cho trẻ thay đổi từ 1 thành 2 bữa ăn trong ngày. Chế độ dinh dưỡng cần thiết cho trẻ 7 tháng ăn dặm cần đảm bảo các nhóm chất sau:
- Tinh bột: Cần cung cấp cho trẻ từ 50 - 80g tinh bột (chủ yếu đến từ gạo) mỗi ngày. Tuy nhiên, mẹ cũng có thể cho trẻ ăn theo nhu cầu của trẻ, tức là trẻ có thể sẽ ăn nhiều hơn.
- Đạm: Khi trẻ được 7 tháng tuổi, nhóm thực phẩm cung cấp đạm (hay còn gọi là protein) cho trẻ cần được phong phú hơn. Cần cung cấp cho trẻ dưỡng chất đạm đến từ thịt, cá (nên chọn cá sông, cá đồng, khoảng từ 10 - 15g), thịt gà (ức gà), trứng (lòng đỏ trứng), đậu phụ (khoảng 30 - 40g) và các chế phẩm từ sữa (50 - 70g). Ngoài ra, cần kết hợp đa dạng các loại thực phẩm, tuy nhiên cần ước lượng thành phần dinh dưỡng giữa các nhóm chất phù hợp.
Vitamin và khoáng chất: Để bổ sung nhóm chất xơ và các loại vitamin khoáng chất, cần cung cấp cho trẻ từ 20 - 30g rau củ quả mỗi ngày.
1.2 Trẻ 7 tháng ăn được những gì?
Khi chế biến thực phẩm cho trẻ 7 tháng ăn dặm mẹ cần đảm bảo sự cân bằng giữa 3 nhóm dưỡng chất là đạm, tinh bột và vitamin. Từ 7 tháng tuổi, trẻ đã có thể ăn được những loại thực phẩm chế biến như sau:
- Tinh bột: Cháo, súp bánh mì, bột, mì nấu mềm, các loại ngũ cốc như đậu xanh, ...
- Đạm: Cá thịt trắng, ức gà băm nhuyễn, lòng đỏ trứng nấu chín, đậu phụ ...
- Vitamin và khoáng chất: Rau cải ngọt băm nhuyễn, cà rốt nghiền nhuyễn, chuối nghiền, bí đỏ nghiền, đu đủ, nước cam, ...
1.3 Lịch cho trẻ 7 tháng ăn dặm tham khảo
Mẹ có thể tham khảo lịch sinh hoạt dưới đây:
- 5 - 6 giờ: Thức dậy, bú mẹ hoặc uống sữa.
- 8 - 9 giờ: Ăn dặm
- 10 giờ: Bú mẹ và ngủ
- 11 giờ: Thức dậy
- 13 giờ: Bú mẹ và ngủ trưa
- 15 giờ: Thức dậy, bú mẹ
- 17 giờ: Ăn dặm
- 20 giờ: Bú mẹ rồi ngủ
1.4 Những lưu ý khi cho trẻ 7 tháng ăn dặm
Cho trẻ 7 tháng ăn dặm mẹ cần lưu ý những thông tin sau:
- Nên tập cho trẻ ăn dặm vào một giờ cố định để giúp trẻ xây dựng đồng hồ sinh học đối với việc ăn, khi đói trẻ sẽ ăn ngon hơn và ăn được nhiều hơn.
- Hai bữa ăn dặm của trẻ nên cách nhau ít nhất 4 giờ.
- Tránh ép trẻ ăn vì có thể gây biếng ăn tâm lý ở trẻ.
- Cần thường xuyên thay đổi thực đơn, các món ăn và cách chế biến để tăng thêm khẩu vị, giúp trẻ đỡ ngán. Trong chế biến đừng quên nhóm chất béo cho trẻ.
- Sau khi cho trẻ ăn trứng, mẹ cần quan sát và theo dõi xem trẻ có bị dị ứng với trứng hoặc gặp bất thường nào không.
- Nếu trẻ 7 tháng ăn dặm bị táo bón, mẹ có thể bổ sung rau củ và cho trẻ ăn thêm hoặc uống nước trái cây để tăng cường chất xơ.
- Cần duy trì bú mẹ và đảm bảo lượng sữa tối thiểu từ 600 - 800ml/ngày cho trẻ.
- Tận dụng hương vị tự nhiên và màu sắc của thực phẩm để giúp trẻ cảm nhận mùi vị thức ăn tốt hơn.
- Nếu mẹ muốn cho trẻ 7 tháng ăn dặm làm quen với loại thực phẩm nào thì nên cho bé nếm thử vào bữa ăn đầu tiên trong ngày với 1 lượng nhỏ (1 muỗng).
Video đề xuất
Vai trò của vitamin A đối với sức khỏe của trẻ em
2. Chăm sóc răng miệng cho trẻ 7 tháng ăn dặm
- Ở giai đoạn này trẻ đã hình thành kỹ năng nhai và nuốt. Trẻ đã có thể di chuyển lưỡi lên xuống và ra trước về sau để nghiền thức ăn trước khi nuốt. Để đảm bảo và chăm sóc răng miệng cho trẻ, mẹ cần chú ý đến độ mềm của thức ăn khi chế biến, thức ăn nên có độ mềm vừa phải như đậu hũ để trẻ có thể dễ dàng sử dụng lưỡi và vòm họng nghiền thức ăn.
- Khi đút, bón cho trẻ, mẹ nên đút từ từ và quan sát xem trẻ đã nuốt chưa. Tránh đút quá nhanh sẽ tạo cho trẻ thói quen nuốt mà không nhai, trẻ cũng sẽ không cảm nhận được mùi vị của thức ăn.
- Trong lúc cho trẻ 7 tháng ăn dặm, mẹ cần theo dõi trẻ có nhai không, đồng thời trò chuyện với trẻ, tạo không khí vui vẻ cho bữa ăn, kích thích trẻ ăn để cảm nhận mùi vị thức ăn.
- Đặc biệt, tránh cho trẻ ăn thức ăn quá cứng vì trẻ chưa thể sử dụng lưỡi nhuần nhuyễn để nghiền thức ăn nên có thể trẻ sẽ nhè ra hoặc nuốt cả miếng. Điều này vừa nguy hiểm vì có thể khiến trẻ bị hóc, nghẹn, vừa không tốt cho răng miệng cũng như thói quen ăn uống sau này của trẻ.
- Trẻ 7 tháng ăn dặm cần được giữ gìn vệ sinh răng miệng đúng cách. Sau khi kết thúc mỗi bữa ăn, mẹ có thể đút cho trẻ một ít nước để giúp trẻ làm sạch răng miệng. Mẹ cũng có thể tập cho trẻ uống nước bằng ly để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển khung răng của trẻ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên áp dụng một số phương pháp thay đổi thói quen lẫn cải thiện dinh dưỡng để hỗ trợ hệ răng của con phát triển tốt hơn.
Bên cạnh đó, cha mẹ còn cần bổ sung cho con các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen,vitamin B1, ... để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Việc bổ sung các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong