Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Trẻ em thường lớn dần theo một trình tự tự nhiên, dù mỗi đứa trẻ lớn lên và đạt được các kỹ năng theo tốc độ của riêng mình,nhưng tại giai đoạn 18 tháng tuổi, trẻ sẽ đạt được một số cột mốc nhất định. Cha mẹ cần biết các mốc phát triển cần đạt để theo dõi và chăm sóc cho trẻ 18 tháng tuổi một cách toàn diện trên các lĩnh vực.
1. Các mốc phát triển thể chất, vận động ở trẻ em 18 tháng tuổi
Những cột mốc này là sự phát triển thể chất, kỹ năng vận động và khả năng cơ bắp nói chung cần đạt được của các bé trong năm phát triển thứ hai:
- Cân nặng và chiều cao: Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cân nặng trung bình của một đứa trẻ 18 tháng tuổi là 10,5kg đối với bé gái và 11kg đối với bé trai. Chiều cao trung bình của trẻ 18 tháng tuổi là 80,8cm đối với bé gái và 82,3cm đối với bé trai.
- Tự đi một mình mà không cần sự hỗ trợ: Trẻ sẽ buông tay người lớn, không cần phải hỗ trợ nhưng vẫn có thể đi một mình một cách chính xác. Để được như vậy, trẻ vừa phải đạt được sự phát triển nhất định về cơ bắp cũng như sự giữ cân bằng cơ thể tốt.
- Kéo đồ chơi trong khi đi: Trẻ 18 tháng tuổi không chỉ tự đi mà còn biết kéo theo đồ chơi có dây phía sau, chẳng hạn như một chiếc xe đồ chơi trong khi đi, hay vừa đi vừa đẩy một vật lên phía trước.
- Có thể bò và đi lên cầu thang từng bước với sự hỗ trợ: Một số trẻ 18 tháng tuổi dù vừa mới biết đi nhưng đã có thể bò và đi lên cầu thang từng bước với sự hỗ trợ. Nếu không có trợ giúp, trẻ vẫn tìm được cách leo lên theo từng đợt ngắn và với tốc độ chậm hơn. Khi đi xuống cầu thang, trẻ cũng có thể tự đi bằng cách sử dụng giá đỡ của tay vịn. Nếu cơ bắp chân càng mạnh sẽ có thể càng tạo điều kiện đạt được cột mốc này.
- Chơi ném bóng: Dù mục tiêu có thể không chính xác, trẻ có thể biết cách ném bóng hướng về phía trước. Cơ bắp tay và sức mạnh của hai vai sẽ giúp trẻ sớm thực hiện được hành động này.
- Tự cởi quần áo: Trẻ 18 tháng tuổi đã có thể tự mặc quần áo hoặc tự cởi quần áo mà không cần sự trợ giúp từ người lớn.
- Biết cách dùng đồ uống từ cốc và ăn bằng thìa: Trẻ 18 tháng tuổi có thể biết dùng một cái cốc, chai để uống, biết mở nắp nếu có nắp đậy. Hơn nữa, trẻ cũng có thể cầm một cái thìa đúng cách và đưa thức ăn vào miệng một cách chính xác.
- Mọc răng với ít nhất mười răng sữa: Mười răng sữa là bao gồm 4 răng cửa giữa dưới và trên, 4 răng cửa bên dưới và trên và 2 răng hàm dưới đầu tiên. Một số bé thậm chí đã có thể có thêm răng hàm trên khi đạt 18 tháng nên tổng số răng sẽ là 12.
2. Các mốc phát triển nhận thức ở trẻ em 18 tháng tuổi
Sau đây là những cột mốc quan trọng về khả năng nhận thức, phát triển trí não và khả năng tư duy của trẻ 18 tháng tuổi.
- Ghi nhớ mục đích sử dụng của một số vật dụng: Tại giai đoạn này, các bé đã hiểu được các chức năng của một số vật dụng thông thường trong gia đình. Chẳng hạn, trẻ biết rằng một chiếc điện thoại là để nói chuyện. Khi đưa cho trẻ một cái thìa trong khi ăn, trẻ sẽ biết rằng nó được sử dụng để tự múc ăn.
- Ghép cặp đồ vật: Trẻ đã nhận biết được những vật giống hệt nhau sẽ được đặt cùng nhau, ví dụ trẻ biết chọn mang giày, đi tất theo cặp.
- Biết làm theo các câu lệnh: Khi được yêu cầu “ngồi xuống” hay “đứng lên”, em bé sẽ biết ngồi xuống hoặc đứng dậy. Nếu trẻ chưa hợp tác và được chỉ dẫn, trẻ sẽ biết cách thực hiện lặp lại.
- Biết tên của các đồ vật hoặc các bộ phận của cơ thể: Khi được yêu cầu chỉ vào mũi, miệng, tay, chân..., trẻ sẽ chỉ chính xác vào các bộ phận trên cơ thể. Nếu được chỉ dạy và luyện tập hằng ngày, vốn từ vựng của trẻ sẽ phát triển rất nhanh trong giai đoạn này.
- Có thể bắt chước những hành động phức tạp: Một đứa trẻ 18 tháng tuổi sẽ bắt chước nhặt rau nếu chúng thấy mẹ nấu ăn hoặc giả vờ cạo râu khi nhìn thấy bố cạo râu. Em bé đã biết cách quan sát chi tiết các hành động của người lớn và bắt chước chúng thường xuyên trong ngày.
- Chỉ vào thứ mà trẻ muốn: Nếu trẻ muốn người lớn lấy đồ chơi của trẻ từ kệ thì trẻ đã biết cách chỉ về phía đồ chơi. Hơn nữa, trẻ cũng biết rằng chỉ vào một cái gì đó cho thấy một sự quan tâm rõ ràng và yêu cầu được trợ giúp.
- Biết vẽ những nét vẽ nguệch ngoạc đầu tiên bằng bút chì: Những nét vẽ nguệch ngoạc đầu tiên trên giấy ở trẻ 18 tháng tuổi cho thấy trẻ đang chứng tỏ mình biết cách sử dụng đúng mục đích khi được đưa bút chì. Dù trẻ chưa thể tạo ra những bức vẽ có ý nghĩa nhưng những nét vẽ nguệch ngoạc được tạo ra một cách khá hăng hái và tích cực trên giấy, thậm chí là nền nhà, tường nhà.
- Chơi đóng vai: Trẻ đã biết cách thể hiện sự thích thú với đồ chơi và chơi giả vờ. Trẻ nhặt một con thú nhồi bông, búp bê và biết cách vuốt ve nó một cách cẩn thận hoặc giả vờ nói chuyện với nó, cho nó ăn. Hình thức chơi giả vờ này tạo điều kiện cho trẻ phát triển khả năng giàu trí tưởng tượng sau này trong cuộc sống.
Trắc nghiệm: Sự phát triển tinh thần, vận động của bé thế nào là đúng chuẩn?
Khi nào bé biết nói, biết hóng chuyện hay biết cầm cốc là "đúng chuẩn"? Điểm xem bạn biết được bao nhiêu mốc phát triển tinh thần, vận động "đúng chuẩn" của bé nhé!Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)
3. Các cột mốc phát triển xã hội và cảm xúc ở trẻ em 18 tháng tuổi
Sau đây là những cột mốc quan trọng về các kỹ năng xã hội, tính tình, cảm xúc và khả năng sử dụng ngôn ngữ ở trẻ em 18 tháng tuổi:
- Biết cách đáp lại lời chào: Ban đầu, khi nhận được một số lời chào từ cha mẹ hoặc người chăm sóc, trẻ có thể im lặng, không trả lời. Khi được 18 tháng tuổi, trẻ đã có thể không chỉ đáp ứng lại mà còn biết cách chào hỏi một cách nhiệt tình với người thân quen.
- Biết cười khi cần thiết: Trẻ đã biết cách cười để tỏ vẻ khoái chí hay để đáp lại tiếng cười của người đối diện. Thậm chí, trẻ đã nhận thức được rằng nụ cười có thể là cần thiết tạo sự gắn kết xã hội và trẻ 18 tháng tuổi sẽ thực hành cười thường xuyên.
- Biết thể hiện cảm xúc tiêu cực theo mục đích: Khi không được quan tâm hay chiều chuộng đúng ý, trẻ biết giả vờ khóc, nóng giận cho đến khi đạt mục đích. Do đó, cha mẹ hay người chăm sóc cần dạy bảo trẻ một cách vừa yêu thương, vừa cứng rắn ngay từ giai đoạn này.
- Lo lắng với người lạ: Khi xung quanh xuất hiện khuôn mặt mới, trẻ sẽ tỏ vẻ hơi lo lắng và cảnh giác với sự hiện diện của họ. Nếu người lạ cố đến gần hoặc chạm vào, bé có thể bắt đầu khóc.
- Biết bám víu vào cha mẹ trong những tình huống mới: Trẻ 18 tháng tuổi sẽ bám lấy cha mẹ khi đến một địa điểm mới, khi xung quanh không biết mặt hoặc khi không chắc chắn về những gì đang xảy ra. Điều này rõ nét nhất trong ngày đi học đầu tiên.
- Thể hiện tình cảm với những người quen thuộc: Những người gần gũi với trẻ sẽ được thưởng những cái ôm và nụ cười đáng yêu từ trẻ. Trẻ 18 tháng sẽ thể hiện sự yêu thương một cách nhiệt tình, đặc biệt là đối với những người chăm sóc chính, cha mẹ và anh chị em.
- Chơi trò chơi xã hội: Trẻ 18 tháng tuổi sẽ rất vui khi chơi đùa, chạy nhảy với những người thân như anh chị em và bạn bè cùng trang lứa
- Có thể nói một số từ đơn giản: Trẻ đã có một vốn từ vựng với khoảng 10-20 từ đơn giản giúp truyền đạt cảm xúc hoặc suy nghĩ của chúng. Một số phát âm khác là vô nghĩa nhưng trẻ đã biết cách tập nói và sử dụng chúng để yêu cầu người lớn trợ giúp một điều gì đó.
- Biết lắc đầu và gật đầu: Trẻ đã biết cách xoay đầu từ bên này sang bên kia để thể hiện rằng “không”. Tương tự như vậy, trẻ biết gật đầu để thể hiện rằng “có”.
Tóm lại, mỗi em bé là duy nhất và có thể phát triển với những tốc độ khác nhau so với các bạn cùng lứa. Tuy nhiên, các cột mốc trên đây thể hiện những điều trẻ cần đạt được khi đủ 18 tháng tuổi. Nhờ vậy, nếu trẻ em 18 tháng tuổi chưa biết nói, chưa biết đi hay chưa biết làm những việc đơn giản thì cha mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám sớm, tìm kiếm nguyên nhân trẻ chậm phát triển và kịp thời điều chỉnh.
Trẻ 18 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.