Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Trẻ 11 tháng tuổi có sự phát triển mạnh về khả năng ngôn ngữ và vận động. Trẻ đã có thể bập bẹ một số từ đơn giản, biết tự vịn đứng hoặc thậm chí chập chững đi.
1. Sự phát triển về khả năng vận động
Trẻ 11 tháng tuổi bắt đầu tập đứng thậm chí là có khả năng đứng vững và đi được vài bước.
Chúng luôn muốn tự mình khám phá thế giới xung quanh theo nhiều cách khác nhau. Khả năng phối hợp tay của trẻ cũng đã phát triển hơn rất nhiều. Trẻ có thể cầm những đồ vật nhỏ bằng tay, có thể tìm thấy các đồ vật quanh mình và lấy chúng.
Trắc nghiệm: Sự phát triển tinh thần, vận động của bé thế nào là đúng chuẩn?
Khi nào bé biết nói, biết hóng chuyện hay biết cầm cốc là "đúng chuẩn"? Điểm xem bạn biết được bao nhiêu mốc phát triển tinh thần, vận động "đúng chuẩn" của bé nhé!Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)
2. Sự phát triển về tư duy
Bé 11 tháng tuổi có não bộ phát triển, khả năng tư duy và tập trung của con cũng cao hơn. Ngoài ra, con cũng biết lắng nghe và quan sát mọi thứ đang diễn ra xung quanh mình.
Ngoài món đồ chơi, bé còn biết cách dùng những món đồ sinh hoạt hàng ngày như điều khiển tivi, cốc nước uống, thìa cơm,...
3. Phát triển ngôn ngữ
Trẻ 11 tháng tuổi có thể hiểu được những từ đơn giản. Chẳng hạn, khi bạn nói “không”, bé sẽ ngừng và rút tay lại, hoặc khi bạn nói “đưa cho mẹ”, bé sẽ đưa món đồ đó cho bạn ngay.
Mặc dù con yêu chưa nói sõi nhưng con vẫn có thể nói được những từ đơn hoặc 2 từ có âm giống nhau. Việc con có thể nói chuyện nhiều hay không còn tùy thuộc vào mỗi bé. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào ít nói cũng là chậm phát triển. Vì thế, mẹ đừng lo lắng quá nhé.
Thường những tiếng mà bé biết nói đầu tiên là tên gọi của người hoặc tên đồ vật, con vật. Nếu mẹ cảm thấy con phát âm chưa chuẩn, đừng nản lòng mà hãy giúp con đọc lại cho đúng. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên dành những lời động viên, khen ngợi để giúp con nói tốt hơn mỗi ngày!
4. Sự phát triển tình cảm
Một số trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi và căng thẳng khi có người lạ đến gần. Lúc này, mẹ nên vỗ về để bé có thể yên tâm. Bên cạnh đó, trẻ cũng biết giận hờn, buồn bã khi bạn lớn tiếng hay ép buộc con làm điều gì đó.
Ngược lại, cũng có một số bé thích trêu chọc, đùa giỡn và hay làm trò. Trẻ sẽ biết yêu quý và ghi nhớ những ai yêu quý trẻ. Bố mẹ nên dành nhiều thời gian chơi với con để giúp tăng những cảm xúc tích cực cho trẻ.
5. Cách chăm sóc trẻ 11 tháng tuổi
5.1 Chế độ dinh dưỡng
Yếu tố dinh dưỡng là điều rất quan trọng đối với sự phát triển thể chất của trẻ. Chẳng hạn, sự suy dinh dưỡng có thể làm chậm quá trình phát triển thể chất.
Nó không chỉ tác động nhiều đến mật độ xương và độ chắc khỏe của răng, kích thước các cơ quan trong cơ thể mà còn làm trì hoãn khả năng phát triển của trẻ ở tuổi dậy thì và tiền dậy thì.
Nếu được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, bé có thể bắt kịp sự phát triển mà đáng lẽ bé phải đạt được trước đó. Do đó, bạn cần cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ trong mỗi giai đoạn, đặc biệt là canxi để trẻ có thể cải thiện chiều cao.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, các yếu tố môi trường khác như: khí hậu, ô nhiễm môi trường cũng làm chậm quá trình phát triển thể chất ở trẻ.
5.2 Vận động tích cực và quá trình tập luyện thể thao
Một thực tế dễ nhận thấy ở trẻ em ngày nay là tình trạng lười vận động và hay thức khuya. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển hệ cơ xương khớp của trẻ lẫn hệ thần kinh. Đối với những trẻ thừa cân, việc tích cực vận động còn giúp con lấy có được cân nặng lý tưởng, hạn chế nhiều bệnh lý như tiểu đường, tim mạch ở trẻ. Bên cạnh đó, việc trẻ thức khuya còn khiến chất lượng giấc ngủ bị ảnh hưởng rất lớn. Một giấc ngủ sâu và đủ giúp hỗ trợ tăng cường mật độ xương và có thể phát triển chiều cao của bé.
Sự phát triển chiều cao cân nặng hay thể chất ở trẻ là điều kiện cần cho sức khỏe của con nhưng điều đó vẫn là chưa đủ. Bên cạnh phát triển thể chất chiều cao cân nặng của trẻ, bạn cũng đừng quên bồi dưỡng đời sống tinh thần và sức khỏe trí não của trẻ.
Trong những năm tháng đầu đời, hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt, chưa thể tự kháng lại được các vi khuẩn có hại gây nên những căn bệnh nguy hiểm như sởi, ho gà, uốn ván,.....Cha mẹ cần chủ động theo dõi và đưa trẻ đi tiêm theo lịch tiêm chủng đối với trẻ em dưới 1 tuổi để bảo vệ sức khỏe cũng như sự phát triển toàn diện của bé.
Bên cạnh đó, cha mẹ còn cần bổ sung cho con các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen,vitamin B1, ... để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Việc bổ sung các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.