Trào ngược ở trẻ sơ sinh: Khi nào nên gặp bác sĩ?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ân - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Chứng trào ngược ở trẻ sơ sinh thường xảy ra nhiều lần trong ngày, ngay cả đối với những em bé khỏe mạnh. Đây là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ, không nguy hiểm và sẽ giảm dần khi bé lớn hơn.

1. Chứng trào ngược ở trẻ sơ sinh

1.1. Trào ngược axit (GER)

Hiện tượng trào ngược ở trẻ em xảy ra khi thức ăn chảy ngược từ dạ dày lên thực quản, khiến bé bị trớ hoặc nôn ra. Bạn có thể yên tâm nếu như bé vẫn tăng cân và phát triển bình thường dù bị trào ngược thường xuyên. Triệu chứng phổ biến và không có nhiều nguy hiểm này gọi là trào ngược axit (GER), gây ra bởi nhiều axit dạ dày đẩy lên kích thích cổ họng hoặc thực quản của bé. Thông thường, tình trạng này không phải là dấu hiệu của các loại bệnh lý, chẳng hạn như dị ứng hay tắc nghẽn hệ thống tiêu hóa.

1.2. Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Hầu hết trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi đều bị trào ngược và sẽ tự động khỏi khi bé mới biết đi. Tuy nhiên nếu sau 18 tháng tuổi, trẻ vẫn tiếp tục bị trào ngược thì đây có thể là dấu hiệu của một căn bệnh khác nghiêm trọng hơn, đó là trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một biến chứng hiếm gặp và nguy hiểm của trào ngược axit (GER).

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những em bé thường xuyên nôn trớ có thể dễ mắc GERD hơn. Sự khác biệt giữa GER và GERD là ở mức độ nghiêm trọng và thời gian tác động lâu dài, nhưng cả hai triệu chứng đều có thể điều trị được.

2. Nguyên nhân

2.1. Cơ thể bé chưa phát triển hoàn chỉnh

Vòng cơ nằm giữa thực quản và dạ dày, hay còn gọi là cơ thắt thực quản dưới (LES), có nhiệm vụ giữ cho thức ăn luôn nằm trong dạ dày. Cơ chế hoạt động của vòng cơ này là luôn đóng chặt và chỉ mở ra khi chúng ta nuốt. Ở trẻ sơ sinh, cơ thắt thực quản dưới (LES) vẫn chưa phát triển hoàn toàn để thực hiện đầy đủ chức năng của nó. Ngoài ra, hệ thống tiêu hóa của bé vẫn còn yếu và đây chính là nguyên nhân khiến bé dễ bị trào ngược hơn.


Cơ vòng thực quản dưới LES của trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn chỉnh
Cơ vòng thực quản dưới LES của trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn chỉnh

2.2. Đặc điểm sinh hoạt

Một số yếu tố khác có thể góp phần gây ra chứng trào ngược ở trẻ sơ sinh phổ biến là:

  • Bé thường xuyên nằm ngửa
  • Chế độ dinh dưỡng chủ yếu là chất lỏng
  • Em bé sinh non.

2.3. Dấu hiệu của một số bệnh lý

Đôi khi, trào ngược ở trẻ sơ sinh có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:

  • Trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Ở những trẻ lớn hơn, nguyên nhân gây ra GERD bao gồm béo phì, ăn quá nhiều thực phẩm cay nóng hoặc nhiều dầu mỡ, uống nước ngọt có gas hoặc chứa caffeine, dùng một số loại thuốc cụ thể hoặc do yếu tố di truyền.
  • Hẹp môn vị: Môn vị là một van nằm giữa dạ dày và ruột non. Khi bị thu hẹp, nó sẽ ngăn không cho các chất có trong dạ dày vào ruột non, khiến hệ tiêu hóa gặp nhiều khó khăn khi hoạt động.
  • Chứng không dung nạp thực phẩm: Tình trạng phản ứng của cơ thể đối với những loại thức ăn nhất định, trong đó một loại protein có trong sữa bò là loại phổ biến thường gặp nhất.
  • Viêm thực quản do dị ứng: Đây là một căn bệnh hiếm gặp, còn có tên khác là viêm thực quản tăng bạch cầu eosin. Tế bào bạch cầu (eosinophil) của người bệnh tích tụ nhiều và gây tổn thương niêm mạc thực quản.

3. Khi nào nên đưa bé đến gặp bác sĩ?

Nhìn chung, trào ngược ở trẻ em không phải là một nguyên nhân khiến các bậc phụ huynh phải lo ngại. Tuy nhiên, nên cần chú ý nếu bé có những triệu chứng sau đây:

  • Tăng trưởng kém, không lên cân
  • Nôn mửa dữ dội, kèm theo co thắt cơ bụng mạnh
  • Trớ ra chất lỏng màu xanh lá cây hoặc vàng. Đôi khi là chất đặc giống như bã cà phê và có máu
  • Bé không chịu bú hoặc ăn uống
  • Có máu trong phân của bé
  • Bé khó thở hoặc ho lâu, dai dẳng
  • Bắt đầu nôn ói từ 6 tháng tuổi trở lên
  • Khó chịu, khóc quấy bất thường khi ăn hoặc ngay sau lúc ăn
  • Ợ nóng hoặc đau bụng
  • Bị chua miệng, đặc biệt là vào buổi sáng
  • Bệnh viêm phổi tái phát

Những dấu hiệu trên có thể là nguyên nhân của các căn bệnh khác nghiêm trọng hơn như trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hoặc tắc nghẽn đường tiêu hóa. Hãy đưa con bạn đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

4. Điều trị

Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn đoán trào ngược axit dựa trên các triệu chứng mà bạn mô tả và tiền sử bệnh án của bé. Đôi khi con bạn có thể cần xét nghiệm, đặc biệt là khi vấn đề này xảy ra thường xuyên và gây khó chịu.


Chăm sóc và thay đổi thói quen sinh hoạt tại nhà giúp bé giảm nôn trớ
Chăm sóc và thay đổi thói quen sinh hoạt tại nhà giúp bé giảm nôn trớ

Sau đây là một số biện pháp tham khảo mà bạn có thể thực hiện tại nhà để giúp bé giảm bớt trào ngược:

  • Nâng cao đầu giường, cũi hoặc nôi của bé khoảng 30 độ
  • Bế bé đứng 30 phút sau khi cho ăn, có thể kết hợp vỗ nhẹ lưng hỗ trợ bé ợ
  • Chú ý hạn chế các loại thực phẩm và đồ uống khiến bé dễ bị trào ngược
  • Thay đổi kích thước núm ty trên đầu bình sữa nếu nó quá lớn so với miệng bé, lỗ chảy sữa cũng không nên quá to để tránh dòng sữa mạnh
  • Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, tăng số lần cho ăn và giảm số lượng thức ăn mỗi cữ
  • Hỗ trợ bé những bài tập thể dục đơn giản
  • Ngoài ra, có thể làm đặc hơn thức ăn của bé bằng cách thêm ngũ cốc vào bình sữa. Tuy nhiên nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng phương pháp này.

Nếu chứng trào ngược trở nên nghiêm trọng hoặc không thuyên giảm, các bác sĩ có thể kê toa một vài loại thuốc thích hợp. Hầu hết các loại thuốc giúp dạ dày của con bạn tạo ra ít axit và khí hơi hơn đều an toàn. Một số tác dụng phụ, chẳng hạn như tiêu chảy có thể xảy ra nếu dùng ở liều cao. Trong trường hợp phải sử dụng thuốc ở liều cao trong thời gian dài, trẻ có nguy cơ bị loãng xương, hay được gọi là còi xương hoặc thiếu vitamin B12.

5. Biến chứng

Chứng trào ngược ở trẻ sơ sinh thường sẽ tự khỏi mà không gây ra bất kỳ vấn đề tiêu cực nào cho bé. Tuy nhiên, nếu con của bạn gặp phải tình trạng nghiêm trọng hơn như GERD, nhiều nguy cơ bé sẽ tăng trưởng kém. Đôi khi phải cần đến phẫu thuật để điều trị dứt điểm căn bệnh nếu bé còn mắc các bệnh về hô hấp hoặc viêm phổi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe