Việc xác định siêu âm trước khi sinh thấy một lớp dịch màng tim có độ dày dưới 2mm là một phát hiện bình thường. Tuy nhiên, nếu tràn dịch màng tim ở thai nhi có độ dày từ 2mm trở lên có thể liên quan đến bất thường cấu trúc tim hay các bệnh lý bẩm sinh.
1. Giới thiệu về cấu trúc và vai trò của màng ngoài tim
Màng ngoài tim là một túi xơ sợi, bao bọc xung quanh chứa tim và gốc của các mạch lớn. Lớp màng ngoài tim thực sự gồm hai lớp là lá thành (bên ngoài) và lá tạng (bên trong).
Vai trò của màng ngoài tim là ngăn chặn sự giãn nở đột ngột của tim (đặc biệt là buồng tim bên phải) và sự dịch chuyển mạnh của tim cùng các mạch máu lớn. Lớp dịch sinh lý rất mỏng trong khoang màng ngoài tim giúp giảm thiểu lực ma sát của tim với các cấu trúc xung quanh trong mỗi nhát bóp, còn lớp màng ngoài tim còn có nhiệm vụ giúp ngăn chặn sự lây lan của nhiễm trùng hoặc tế bào ung thư từ phổi và màng phổi.
2. Tràn dịch màng ngoài tim ở thai nhi là gì?
Siêu âm tim thai tìm thấy lớp dịch màng ngoài tim dưới 2 mm là phát hiện thường xuyên, gặp ở khoảng 40–50% các trường hợp thai nhi bình thường. Đặc điểm này sẽ dễ dàng phát hiện nhất khi chùm siêu âm vuông góc với thành não thất. Phát hiện này không có ý nghĩa lâm sàng và không được coi là tràn dịch màng ngoài tim.
Tràn dịch màng ngoài tim ở thai nhi được xác định khi khám siêu âm nếu thấy tim được bao bọc một phần hoặc toàn bộ bởi chất lỏng có thể nhìn thấy trong tất cả các hình chiếu, thường hiện diện quanh rãnh nhĩ thất. Đồng thời, bề dày lớp dịch phải từ trên 2 mm và vượt qua rãnh liên hợp nhĩ thất.
Nếu bề dày lớp dịch có kích thước dưới 4 mm thì được xem là tràn dịch màng tim lượng ít; ngược lại, từ trên 4 mm thì xếp loại tràn dịch màng tim lượng nhiều. Chẩn đoán phân biệt chính của tràn dịch màng ngoài tim ở thai nhi là tràn dịch màng phổi. Phát hiện này cũng thường xuyên xuất hiện trên siêu âm với biểu hiện là một lớp dịch bao quanh phổi.
3. Các nguyên nhân gây tràn dịch màng tim ở thai nhi
Tràn dịch màng tim ở thai nhi có thể được tìm thấy là một biểu hiện đơn lẻ hoặc kết hợp với các bất thường khác nhau tại tim cũng như tại các cơ quan khác. Tỷ lệ mắc bệnh là khoảng 0,64–2,00%. Chính vì vậy, khi siêu âm tim thai phát hiện thấy tràn dịch màng tim, thai nhi cần phải được thực hiện siêu âm toàn diện để loại trừ các nguyên nhân khác nhau có liên quan tình trạng tràn dịch này.
Trong hầu hết các trường hợp, tràn dịch màng tim xảy ra như một biểu hiện của hiện tượng phù bào thai, do cơ chế miễn dịch hoặc không miễn dịch. Tuy nhiên, nhận định này cần phải loại bỏ các khả năng tràn dịch màng tim ở thai nhi thứ phát sau viêm, nhiễm trùng, bệnh ác tính hoặc tự miễn dịch.
Theo đó, các bệnh lý thường gặp đi kèm với tình trạng tràn dịch màng ngoài tim ở thai nhi như sau:
- Các rối loạn nhịp tim của thai nhi;
- Dị tật tim bẩm sinh;
- U tim thai, như u quái màng ngoài tim thai nhi;
- Tăng tỷ lệ bất thường nhiễm sắc thể, như tam nhiễm sắc thứ 21;
- Nhiễm trùng bào thai;
- Nhiễm siêu vi parvovirus, CMV, HIV
4. Các cách xử trí khi phát hiện tràn dịch màng ngoài tim ở thai nhi
Khi phát hiện thấy tràn dịch màng ngoài tim ở thai nhi, bác sĩ sẽ cần phải đánh giá siêu âm đầy đủ của thai nhi và xét nghiệm máu mẹ để xác định sự hiện diện của các nhóm kháng thể bất thường. Điều này được tiến hành không xâm lấn thông qua lấy máu tĩnh mạch của mẹ. Tuy nhiên, trong các trường hợp nghi ngờ khả năng bất thường cao, chỉ định chọc ối để lấy mẫu và lấy mẫu máu cuống rốn cần được đặt ra. Nếu không tìm thấy nguyên nhân nào, tràn dịch màng ngoài tim ở thai nhi được xem như là chỉ thoáng qua và vô căn. Các trường hợp này có tiên lượng tốt và gần 45% trường hợp sẽ tự khỏi khi trẻ chào đời.
Đối với các trường hợp suy tim cung lượng cao thứ phát do thiếu máu thai nhi, loạn nhịp tim hoặc bệnh tim bẩm sinh, sản phụ và thai nhi nên thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu để chẩn đoán phân biệt. Trong những trường hợp thai nhi bị thiếu máu, tràn dịch màng ngoài tim là dấu hiệu sớm của chứng phù thai, cần được điều trị sớm để hạn chế nguy cơ thai lưu.
Trong trường hợp u quái ở tim, tràn dịch màng ngoài tim có thể là do khối u bị kích thích lên các lớp màng ngoài tim và vỡ các vùng nang trong màng ngoài tim do tính chất đa nang của u màng ngoài tim. Hơn nữa, khối u có thể gây tắc nghẽn cơ học đối với sự hồi lưu của tĩnh mạch và ống ngực, cản trở sự dẫn lưu bạch huyết, dẫn đến sự tiến triển của tràn dịch màng tim, màng phổi, cổ trướng và toàn thân thai nhi. Chèn ép thực quản có thể gây ra chứng đa ối. Lúc này, tràn dịch màng ngoài tim và hiệu ứng choán chỗ là nguyên nhân gây chèn ép tim thai nhi.
Tuy nhiên, tràn dịch màng ngoài tim ở thai nhi là hiếm khi kết hợp với các trường hợp u ác tính. Một số trường hợp u cơ vân tim với tràn dịch màng ngoài tim đã được mô tả trong y văn do khối lượng cơ phát triển nhanh chóng và khởi phát các dạng rối loạn nhịp tim. Có một số ít trường hợp tràn dịch màng tim ở thai nhi có liên quan đến u xơ và u máu ở tim. Một số ít các trường hợp tràn dịch màng ngoài tim liên quan đến túi thừa tim, cơ chế được cho là do sự cọ xát của lưới túi với thành màng ngoài tim.
Tóm lại, tràn dịch màng ngoài tim ở thai nhi xảy ra khi có sự tích tụ dịch quá mức trong khoang màng tim của thai nhi còn trong buồng tử cung. Để được xem là bất thường, độ dày dịch màng ngoài tim phải lớn hơn 2 mm. Các trường hợp này cần được thực hiện thêm các khảo sát chuyên sâu để tìm nguyên nhân và xử trí kịp thời, đảm bảo một thai kỳ an toàn. Nếu không phát hiện bất thường, tràn dịch màng tim ở thai nhi có thể may mắn được xem là vô căn và tự thuyên giảm đến khi trẻ được sinh ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.