Trà lá mâm xôi đỏ là loại thực phẩm tốt cho phụ nữ mang thai. Có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy chúng có tác dụng làm rút ngắn thời gian chuyển dạ và biến chứng sản khoa. Ngoài ra, trà lá mâm xôi đỏ còn là thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất.
1. Lá mâm xôi đỏ - Nguồn cung cấp chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa
Lá cây mâm xôi đỏ rất giàu vitamin và khoáng chất. Nó là nguồn cung cấp vitamin B, vitamin C và một số khoáng chất như kali, magie, kẽm, photpho và sắt. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là đặc tính chống oxy hóa.
Lá mâm xôi đỏ có chứa polyphenol như tannin và flavonoid, hoạt động như các chất chống oxy hóa, giúp hạn chế nguy cơ tổn thương các tế bào lành mạnh trong cơ thể. Ngoài ra, lá mâm xôi đỏ còn chứa một lượng nhỏ axit ellagic, được chứng minh là có tác dụng trung hòa các chất gây ung thư và thậm chí là góp phần làm các tế bào ung thư tự hủy. Bằng chứng về khả năng chống ung thư của lá mâm xôi đỏ vẫn cần được nghiên cứu thêm nhưng kết quả hiện tại là khả quan. Trà lá mâm xôi đỏ có các thành phần lành mạnh đối với sức khỏe.
2. Trà mâm xôi đỏ đặc biệt có lợi cho phụ nữ
Trà lá mâm xôi đỏ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho phụ nữ nói chung, đặc biệt là bà bầu. Trên thực tế, nó thường được cho là loại thảo dược giúp bảo vệ sức khỏe của người phụ nữ.
Một số nghiên cứu ủng hộ các bằng chứng mà phụ nữ truyền miệng với nhau, nói rằng lá cây mâm xôi giúp giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt (PMS) như co cứng bụng, nôn, buồn nôn và tiêu chảy.
Lá mâm xôi đỏ có chứa fragarine, một hợp chất thực vật giúp làm săn chắc các cơ vùng xương chậu, có thể làm giảm các cơn co thắt xảy ra trong thời kỳ kinh nguyệt gây ra bởi co thắt các cơ này. Hơn nữa, 28 gram lá mâm xôi đỏ có chứa 3,3 mg sắt, chiếm 18% lượng sắt được khuyến cáo sử dụng hàng ngày cho phụ nữ độ tuổi 19 - 50. Bổ sung đủ chất sắt có thể giúp chống lại bệnh thiếu máu thường gặp ở phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt kéo dài.
3. Trà lá mâm xôi đỏ sử dụng trong thai kỳ
Trà thảo dược từ lâu đã được sử dụng bởi các nữ hộ sinh nhằm khắc phục một số triệu chứng gây ảnh hưởng không tốt đến quá trình mang thai và chuyển dạ.
Một nghiên cứu đã đánh giá việc sử dụng các phương thuốc thảo dược ở 600 phụ nữ mang thai. Kết quả cho thấy có 52% phụ nữ thường xuyên sử dụng một số loại thảo dược và 63% phụ nữ đã uống trà lá mâm xôi đỏ.
Mặc dù, trà lá mâm xôi đỏ thường được khuyên dùng cho tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, nhưng một số phụ nữ vẫn sử dụng nó như một loại trà thảo dược giúp giảm các triệu chứng buồn nôn và nôn trong ba tháng đầu thai kỳ.
Trà lá mâm xôi đỏ cũng được sử dụng để tăng độ vững chắc của tử cung, giúp quá trình chuyển dạ diễn ra an toàn, ít đau đớn và ngăn ngừa chảy máu nhiều sau sinh.
3.1. Rút ngắn thời gian chuyển dạ
Trà lá mâm xôi đỏ giúp rút ngắn thời gian chuyển dạ. Hợp chất fragarine có trong lá mâm xôi đỏ có tác dụng làm săn chắc các cơ ở vùng xương chậu, bao gồm cả thành tử cung, giúp việc sinh nở trở nên dễ dàng hơn.
Nghiên cứu trên 108 phụ nữ cho thấy những người uống trà lá mâm xôi đỏ có thời gian chuyển dạ ngắn hơn trong giai đoạn đầu. Nghiên cứu được lặp lại một năm sau đó trên 192 phụ nữ cho thấy trà lá mâm xôi đỏ không rút ngắn giai đoạn chuyển dạ đầu tiên mà rút ngắn giai đoạn thứ hai trung bình 9,59 phút.
3.2. Giảm các can thiệp và biến chứng sản khoa
Một số bằng chứng cho thấy rằng uống trà lá mâm xôi đỏ giúp hạn chế các biến chứng trong quá trình sinh con. Một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ uống trà lá mâm xôi đỏ trong khi mang thai đã giảm sử dụng kẹp sản khoa và các biện pháp can thiệp khác, cũng như giảm các biến chứng xảy ra trước và sau sinh.
Tương tự, một nghiên cứu khác cho thấy giảm 11% số lần sử dụng kẹp trong khi sinh đối với những phụ nữ uống trà lá mâm xôi đỏ trong 8 tuần cuối của thai kỳ.
Hiệp hội Thai Sản Hoa Kỳ cũng tuyên bố rằng uống trà có thể làm giảm nhu cầu can thiệp trong khi sinh. Thời gian chuyển dạ nhanh hơn cũng làm giảm lượng máu chảy sau sinh.
4. Tác dụng phụ và hàm lượng uống trà lá mâm xôi đỏ
Trà lá mâm xôi đỏ gần như an toàn với tất cả mọi người. Một số tác dụng có thể xảy ra nhưng với tính chất nhẹ, ít ảnh hưởng đến sức khỏe. Loại trà thảo dược này có đặc tính nhuận tràng nên có thể gây tiêu chảy ở một số người. Nó cũng có thể có tác dụng lợi tiểu, tăng số lần đi tiểu. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử uống trà.
Đối với phụ nữ mang thai, thời điểm thích hợp nhất để bắt đầu uống trà lá mâm xôi đỏ là lúc thai 32 tuần. Hàm lượng dùng khoảng 2,4mg/ngày tương đương với 3 cốc trà/ngày là phù hợp. Ở giai đoạn mang thai sớm hơn 32 tuần, bạn nên hạn chế uống trà ở mức 1 cốc/ngày.
Nếu trong thời gian uống trà có xuất hiện các cơn gò Braxton Hicks hoặc rỉ máu trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba, bạn nên ngừng sử dụng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com