Tổng quan về các phương pháp cấy ghép giác mạc

Bài viết được tư vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Bích Nhĩ - Bác sĩ Chuyên khoa Mắt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Để giảm tỷ lệ mù lòa do các bệnh lý giác mạc, phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp điều trị hữu hiệu được nhiều người lựa chọn. Có nhiều phương pháp cấy ghép giác mạc khác nhau, được chỉ định cho từng trường hợp bệnh nhân cụ thể.

1. Giác mạc là gì? Vì sao phải phẫu thuật ghép giác mạc?

Giác mạc nằm phía trước nhãn cầu, cho phép ánh sáng đi qua, giúp tế bào thị giác nằm ở võng mạc nhận biết được hình ảnh. Từ đó, hình ảnh được truyền lên não, cho phép con người nhận thức được vật thể xung quanh.

Có nhiều bệnh lý ở giác mạc như giác mạc hình nón, loạn dưỡng giác mạc, nhiễm trùng mắt hoặc chấn thương khiến giác mạc bị sẹo, sưng, viêm, loét,... khiến ánh sáng không thể xuyên qua, dẫn tới suy giảm thị lực. Nếu giác mạc bị tổn thương quá nặng thì phương pháp điều trị tối ưu chính là thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc.

Phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp thực hiện thay thế một phần hoặc toàn bộ chiều dày của giác mạc bị mờ đục bằng giác mạc lành, từ đó mang lại độ trong suốt của giác mạc, giúp tăng thị lực cho mắt bị bệnh. Phẫu thuật được chỉ định cho bệnh nhân bị đục giác mạc nhưng mắt vẫn còn nhận biết được ánh sáng. Sự thành công của phẫu thuật phụ thuộc vào các yếu tố như loại bệnh lý giác mạc, tiên lượng trước phẫu thuật, tuổi tác bệnh nhân, các bệnh lý đi kèm (khô mắt, bệnh glocom, tăng huyết áp, đái tháo đường,...) chỉ định kỹ thuật ghép phù hợp, theo dõi và chăm sóc sau phẫu thuật.

Các chỉ định phẫu thuật ghép giác mạc phụ thuộc vào bệnh lý của giác mạc như:

  • Ghép giác mạc với mục đích quang học;
  • Ghép giác mạc điều trị các bệnh lý của giác mạc như viêm loét giác mạc, bỏng, thủng giác mạc;
  • Ghép giác mạc tăng thẩm mỹ chỉ định để thay thế sẹo trắng của giác mạc, giúp mắt đẹp hơn ở những mắt đã bị mất chức năng.

Phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp thực hiện thay thế một phần hoặc toàn bộ chiều dày của giác mạc bị mờ đục bằng giác mạc lành
Phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp thực hiện thay thế một phần hoặc toàn bộ chiều dày của giác mạc bị mờ đục bằng giác mạc lành

2. Các phương pháp cấy ghép giác mạc

2.1 Cấy ghép giác mạc toàn phần

Nếu cả 2 lớp mặt trước và bên trong giác mạc bị hư hỏng thì cần thay thế toàn bộ giác mạc. Đây là phương pháp cấy ghép giác mạc toàn phần (còn gọi là ghép giác mạc toàn bộ chiều dày hoặc ghép giác mạc xuyên). Giác mạc bị tổn thương sẽ được gỡ bỏ, sau đó giác mạc của người hiến tặng sẽ được thay thế vào đúng vị trí của giác mạc.

Phẫu thuật cấy ghép giác mạc toàn phần có thời gian hồi phục dài hơn so với các phương pháp ghép giác mạc khác. Thời gian phục hồi hoàn toàn cho bệnh nhân vào khoảng 1 năm sau phẫu thuật. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn rủi ro là hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tấn công giác mạc cấy ghép nên cần phải tìm giác mạc phù hợp với bệnh nhân.

2.2 Ghép giác mạc lớp

Phẫu thuật ghép giác mạc lớp được thực hiện khi giác mạc bị bệnh ở lớp trước (lớp nhu mô) hoặc lớp sau (lớp tế bào nội mô). Phương pháp này thay thế một phần của chiều dày giác mạc nên việc phục hồi thị lực sẽ nhanh hơn, thời gian theo dõi ngắn hơn và tỷ lệ thải loại mảnh ghép thấp hơn so với ghép giác mạc toàn phần.

3. Lưu ý khi thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc


Trước khi thực hiện phẫu thuật, người bệnh sẽ được chỉ định khám mắt toàn diện và đánh giá các bệnh lý phối hợp
Trước khi thực hiện phẫu thuật, người bệnh sẽ được chỉ định khám mắt toàn diện và đánh giá các bệnh lý phối hợp

3.1 Trước khi phẫu thuật cấy ghép giác mạc

  • Khám mắt toàn diện và đánh giá các bệnh lý phối hợp;
  • Bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân về lý do cần thực hiện phẫu thuật, hiệu quả mong muốn và những lưu ý sau phẫu thuật. Nếu bệnh nhân đang có bệnh lý ở mắt như viêm, nhiễm trùng thì cần điều trị ổn định rồi mới phẫu thuật;
  • Bác sĩ chuẩn bị sẵn giác mạc đã được hiến tặng;
  • Bệnh nhân thông báo cho bác sĩ về những loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ xác định nên dừng hoặc tiếp tục sử dụng sử dụng thuốc đó;
  • Bệnh nhân được xét nghiệm sức khỏe tổng quát để xác định có đủ sức khỏe cho cuộc phẫu thuật hay không;
  • Vệ sinh thân thể, đặc biệt ở vùng đầu - mặt - cổ. Nên gội đầu, rửa mặt sạch, không trang điểm.

3.2 Trong khi phẫu thuật cấy ghép giác mạc

  • Bác sĩ sử dụng thuốc nhỏ mắt chuyên dụng để làm sạch mắt cho bệnh nhân;
  • Bác sĩ gây mê toàn thân hoặc gây tê cục bộ để bệnh nhân không cảm thấy đau;
  • Bệnh nhân cần nằm yên, thư giãn, thở nhẹ nhàng, giữ đầu cố định, không ho, không nín thở;
  • Mắt bệnh nhân được đặt vào một thiết bị, giúp mắt mở to;
  • Bác sĩ thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc cho bệnh nhân.

3.3 Sau khi phẫu thuật cấy ghép giác mạc

Một ngày sau khi phẫu thuật ghép giác mạc, người bệnh cần quay trở lại bệnh viện để kiểm tra mắt. Tùy thuộc vào tốc độ hồi phục, sức khỏe của mắt và loại băng vô trùng được sử dụng, bác sĩ có thể thay mới băng mắt hoặc giữ nguyên. Một số lưu ý bệnh nhân cần tuân thủ là:

  • Không được dụi mắt hoặc chạm vào mắt;
  • Sử dụng đúng loại thuốc nhỏ mắt với tần suất như bác sĩ đã chỉ định;
  • Nếu cần có thể sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ;
  • Mang kính râm khi ra đường để tránh ánh nắng chiếu trực tiếp;
  • Đeo kính bảo hộ trong 1 tháng đầu sau phẫu thuật, kể cả khi đi ngủ nhằm tránh trường hợp vô tình dụi mắt
  • Không để mắt dính nước, xà phòng trong vòng 1 - 2 tháng sau phẫu thuật;
  • Tránh nơi có nhiều khói, bụi, môi trường ô nhiễm;
  • Trong những tuần đầu sau phẫu thuật cần tránh tập thể dục nặng hoặc nâng đồ vật nặng;
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ về sức khỏe và tốc độ hồi phục của mắt trước khi quay lại làm việc;
  • Đi khám mắt định kỳ để theo dõi sự tiến triển của việc điều trị. Đặc biệt, nên đi khám ngay lập tức nếu có bất kỳ 1 trong các triệu chứng như đỏ mắt, đau, khó chịu ở mắt, suy giảm thị lực đột ngột, chảy nước mắt nhiều.

3.4 Một số biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật ghép giác mạc


Sau khi cấy ghép giác mạc thành công, người bệnh có nguy cơ gặp các vấn đề về mắt khác như loạn thị, thoái hóa điểm vàng, bệnh võng mạc tiểu đường,...
Sau khi cấy ghép giác mạc thành công, người bệnh có nguy cơ gặp các vấn đề về mắt khác như loạn thị, thoái hóa điểm vàng, bệnh võng mạc tiểu đường,...
  • Giác mạc cấy ghép bị đào thải: Hệ thống miễn dịch sẽ tấn công giác mạc được cấy ghép. Tỷ lệ giác mạc bị đào thải sau cấy ghép là 30%. Một số dấu hiệu cảnh báo giác mạc cấy ghép bị đào thải là: Bệnh nhân bị đau mắt, đỏ mắt, nhạy cảm với ánh sáng, tầm nhìn mờ giống như sương mù;
  • Vấn đề khác: Chảy máu, nhiễm trùng, võng mạc tách ra (mô lót phía sau mắt bị kéo ra khỏi mắt), tăng nhãn áp;
  • Một số vấn đề gây suy giảm thị lực: Sau khi cấy ghép giác mạc thành công, người bệnh có nguy cơ gặp các vấn đề về mắt khác như loạn thị, thoái hóa điểm vàng, bệnh võng mạc tiểu đường,...

Phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp giúp cải thiện thị lực cho bệnh nhân gặp các vấn đề ở giác mạc. Khi đồng ý thực hiện thủ thuật này, người bệnh cần tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ, tái khám định kỳ để đảm bảo hiệu quả điều trị thành công, hạn chế nguy cơ rủi ro.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe