Tìm ra virus bệnh dại như thế nào?

Bệnh dại là một bệnh lý nguy hiểm với tỷ lệ tử vong gần như tuyệt đối vì không có thuốc đặc hiệu để điều trị, chống lại vi rút dại là tác nhân gây bệnh. Tiêm vắc- xin phòng dại hay vắc-xin dại là biện pháp dự phòng bệnh dại có hiệu quả nhất, giúp giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do bệnh dại trong cộng đồng. Vắc-xin ngừa dại có nhiều loại, nạn nhân cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn và theo dõi.

1. Tổng quan về bệnh dại

Bệnh dại là tình trạng nhiễm virus Rhabdovirus hay vi rút dại cấp tính, trong đó hệ thần kinh trung ương là cơ quan bị tổn thương nghiêm trọng nhất. Virus dại gây bệnh xâm nhập vào cơ thể người chủ yếu qua nước bọt từ vết cắn hoặc viết liếm của động vật nhiễm bệnh. Những trường hợp lây trực tiếp giữa người với người hoặc do tiếp xúc với các vật dụng nhiễm vi rút dại rất hiếm khi xảy ra. Các ca bệnh dại hầu hết xuất hiện do lây từ động vật sang người, nhất là các loài động vật hoang dã như chó, mèo, cáo, chồn, khỉ, ngựa, trâu, bò, chó sói, chuột...

Ở nước ta và các quốc gia khác trong châu Á, nguồn lây bệnh dại chính là chó. Bệnh xuất hiện ở tất cả mọi tỉnh thành trong nước với tỷ lệ tử vong rất cao. Bệnh nhân khi được chẩn đoán mắc bệnh dại được xem như mang một bản án tử hình vì tỷ lệ tử vong có thể lên đến 99%.

Nguyên nhân của sự nguy hiểm này là do hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với virus dại. Phòng ngừa sau phơi nhiễm với vết cắn của động vật là công tác luôn cần được ưu tiên hàng đầu, trong đó bao gồm cả việc tiêm phòng vắc-xin dại. Bên cạnh đó, việc chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi cũng góp phần giảm tần suất mắc bệnh dại trong cộng đồng.

2. Nguyên nhân gây bệnh


Vi rút dại hay vi rút dại đường phố là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh dại
Vi rút dại hay vi rút dại đường phố là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh dại

Virus dại hay virus dại đường phố là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh dại. Trong quá khứ, bác sĩ Louis Pasteur đã nhiều lần thử nghiệm và tìm ra được các loại vi rút không độc cho người và không gây bệnh dại cho chó. Đây chính là tiền đề của vắc-xin ngừa dại ngày nay.

Vật liệu di truyền của vi rút dại là sợi ARN đơn, cùng với vỏ capsid tạo nên vị trí chứa độc tố của vi rút. Virus dại tồn tại được ở nhiệt độ phòng trong khoảng từ 1 đến 2 tuần. Ở môi trường có nhiệt độ càng thấp, khoảng thời gian vi rút có thể sống được càng kéo dài ra. Nhiệt độ cao, tia cực tím và các chất sát khuẩn thông thường, formol, cồn, xà phòng, cloramin B là những tác nhân có khả năng tiêu diệt vi rút dại nhanh chóng. Đây cũng là nguyên tắc cho khuyến cáo xử trí vết thương động vật cắn bằng dung dịch xà phòng.

Vi rút dại xâm nhập vào cơ thể người chủ yếu từ nước bọt của động vật, thông qua các vết cắn hoặc vết thương trên bề mặt da và niêm mạc. Theo ái tính tự nhiên, vi rút dại tiến đến hệ thần kinh trung ương gồm não bộ và tủy sống từ đầu mút các dây thần kinh ngoại biên. Vì thế vết cắn càng gần đầu thì triệu chứng xuất hiện càng sớm và nặng nề hơn.

3. Triệu chứng lâm sàng của bệnh dại

Thời gian ủ bệnh là khoảng thời gian từ khi bị động vật cắn đến khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng, ở bệnh dại trung bình khoảng 2 đến 8 tuần, thay đổi phụ thuộc vào động lực của vi rút dại và vị trí động vật cắn. Một ít các trường hợp được ghi nhận có thời gian ủ bệnh kéo dài đến hằng năm. Bệnh dại gây tổn thương hệ thần kinh trung ương nên biểu hiện chính trên lâm sàng là viêm não-màng não.

Bệnh nhân mắc bệnh dại có các biểu hiện của một tình trạng nhiễm trùng thông thường như sốt cao, mệt mỏi, số lượng bạch cầu tăng ưu thế bạch cầu đa nhân trung tính,... Sau đó, triệu chứng dị cảm quanh vết thương, tăng nhạy cảm xuất hiện mang tính gợi ý. Tính tình người bệnh thay đổi theo hướng hung dữ và dễ lo lắng, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng. Vào giai đoạn toàn phát, người bệnh phải trải qua những cơn co thắt cơ vùng hầu họng, cơ tứ chi và các cơ hô hấp. Bệnh nhân thường tử vong trong vòng vài ngày sau khi bệnh khởi phát vì liệt cơ hô hấp, ngừng thở. Ở những người tiêm phòng dại không đủ số mũi hoặc tiêm vào thời điểm muộn, triệu chứng có thể không điển hình như trên và dễ bỏ qua. Khi nghi ngờ, yếu tố dịch tễ, tiền sử bị động vật cắn cần được chú ý khai thác.

4. Chẩn đoán người mắc bệnh dại


Bệnh nhân mắc dại có số lượng bạch cầu trong máu tăng cao
Bệnh nhân mắc dại có số lượng bạch cầu trong máu tăng cao

Một chẩn đoán mắc bệnh dại cần được thực hiện cẩn thận bằng cách phối hợp giữa yếu tố tiền sử bị động vật cắn, các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng. Bệnh nhân mắc bệnh dại thường có các dấu hiệu sớm như sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng.

Xét nghiệm cận lâm sàng quan trọng nhất để chẩn đoán bệnh dại là nhóm xét nghiệm giúp phát hiện vi rút dại hoặc kháng thể đặc hiệu chống lại vi rút dại trong các bệnh phẩm của người bệnh. Bệnh nhân được chỉ định lấy mẫu tại vùng da ở gáy hoặc các bệnh phẩm từ hệ thần kinh trung ương để làm xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang hay xét nghiệm kháng thể miễn dịch huỳnh quang để phát hiện kháng thể đặc hiệu.

Xét nghiệm PCR, một xét nghiệm hiện đại, ngày nay đang được dùng để phát hiện các thành phần của vi rút dại. Các bệnh phẩm thường được lựa chọn làm xét nghiệm là nước bọt, dịch não tủy, da, nước mắt, mô não, ...

Ngoài ra, bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh dại cũng cần được thực hiện các xét nghiệm thường quy khác để chẩn đoán phân biệt và tiên lượng mức độ nặng của bệnh, bao gồm:

  • Công thức máu: bệnh nhân mắc dại có số lượng bạch cầu trong máu tăng cao, ưu thế dòng tế bào bạch cầu đa nhân trung tính.
  • Xét nghiệm dịch não tủy: kết quả sinh hóa và tế bào của dịch não tủy trong bệnh dại có những đặc điểm tương tự như trong bệnh cảnh viêm màng não với số lượng bạch cầu đơn nhân tăng ưu thế.
  • 10 thông số nước tiểu: bệnh nhân bị bệnh dại có số lượng bạch cầu và protein tăng trong nước tiểu.
  • CT scan sọ não hoặc MRI sọ não: bệnh dại không có những tổn thương đặc hiệu trên phim chụp. Tuy nhiên các phương tiện chẩn đoán hình ảnh này có thể được lựa chọn để phân biệt với các bệnh lý khác.

5. Bệnh dại có chữa được không?

Một sự thật đáng buồn rằng hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu chống lại vi rút dại. Điều này tương đồng với việc không có biện pháp nào giúp chữa khỏi bệnh dại một cách hoàn toàn. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh dại có tỷ lệ tử vong lên đến 99%. Người bệnh chủ yếu được điều trị bằng các phương pháp hỗ trợ làm nhẹ triệu chứng, hỗ trợ các chức năng sống cơ bản của cơ thể. Thời gian trung bình mà người bị bệnh dại sống thường không quá 3 tuần. Vì thế, vai trò và lợi ích của các biện pháp dự phòng sau khi bị động vật cắn cần được tuyên truyền và giải thích rõ với người dân để không bỏ qua cơ hội tự cứu lấy mình.

Sau khi bị động vật cắn, người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Ngay lập tức rửa vết thương bằng xà phòng, tiếp theo sát khuẩn vết thương bằng cồn Iốt.
  • Nếu vết thương chảy máu nhiều, cần cầm máu bằng vải hoặc gạc sạch. Có thể garo vết thương, nhưng cần lưu ý nới rộng dây garo sau mỗi 10 đến 15 phút trên đường vận chuyển.
  • Nạn nhân cần được đưa đến ngay cơ sở y tế để được xử trí lại vết thương, tư vấn và tiêm vắc-xin phòng dại hoặc/và huyết thanh kháng dại tùy vào từng trường hợp.

6. Tìm hiểu về vắc-xin phòng dại


Hiện đang có 2 loại vắc-xin tiêm phòng dại là Verorab và Abhayrab
Hiện đang có 2 loại vắc-xin tiêm phòng dại là Verorab và Abhayrab

Vắc-xin ngừa dại hay vắc-xin dại là một biện pháp giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh dại hiệu quả nhất. Vắc-xin phòng dại thuộc nhóm vắc-xin giảm độc lực, chứa thành phần có nguồn gốc từ vi rút dại, chỉ có khả năng kích thích cơ thể sản xuất kháng thể đặc hiệu chứ không còn khả năng gây bệnh. Vắc-xin phòng dại có nhiều loại, tùy thuộc vào nguồn gốc và cách sản xuất khác nhau.

Ở nước ta, vắc-xin dại hiện đang lưu hành trên thị trường có hai loại chính, gồm Verorab và Abhayrab. Đây là những loại vắc-xin thế hệ mới, có nhiều ưu điểm hơn thế hệ cũ về tính an toàn và độ hiệu quả. Liệu trình tiêm vắc-xin phòng bệnh dại khác biệt tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh nhân. Nạn nhân sau khi bị động vật cắn cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và theo dõi sát.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp cho quý khách hàng chương trình tiêm chủng trọn gói từ trẻ em đến người lớn với đầy đủ quyền lợi và dịch vụ kèm theo.

Trẻ sẽ được các bác sĩ chuyên khoa nhi – vắc-xin thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc - xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế thế giới nhằm đảm bảo hiệu quả tốt nhất và an toàn nhất cho trẻ.

Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng nhi giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, hiểu tâm lý trẻ và áp dụng cách giảm đau hiệu quả cho trẻ trong quá trình tiêm chủng.

100% trẻ tiêm chủng được theo dõi 30 phút sau tiêm và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.

Được theo dõi đa khoa trước, trong và sau tiêm chủng tại Hệ thống y tế Vinmec và luôn có ekip cấp cứu sẵn sàng phối hợp với phòng tiêm chủng xử trí các trường hợp sốc phản vệ, suy hô hấp – ngừng tuần hoàn, đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.

Phòng tiêm chủng thoáng mát, có khu chơi, giúp trẻ có cảm giác thoải mái như đang dạo chơi và có tâm lý tốt trước và sau khi tiêm chủng.

Vắc xin được nhập khẩu và bảo quản tại hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, giữ vắc-xin trong điều kiện tốt nhất để đảm bảo chất lượng.

Bố mẹ sẽ nhận tin nhắn nhắc lịch trước ngày tiêm và thông tin tiêm chủng của bé sẽ được đồng bộ với hệ thống thông tin tiêm chủng Quốc gia.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe