Tìm hiểu xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng - Bác sĩ điều trị bệnh Nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Thận là bộ phận quan trọng trong cơ thể liên quan trực tiếp đến chức năng lọc máu và đào thải các chất ra ngoài. Độ lọc cầu thận GFR được thể hiện qua chỉ số thanh thải creatinin và các chất khác trong cơ thể.

1. Độ lọc cầu thận GFR là gì?

Độ lọc cầu thận GRF được định nghĩa là lưu lượng máu lọc qua thận trong một đơn vị thời gian nhất định, cụ thể ở đây được tính theo mỗi phút.

Xét nghiệm độ lọc cầu thận GRF là một chỉ số dùng để đánh giá tình trạng hoạt động chức năng của thận qua việc đánh giá chỉ số thanh lọc của một số chất trong cơ thể như creatinin, ure... chứ không phải sử dụng để chẩn đoán trực tiếp các bệnh lý của thận. Trong cấu thành của thận, cầu thận được coi là các đơn vị chức năng quan trọng, có nhiệm vụ lọc máu, toàn bộ các chất được tái hấp thu hay đào thải qua đường bài tiết đều phải đi qua quả lọc cầu thận. Do đó, xét nghiệm này được gọi là xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận.

Khi hai quả thận khỏe mạnh, trung bình mỗi ngày có thể lọc được khoảng 200 lít máu để tạo ra khoảng 2 lít nước tiểu. Ngược lại, khi thận bị tổn thương hay bị mắc các bệnh lý về thận, chức năng thận bị suy giảm dẫn tới giảm thiểu khả năng lọc và các chất thải sẽ được tích tụ tăng dần trong máu. Lúc này, việc chỉ định xét nghiệm là hoàn toàn cần thiết để đánh giá hoạt động của thận.

Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận được thực hiện bởi việc kiểm tra và đo lượng creatinin trong máu. Creatinin là một trong những sản phẩm được tạo ra trong quá trình vận động của cơ bắp rồi vào máu và được lọc ra khỏi máu tại cầu thận. Khi thận bị tổn thương hay gặp các vấn đề làm ảnh hưởng đến chức năng lọc của cầu thận sẽ dẫn tới hệ quả là creatinin không được lọc hết ra khỏi máu mà còn tồn đọng trong máu với hàm lượng cao. Do đó, việc xét nghiệm đánh giá định lượng creatinin trong máu là yếu tố quan trọng trong việc đánh giá chức năng hoạt động của thận.

Hoạt động thanh lọc các chất của thận có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau nên nếu muốn đánh giá chính xác nhất về độ lọc cầu thận thì cần có công thức tính toán chính xác dựa trên các kết quả xét nghiệm kiểm tra được.

Thận có chứa rất nhiều các đơn vị chức năng khác nhau được gọi là nephron. Trong quá trình lọc và đào thải các chất, các nephron thường hoạt động độc lập với nhau. Do đó, để tính độ lọc cầu thận chuẩn, người ta ước tính độ lọc cầu thận của cả hai thận bằng độ lọc cầu thận của mỗi nephron nhân với tổng số nephron cấu thành nên thận. Số nephron của mỗi cơ thể là khác nhau, mức độ lọc của mỗi nephron trong một cá thể cũng là khác nhau, nên độ thanh lọc cầu thận của mỗi cơ thể hiển nhiên là khác nhau.

2. Công thức tính độ lọc cầu thận GRF


Công thức tính độ lọc cầu thận GRF
Công thức tính độ lọc cầu thận GRF

Công thức tính độ lọc cầu thận GRF: Hiện nay có rất nhiều các phương trình khác nhau được đưa ra để được áp dụng vào tính toán mức lọc cầu thận. Tuy nhiên, để thuận tiện cho việc tính toán, áp dụng công thức dễ hiểu, người ta đã nghiên cứu và chứng minh ra công thức tính độ lọc cầu thận như sau:

  • Độ lọc cầu thận = số lượng Nephron x Độ lọc cầu thận của 1 Nephron.
  • Độ lọc cầu thận = Số lượng Nephron x Hệ số siêu học x Diện tích lọc x (PCG - PBC) - (GC - BC)

Trong đó:

  • K là hệ số siêu lọc
  • S là diện tích lọc
  • PCG là áp lực thủy tính của các mao mạch cầu thận
  • PBC là áp lực thủy tĩnh của khoang Bowman
  • GC là áp lực keo của các mao mạch cầu thận
  • BC là áp lực keo của khoang Bowman

Dựa vào kết quả xét nghiệm độ thanh thải creatinin, đánh giá độ lọc cầu thận, người ta chia tính trạng hoạt động chức năng của thận thành các giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1: Độ lọc cầu thận lớn hơn hoặc bằng 90 ml/phút/1.73m2.

  • Chức năng thận vẫn hoạt động bình thường
  • Lâm sàng có một vài biểu hiện triệu chứng bất thường cảnh báo nguy cơ tổn thương thận như xét nghiệm nước tiểu có máu dương tính, nồng độ protein cao...

Giai đoạn 2: Độ lọc cầu thận trong khoảng từ 60 - 90 ml/phút/1.73m2.

  • Chức năng hoạt động của thận bị suy giảm nhẹ.
  • Có thể có hoặc chưa có các biểu hiện trên lâm sàng. Lưu ý với những trường hợp lâm sàng bệnh nhân chưa có biểu hiện triệu chứng, không vội vàng kết luận chẩn đoán mà cho theo dõi bệnh nhân thêm một thời gian nữa, kiểm soát cả về chỉ số xét nghiệm cận lâm sàng và các dấu hiệu lâm sàng.

Giai đoạn 3: Giai đoạn này có 2 mức độ khác nhau: giai đoạn 3A, độ lọc cầu thận từ 45 - 59 ml/phút/1.73m2. Giai đoạn 3B, độ lọc cầu thận nằm trong khoảng từ 3- - 40 ml/phút/1.73m2.

  • Chức năng hoạt động của thận bị suy giảm ở mức trung bình.
  • Lâm sàng có hoặc không có các bệnh lý về thận.

Giai đoạn 4: Độ lọc cầu thận ở khoảng từ 15 - 29 ml/phút/1.73m2.

  • Chức năng hoạt động của thận bị suy giảm nặng, khám có thể hoặc không phát hiện ra bệnh lý liên quan đến thận.

Giai đoạn 5: Ở giai đoạn này, độ lọc cầu thận xuống thấp, dưới 15 ml/phút/1.73m2.

3. Những lưu ý khi làm xét nghiệm độ thanh lọc cầu thận


Kiểm tra độ thanh thải creatinin để đánh giá mức lọc cầu thận
Kiểm tra độ thanh thải creatinin để đánh giá mức lọc cầu thận

Độ thanh thải creatinin trong cơ thể liên quan nhiều đến hoạt động của cơ. Một số hoạt động hay các bệnh lý cũng như thói quen ăn uống sinh hoạt cũng có thể làm thay đổi chỉ số creatinin trong máu. Do đó, khi làm xét nghiệm kiểm tra độ thanh thải creatinin để đánh giá mức lọc cầu thận cần phải lưu ý một số trường hợp sau:

  • Các trường hợp bệnh nhân có cơ bắp không hoạt động như bị liệt vận động, teo cơ...
  • Người bị dị tật bẩm sinh hay do tai nạn chấn thương dẫn đến bị thiếu một phần chi, có thể là thiếu một tay, một chân hay thiếu cả hai
  • Trường hợp bị suy dinh dưỡng hay bị suy thận cấp
  • Các bệnh nhân bị phù, tăng tích nước trong cơ thể
  • Phụ nữ có thai và trẻ em
  • Một số loại thuốc điều trị có thể làm thay đổi lượng creatinin trong máu như thuốc giảm đau chống viêm non-steroid, thuốc hạ cholesterol máu, thuốc chống nấm, thuốc kháng sinh, thuốc chống virus...

Trong cơ thể, thận là một bộ phận quan trọng, giữ vai trò chủ chốt trong việc lọc máu và tạo ra nước tiểu để bài tiết chất thải ra ngoài. Khi thận bị suy giảm hoạt động chức năng sẽ dẫn tới rất nhiều hệ quả khác mà có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người bệnh. Việc làm xét nghiệm kiểm tra và đánh giá mức lọc cầu thận là hoàn toàn cần thiết để có thể giúp hỗ trợ cho việc định hướng chẩn đoán cũng như tiên lượng bệnh và đưa ra phương hướng điều trị kịp thời, tránh những biến chứng về sau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe