Viêm nội tâm mạc là tình trạng bệnh lý nhiễm trùng hệ thống màng trong tim, có thể dẫn đến các tình trạng nguy hiểm đến tính mạng do tình trạng tổn thương các lá van tim hoặc bộ máy dưới van. Đột quỵ hoặc giảm lưu lượng máu đến các cơ quan có thể xảy ra khi các khối vi khuẩn bị vỡ ra và làm tắc nghẽn mạch máu. Do vậy, cần có biện pháp chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh nội tâm mạc kịp thời.
Bài viết bởi Tiến sĩ Đào Thị Mai Lan - Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec
1. Viêm nội tâm mạc là gì?
Viêm nội tâm mạc là tình trạng nhiễm trùng ở màng trong của tim và các van tim. Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập vào máu qua niêm mạc miệng, vết thương hở, kim tiêm. Nhiễm trùng cũng có thể xảy ra do các thủ thuật y tế từ vết mổ bị nhiễm trùng.
Thông thường, vi khuẩn xâm nhập vào máu đi qua tim và không gây hại nhờ sự bảo vệ của hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, vi khuẩn lưu thông trong dòng máu có thể bám vào mô tim vốn đã bị tổn thương do bị bệnh tim nào đó hoặc có van tim nhân tạo. Vi khuẩn có thể ẩn náu khỏi hệ thống miễn dịch và gây nhiễm trùng nguy hiểm.
Viêm nội tâm mạc có thể dẫn đến các tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Đột quỵ hoặc giảm lưu lượng máu đến các cơ quan có thể xảy ra khi các khối vi khuẩn bị vỡ ra và làm tắc nghẽn mạch máu. Vi khuẩn gây bệnh nội tâm mạc cũng có thể lây lan sang các cơ quan khác làm tổn thương các mô. Nếu bệnh không được kiểm soát có thể làm hỏng van tim vĩnh viễn, cuối cùng dẫn đến suy tim.
2. Nguyên nhân viêm nội tâm mạc
Viêm nội tâm mạc là do vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập vào máu từ bên ngoài cơ thể. Những người có trái tim khỏe mạnh thường ít khi bị viêm. Một số bệnh về tim và một số thủ thuật được sử dụng để điều trị một số loại bệnh tim, khiến họ dễ bị viêm hơn, bao gồm:
- Bệnh tim bẩm sinh
- Bệnh van tim
- Bệnh cơ tim phì đại
- Thay van tim nhân tạo
- Cấy ghép thiết bị hỗ trợ vào tim, chẳng hạn như máy tạo nhịp tim
Bệnh nhân đã từng bị mắc bệnh nội tâm mạc một lần dễ bị các nhiễm trùng tim khác. Những người bị suy yếu hệ thống miễn dịch (ví dụ, nhiễm HIV hoặc ghép tạng) cũng có nhiều khả năng bị nhiễm trùng tim hơn.
3. Phân biệt các loại viêm nội tâm mạc
Việc phân loại bệnh nội tâm mạc giúp trong việc đánh giá mức độ nguy hiểm và quyết định phương pháp điều trị, cũng như theo dõi một cách hợp lý để ngăn chặn biến chứng có thể xảy ra:
3.1. Bệnh bán cấp do vi khuẩn
Bệnh này thường được gây ra bởi vi khuẩn (SBE), thường phát triển một cách âm thầm và tiến triển chậm, nhưng lại mang theo nguy cơ nghiêm trọng. Nó thường xuất hiện ở bệnh nhân có van tim không bình thường và tiếp tục phát triển từ các tình trạng như bệnh nha chu, nhiễm trùng tiết niệu, hoặc nhiễm trùng tiêu hóa không được điều trị đúng, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết.
Các tác nhân gây bệnh phổ biến nhất là các loại streptococci (đặc biệt là Viridans, Enterococci,...) hoặc Gemella morbillorum.
3.2. Bệnh cấp tính do vi khuẩn
Loại bệnh này thường phát triển nhanh chóng, bắt đầu đột ngột và mang theo nguy cơ cao. Tác nhân gây bệnh thường là các vi khuẩn độc hại như S. aureus, nhóm liên cầu tán huyết nhóm A, phế cầu, lậu cầu,... Hầu hết các trường hợp còn kèm theo tổn thương van tim.
3.3. Viêm nội tâm mạc trên van nhân tạo
Đây là một bệnh lý phát sinh ở những bệnh nhân đã thay van tim nhân tạo, chiếm khoảng 2 - 3% trong tổng số các trường hợp. Nhiễm khuẩn thường xuất hiện sớm, trong vòng 2 tháng sau phẫu thuật, thường do nhiễm khuẩn trong quá trình phẫu thuật. Nhiễm trùng có thể xuất hiện muộn hơn, có thể do nhiễm khuẩn huyết xâm nhập hoặc nhiễm khuẩn trong quá trình phẫu thuật, nhưng thường là do vi khuẩn có độc tính thấp.
4. Triệu chứng viêm nội tâm mạc
Các triệu chứng của viêm nội tâm mạc cũng tương tự như bệnh cúm hoặc các bệnh nhiễm vi rút khác, bao gồm: Sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi trộm ban đêm, thiếu năng lượng, suy nhược, xanh xao, đau khớp và cơ bắp
Các dấu hiệu và triệu chứng khác bệnh nội tâm mạc có thể gồm:
- Xuất hiện vùng bị chảy máu dưới móng tay và móng chân (hiện tượng xuất huyết mảnh).
- Hiện diện các nốt đỏ không đau trên lòng bàn tay và lòng bàn chân (gọi là tổn thương Janeway).
- Các nốt đỏ và đau ở các miếng đệm của ngón tay và ngón chân (hạch Osler).
- Da, tròng trắng mắt hoặc miệng nổi đốm đỏ màu tím
- Khó thở.
- Ho dai dẳng.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân.
- Bàn chân, cẳng hoặc bụng bị sưng
Các triệu chứng của bệnh có thể phát triển nhanh chóng trong vài ngày hoặc tiến triển chậm trong vài tuần.
5. Chẩn đoán viêm nội tâm mạc
Các kiểm tra xét nghiệm chẩn đoán bệnh viêm nội tâm mạc sẽ là:
- Kiểm tra máu: Việc thực hiện xét nghiệm cấy máu nhằm xác định chủng loại vi khuẩn hoặc nấm gây nhiễm trùng. Đối với mỗi loại nhiễm trùng cụ thể, có những phương pháp điều trị riêng biệt được áp dụng. Công thức máu hoàn chỉnh cũng được thực hiện để tìm kiếm tổn thương cho các tế bào máu. Khi nghi ngờ mắc bệnh, cần cấy máu trước khi dùng kháng sinh. Những loại thuốc này có thể che giấu sự hiện diện của các vi sinh vật lây nhiễm trong máu.
- Siêu âm tim: Nhằm xem xét và đánh giá sức khỏe tim mạch và hình ảnh tim. Siêu âm tim có thể phát hiện các ổ vi khuẩn gây bệnh (Sùi) trên các lá van hoặc bộ máy dưới van.
- Điện tâm đồ (ECG): Nhằm xác nhận các trường hợp nhịp tim bất thường từ nhiễm trùng
- Chụp X-quang ngực, chụp cắt lớp vi tính (CT), hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI): để tìm tổn thương thực thể ở tim hoặc các cơ quan khác.
6. Điều trị viêm nội tâm mạc
6.1. Điều trị bệnh nội tâm mạc bằng thuốc
Để điều trị viêm nội tâm mạc, thường sử dụng liều kháng sinh hoặc thuốc chống nấm ở mức độ cao. Thuốc được tiêm trực tiếp vào hệ thống tĩnh mạch thông qua đường tĩnh mạch (IV). Thuốc thường được dùng liên tục trong khoảng 6 tuần. Điều trị bằng thuốc đối với bệnh viêm nội tâm mạc bắt đầu tại bệnh viện, nhưng một số bệnh nhân có thể hoàn thành quá trình điều trị qua đường tĩnh mạch tại nhà. Nhiễm nấm khó điều trị bằng thuốc hơn nhiễm vi khuẩn.
6.2. Phẫu thuật
Đôi khi cần phẫu thuật để loại bỏ các mô bị tổn thương hoặc các vùng bị nhiễm trùng. Phẫu thuật cũng có thể cần thiết để sửa chữa hoặc thay thế van tim bị tổn thương do viêm nội tâm mạc.
7. Các yếu tố rủi ro và phòng ngừa
Bệnh nhân có nguy cơ bệnh nội tâm mạc cao nên vệ sinh răng miệng tốt, bao gồm đánh răng thường xuyên, dùng chỉ nha khoa và đến gặp nha sĩ. Vi khuẩn gây bệnh thường xâm nhập vào máu mặc dù các mô trong miệng bị tổn thương do vệ sinh răng miệng kém (viêm lợi).
Những bệnh nhân có nguy cơ cao cũng nên tránh các thủ thuật thẩm mỹ hoặc xăm mình, bấm khuyên, vì vi khuẩn có thể đi qua da vào máu. Những người bệnh có rủi ro cao cũng nên thăm bác sĩ nếu vết thương thông thường không đều đặn lành hoặc lành chậm.
Cuối cùng, những bệnh nhân có nguy cơ bệnh nội tâm mạc cao có thể được kê đơn thuốc kháng sinh phòng ngừa trước một số thủ thuật y tế, bao gồm cả thủ thuật nha khoa có liên quan đến răng lợi, hoặc một số loại phẫu thuật.
Để bảo vệ sức khỏe bản thân và ngăn ngừa biến chứng viêm tâm nội mạch, người bệnh cần đến bệnh viện uy tín để tiến hành thăm khám và điều trị ngay khi có dấu hiệu của bệnh. Hiện nay, Trung tâm tim mạch - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec là một trong những trung tâm mũi nhọn về thăm khám, chẩn đoán, tầm soát và điều trị các bệnh lý tim mạch.
Với sự hội tụ của đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, có uy tín lớn trong lĩnh vực điều trị ngoại khoa, nội khoa, thông tim can thiệp và ứng dụng các kỹ thuật cao cấp trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch, cùng với hệ thống các trang thiết bị hiện đại, ngang tầm với các bệnh viện uy tín nhất trên thế giới như: Máy cộng hưởng từ MRI 3 Tesla (Siemens), máy CT 640 (Toshiba), các thiết bị nội soi cao cấp EVIS EXERA III (Olympus Nhật Bản), hệ thống gây mê cao cấp Avace, phòng mổ Hybrid theo tiêu chuẩn quốc tế... Trung tâm tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec đã gặt hái được nhiều thành công và có được niềm tin của đông đảo người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.