Bụi phổi amiang là một bệnh nghề nghiệp do thường xuyên tiếp xúc với chất amiang. Bụi phổi amiang là bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.
1. Tổng quan về bệnh bụi phổi amiang
Bụi phổi amiang là bệnh gây xơ hoá phổi, tổn thương màng phổi do thường xuyên tiếp xúc và hít phải sợi amiăng - là hợp chất được sử dụng nhiều trong các ngành vật liệu bởi có tính chịu nhiệt, acid, có khả năng chống cháy, cách âm, cách điện cao. Do đó, đây là bệnh nghề nghiệp, xuất hiện khoảng từ 5 - 20 năm sau khi tiếp xúc với hóa chất gây bệnh.
2. Đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi amiăng nghề nghiệp
Các công nhân làm việc trong những ngành nghề hoặc thao tác công việc sau có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi amiăng nghề nghiệp cao như:
- Sản xuất các loại vật liệu xây dựng trong đó có tấm lợp amiăng
- Khai thác, khoan, đập, đào quặng đá có amiăng
- Thực hiện các thao tác khô như tán, nghiền và sàng quặng đá có amiăng.
- Thực hiện các thao tác chải, kéo, dệt sợi amiăng
- Thi công tháo dỡ những công trình có amiăng
- Chế tạo xi-măng amiăng
- Chế tạo các vật dụng bằng amiăng
3. Triệu chứng bệnh bụi phổi amiang
Sau khoảng 10 - 20 năm tiếp xúc với hóa chất gây bệnh, hoặc trong trường hợp tiếp xúc nhiều thì sau 5 - 10 năm, bệnh bụi phổi amiang gây ra các triệu chứng sau:
- Khó thở hoặc khi thở phải gắng sức, thở khò khè.
- Đau tức vùng ngực.
- Ho nhiều, ho khan, có thể ho có đờm, ho ra máu.
4. Chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh bụi phổi amiang
4.1 Chẩn đoán bệnh bụi phổi amiang
Để chẩn đoán bệnh bụi phổi amiang, bác sĩ dựa vào những yếu tố sau:
- Tiền sử tiếp xúc hóa chất gây bệnh
- Các triệu chứng của bệnh: Dựa vào các triệu chứng để đánh giá mức độ tổn thương của bệnh.
- Chụp X-quang phổi: Hình ảnh X-quang phổi cho thấy bụi phổi amiang gây xơ hoá nhu mô phổi với các nốt mờ, dạng sợi s, t, u. Ngoài ra, còn có thể thấy hình ảnh màng phổi bị vôi hóa, dày màng phổi...
- Chụp cắt lớp vi tính độ phân giải cao: Kết quả hình ảnh cho thấy một số bất thường như màng phổi có đường mờ, nhu mô phổi dạng thô, xơ hóa, vôi hóa màng phổi, phổi tổ ong. Những bất thường này được phát hiện khi chụp cắt lớp vi tính độ phân giải cao mặc dù kết quả hình ảnh X-quang có thể vẫn bình thường.
- Đánh giá chức năng hô hấp: Khi đo thông khí phổi có thể cho kết quả bình thường hoặc có dấu hiệu của thuyên tắc phổi.
- Các kỹ thuật khác giúp xác định thể bụi phổi amiang có trong đờm, dịch phế nang, phế quản hoặc sinh thiết tắc nghẽn, hội chứng hỗ phổi.
4.2 Điều trị bệnh bụi phổi amiang
Cho đến nay bệnh bụi phổi amiang chưa có phương thức điều trị triệt để bởi phổi đã bị tổn thương, không thể phục hồi chức năng hoàn toàn. Do vậy, bệnh nhân chủ yếu được điều trị để làm giảm các triệu chứng của bệnh như tập hít thở, thở oxy, ... và điều trị những biến chứng mà bệnh gây ra như suy giảm chức năng hô hấp, chức năng tuần hoàn.
Để tránh gây biến chứng nặng thêm, người bệnh cần bỏ thuốc lá, hạn chế tiếp xúc với hóa chất gây bệnh, theo dõi và thăm khám để phát hiện bệnh kịp thời để được điều trị trong trường hợp bị nhiễm khuẩn.
5. Biến chứng của bệnh bụi phổi amiang
Bệnh bụi phổi amiang diễn tiến chậm và những tổn thương ở phổi do bệnh gây ra nếu tiếp xúc nhiều sẽ phát triển thành những biến chứng như:
- Tổn thương và làm suy giảm chức năng của hệ hô hấp như: Giãn phế quản, viêm phế quản, tràn dịch phổi, dày màng phổi, vôi hóa màng phổi, xẹp phổi, lao phổi, tăng nguy cơ ung thư màng phổi, màng bụng.
- Tăng nguy cơ bị ung thư phổi: Những bệnh nhân bụi phổi amiang có hút thuốc là sẽ có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn.
- Rối loạn chức năng tuần hoàn tạo máu như: u tủy, bệnh bạch cầu lympho, khối u nguyên bào lympho,...
Bụi phổi amiang không thể được điều trị triệt để, do đó, khi phát hiện bệnh cần hạn chế tiếp xúc với chất gây bệnh, đồng thời có chế độ sinh hoạt lành mạnh. Nếu thấy dấu hiệu bất thường, người bệnh cần thăm khám bác sĩ ngay.
XEM THÊM: