Tìm hiểu các dị tật bẩm sinh ở mắt

Ngay khi vừa chào đời, mắt của trẻ sơ sinh đã có thể quan sát được phạm vi rất nhỏ (khoảng 25cm) và liên tục gia tăng ở những ngày về sau. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngay khi vừa lọt lòng trẻ đã mắc phải một số bệnh lý liên quan đến thị giác. Nếu không được phát hiện và điều trị từ sớm khả năng cao sẽ ảnh hưởng đến thị lực về sau. Cùng tìm hiểu 7 dị tật mắt bẩm sinh phổ biến nhất qua bài viết sau.

1. Tổng quan về các dị tật bẩm sinh ở mắt

Thông thường các dị tật mắt bẩm sinh ở trẻ sẽ được người nhà phát hiện ngay sau sinh hoặc tình cờ phát hiện qua thăm khám mắt thông thường khi trẻ lớn. Có nhiều nguyên nhân khiến mắt bị dị tật bẩm sinh, ví dụ như: yếu tố di truyền, môi trường và yếu tố phôi thai học.

Một số dị tật bẩm sinh ở mắt có thể kể đến: sụp mi, quặm mi, tắc lệ đạo, khuyết mi, đục thủy tinh thể, glôcôm, không có mống mắt... Phương pháp điều trị sẽ được chỉ định tùy theo từng loại dị tật, mức độ và khả năng đáp ứng điều trị của trẻ.

2. Tổng hợp các dị tật ở mắt phổ biến

Cùng tìm hiểu đặc điểm, dấu hiệu nhận biết và đề xuất điều trị của 7 dị tật bẩm sinh ở mắt phổ biến nhất:

2.1. Sụp mí mắt bẩm sinh

Sụp mí bẩm sinh là hiện tượng liệt cơ nâng mí của 1 hoặc 2 mắt, dẫn đến tình trạng mí trên không mở to được làm hạn chế tầm nhìn, giảm thị lực và mất thẩm mỹ nghiêm trọng. Những trường hợp sụp mí bẩm sinh trẻ sẽ phải ngước lên trên mỗi khi nhìn để tầm nhìn tốt hơn. Nếu để lâu có thể kéo theo các di chứng như: nhược thị, lé mắt, tổn thương thị trường (cực trán)...

Trẻ sơ sinh có dị tật sụp mí sẽ có các biểu hiện như:

  • Mắt mở chậm sau khi sinh 1-3 ngày;
  • Độ nâng mi mắt kém tạo cảm giác mắt nhỏ hơn bên còn lại;
  • Giảm độ hẹp khe mí (dưới 10mm).

Để điều trị sụp mí bẩm sinh bác sĩ sẽ đánh giá và phân loại mức độ bệnh: nhẹ, vừa hay nặng. Với sụp mí mức độ nhẹ sẽ theo dõi và tái khám mỗi 3 - 6 tháng. Với mức độ vừa và nặng thì cần phẫu thuật nâng mi (Fasanella - Servat hoặc treo cơ trán) để ngăn ngừa nhược thị. Độ tuổi phẫu thuật tốt nhất cho trẻ là từ 4 - 5 tuổi.

2.2. Quặm mi bẩm sinh

Quặm mi là hiện tượng cuộn bờ mi vào trong nhãn cầu, khiến lông mi cọ xát liên tục vào giác mạc và kết mạc gây tổn thương cho mắt. Quặm mi có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh và lặp đi lặp lại. Dị tật ở mắt này nếu không được chữa trị có thể gây ra: ngứa mắt, tăng tiết nước mắt, ghèn, sẹo giác mạc, gia tăng nguy cơ viêm loét kết mạc, giảm sút thị lực hay thậm chí là mù lòa hoàn toàn. Do vậy cha mẹ cần điều trị quặm mi cho con trước khi gặp bất kỳ biến chứng nghiêm trọng nào.

Để điều trị quặm mi bẩm sinh bác sĩ sẽ đề xuất phẫu thuật chỉnh hình mi. Độ tuổi phẫu thuật phù hợp nhất là khi trẻ từ 1 - 3 tuổi, tùy theo mức độ bệnh.

2.3. Tắc lệ đạo bẩm sinh

Tỷ lệ mắc tắc lệ đạo bẩm sinh 5 - 20% và dễ xảy ra ở trẻ sinh thiếu tháng. Nguyên nhân gây ra bệnh là do bít tắc van Hasner. Trẻ bị tắc lệ đạo bẩm sinh thường có các dấu hiệu lâm sàng như:

  • Chảy tràn nước mắt tự nhiên từ lúc sinh (95% chảy trước 1 tháng tuổi);
  • Xuất tiết quanh mi và dính lông mi kéo dài;
  • Sưng đỏ mi;
  • Túi nhày lệ;
  • Viêm túi lệ cấp tính.

Để điều trị, đối với trẻ dưới 4 tháng tuổi bác sĩ sẽ day ấn vùng túi lệ và chỉ định kháng sinh tại chỗ. Đối với trẻ trên 4 tháng tuổi thì sẽ bơm rửa và thực hiện thông lệ đạo.

2.4. U bì kết giác mạc bẩm sinh

U bì kết giác mạc (hay gọi tắt là: u kết mạc mắt) là khối u xuất hiện ở vùng kết mạc mắt. Đây có thể là khối u lành tính hoặc ác tính gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, chức năng của kết mạc và cản trở tầm nhìn của mắt. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng khác.

Dấu hiệu để nhận biết u kết mạc mắt ở trẻ sơ sinh là:

  • Thấy xuất hiện khối u màu trắng/ vàng nhạt ở vùng rìa giác củng mạc;
  • U to dần, nổi gồ khỏi bề mặt giác củng mạc;
  • Trẻ không có cảm giác đau.

Tùy theo từng kích thước, nếu đó là u lành thì có thể loại bỏ bằng phương pháp đốt điện, laser hoặc dao kéo. Tuy nhiên với khối u kết mạc ác tính, việc điều trị sẽ khó khăn và phức tạp hơn. Gia đình nên đưa trẻ đến thăm khám và điều trị sớm để có kết quả khả quan nhất.

2.5. Đục thủy tinh thể bẩm sinh

Bệnh đục thủy tinh thể (đục thể thủy tinh) bẩm sinh xảy ra là do trẻ bị rối loạn chuyển hóa hoặc bị nhiễm vi khuẩn. Căn bệnh này có ảnh hưởng rất lớn đối với mắt của trẻ và nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến mù lòa. Các dấu hiệu nhận biết bao gồm:

  • Đồng tử trắng;
  • Trẻ hay nheo mắt, chói mắt;
  • Có dấu hiệu nhìn mờ, suy giảm thị lực.

Để điều trị sẽ cần phẫu thuật đục thủy tinh thể và đặt thủy tinh thể nhân tạo (Intraocular lens – IOL) nếu cần. Đồng thời thực hiện chỉnh quan để giúp trẻ phục hồi thị giác.

2.6. Bệnh glôcôm bẩm sinh

Bệnh glôcôm bẩm sinh là một trong những dị tật ở mắt nhưng thường được phát hiện muộn và để lại rất nhiều di chứng cho trẻ (tăng nhãn áp, đường kính giác mạc to, teo dây thần kinh thị giác, mù lòa...). Để nhận diện sớm cha mẹ cần chú ý các triệu chứng sau:

  • Trẻ sinh ra có giác mạc to, mắt to và đen hơn bình thường. Điều này dễ tạo cho cha mẹ hiểu nhầm mắt bé “to và đẹp”;
  • Trẻ ít mở mắt;
  • Mắt có dấu hiệu bị kích thích, sợ ánh sáng.

Để điều trị glôcôm bẩm sinh bác sĩ có thể đề xuất gia đình cho trẻ phẫu thuật rạch bè củng mạc, mở bè củng mạc hoặc cắt bè củng mạc.

2.7. Lé (lác) bẩm sinh

Lé mắt (lác mắt) là tình trạng hai mắt không thẳng hàng ở tư thế nguyên phát tức là khi nhìn thẳng về phía trước, một mắt lệch hẳn so với bên mắt còn lại. Tùy theo cơ bị ảnh hưởng mà mắt lác có thể phân chia thành lác trong, lác ngoài và lác đứng.

Nếu trẻ bị mắt lác trong giai đoạn phát triển thị giác có thể gây hạn chế thị lực ở mắt lác (nhược thị), mất khả năng nhận thức chiều sâu thị giác 2 mắt, khả năng canh khoảng cách kém giữa 2 vật, dễ bước hụt khi đi cầu thang...

Để điều trị tình trạng này, bệnh nhi sẽ được đề xuất phẫu thuật chỉnh lác trước khi 2 tuổi. Sau khi thực hiện phẫu thuật sẽ chỉnh quang, hướng dẫn trẻ tập mắt và phòng ngừa nhược thị.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp thông tin cho phụ huynh về 7 dị tật bẩm sinh ở mắt phổ biến nhất. Để đảm bảo thị lực cho trẻ, khi nhận thấy dấu hiệu bất thường ở mắt trẻ cha mẹ nên đưa con đi thăm khám càng sớm càng tốt và nhận định hướng điều trị từ bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe