Số liệu thống kê của Trung tâm Quan trắc môi trường Việt Nam đã cho thấy nồng độ bụi mịn pm2.5 và bụi mịn pm1.0 trong không khí tại khu vực Hà Nội và TP.HCM đang ở mức báo động, vượt ngưỡng tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới WHO và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
1. Bụi mịn pm2.5 là gì?
Bụi là danh từ chỉ một hỗn hợp phức tạp chứa các hạt vô cơ và hữu cơ ở dạng lỏng hoặc rắn, có khả năng bay lơ lửng trong không khí. Bụi hay hợp chất có trong bụi được gọi chung là Particulate Matter, ký hiệu pm.
Chắc hẳn nhiều người chưa từng nghe và không biết bụi mịn pm2.5 là gì và nó ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe. Giải thích về vấn đề này, giới chuyên môn định nghĩa bụi mịn pm2.5 là những hạt bụi li ti có trong không khí với kích thước 2,5 micron trở xuống (so với sợi tóc con người thì nó nhỏ hơn khoảng 30 lần). Bụi mịn pm2.5 được hình thành từ các chất như nitơ, carbon và các hợp chất kim loại khác.
Khi nồng độ bụi mịn pm2.5 trong không khí ở ngoài trời tăng lên thì sẽ làm cho không khí bị mờ đi và tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù. Bụi mịn pm2.5 có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp và gây nên một số bệnh nguy hiểm như đột quỵ, tim mạch, ung thư....Người thường xuyên phải tiếp xúc với bụi mịn có thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe như hắt hơi, sổ mũi, khó thở, khô mắt...khi tiếp xúc lâu dài thì sẽ làm gia tăng tỷ lệ giảm chức năng phổi, viêm phế quản mãn tính và tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim ở người bệnh. Theo thống kê thì mỗi năm, bụi mịn pm2.5 có thể tăng 10μg/m3, đồng nghĩa với việc số bệnh nhân cấp cứu vì bệnh cao huyết áp sẽ tăng 8% và các bệnh về tim mạch cũng tăng lên đáng kể.
Ngoài những mối nguy hiểm kể trên thì bụi mịn pm2.5 còn được mệnh danh là sát thủ có thể thúc đẩy, làm đẩy nhanh quá trình tiến triển của bệnh xơ gan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa và rối loạn chức năng gan, góp phần vào sự phát triển của bệnh tiểu đường.
2. Bụi mịn pm 1.0 là gì?
Hiểu một cách đơn giản thì bụi mịn pm 1.0 là những hạt bụi dạng lỏng, hoặc rắn trôi nổi ngoài không khí. Chữ PM là viết tắt của chữ tiếng Anh – Particulate Matter, có ý nghĩa là chất dạng hạt (rắn hoặc lỏng). Chỉ số 1.0 là chỉ số kích thước các hạt có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 1 micromet. Bụi mịn pm 1.0 (dưới 1 μm) đã xuất hiện tại nước ta từ vài năm trở lại đây, nhất là vào những ngày nhiệt độ xuống thấp hoặc không khí khô.
Ngoài bệnh khả năng gây ra các bệnh lý về hô hấp, thì bụi mịn pm 1.0 còn có thể tấn công vào phế nang, vượt qua vách ngăn khí – máu của người bệnh để đi vào hệ tuần hoàn và gây bệnh, thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh và gây ảnh hưởng đến cấu trúc của ADN, gây bệnh về tâm lý và giảm trí nhớ nghiêm trọng cho người bệnh.
3. Bụi mịn pm2.5 và pm 1.0 gây ra những tác hại khôn lường
Nghiên cứu của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế IARC và Tổ chức Y tế thế giới WHO đã cho thấy mối tương quan đồng thuận giữa mức độ ô nhiễm không khí với tỷ lệ người mắc ung thư trong vài năm trở lại đây. Cụ thể, nếu mật độ bụi mịn pm 1.0 có trong không khí tăng lên 10μg/m3 thì tỷ lệ ung thư cũng sẽ tăng 22%, và mật độ bụi mịn pm2.5 tăng thêm 10 μg/m3 thì tỷ lệ ung thư phổi sẽ tăng đến 36%.
Bụi mịn pm2.5 và pm 1.0 xâm nhập vào cơ thể người thông qua hệ thống hô hấp khi con người hít thở, tùy vào kích thước của hạt bụi thì mức độ xâm nhập sẽ có sự khác nhau. Trong khi bụi mịn pm 1.0 đi vào cơ thể qua đường dẫn khí và tích tụ lại trên phổi, thì bụi mịn pm2.5 lại nguy hiểm hơn vì chúng có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu của người bệnh.
Cơ thể người có sự tích tụ bụi mịn pm2.5 và bụi mịn pm 1.0 trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ phát bệnh ở hệ thống tim mạch, hô hấp, tuần hoàn và cả hệ sinh sản.
4. Bụi mịn pm2.5 và pm 1.0 ở Việt Nam hình thành như thế nào?
Con đường hình thành và sinh ra pm 2.5 và bụi mịn pm 1.0 ở các đô thị lớn hầu như là từ các công trình xây dựng, khí thải giao thông, nhà máy công nghiệp....
Theo số liệu được công bố tại hội thảo “Ô nhiễm không khí - Mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng” từ năm 2017 thì lượng bụi mịn pm 2.5 trung bình năm 2016 ở TP.HCM là 28,23 μg/m3 (cao gấp 3 lần so với tiêu chuẩn của WHO), và tại Hà Nội là 50,5 μg/m3 (cao 2 lần quy chuẩn quốc gia và gấp 5 lần so với ngưỡng trung bình của WHO). Cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí ở tại Hà Nội chỉ đứng sau thủ đô New Delhi của Ấn Độ ( nơi ô nhiễm không khí nặng nhất nhì thế giới với 124 μg/m3).
5. Làm thế nào để bảo vệ sức khỏe khi không khí bị ô nhiễm
Để có thể bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình khỏi mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và gia tăng ung thư thì việc đầu tiên là cần phải giảm triệt để các nguồn gốc sinh ra và phát tán bụi. Đồng thời ưu tiên sử dụng các phương tiện giao thông với nhiên liệu thân thiện với môi trường.
Song song với đó, cần phải phủ xanh môi trường sống và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ở mỗi người, cộng đồng. Nếu không cần thiết thì hãy tránh xa các nguồn gây ô nhiễm không khí, khi ra đường thì hãy đeo khẩu trang.
Ngoài ra, cũng cần phải nâng cao hệ thống miễn dịch bằng cách lên kế hoạch ăn uống với khẩu phần ăn giàu chế độ dinh dưỡng, rau xanh, trái cây giàu vitamin...để giúp hình thành và duy trì lớp niêm mạc ở đường hô hấp và đường tiêu hóa, giúp cơ thể có thể chống lại tổn thương tế bào, tăng cung cấp oxy cho tế bào.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.