Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Nếu bạn hay lo lắng tim đập nhanh, điều này có thể do nhiều nguyên nhân. Đôi khi là do cảm xúc tác động, ví dụ như bạn quá phấn khích vì đón nhận một tin tốt hoặc ngược lại, sắp phải đối mặt với một tình huống khiến bạn lo lắng. Tuy nhiên loạn nhịp tim cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một tình trạng nghiêm trọng hơn là rung tâm nhĩ.
1. Tổng quan về rung tâm nhĩ
Rung tâm nhĩ (Atrial Fibrilation) là một rối loạn nhịp tim trong đó các tín hiệu điện trong tim không được truyền đi đúng cách, khiến hai buồng trên của tim (tâm nhĩ) đập không theo nhịp bình thường mà chỉ”rung”.
Rung nhĩ rất thường gặp và có các đặc điểm:
- Lỡ một nhịp tim rồi sau đó là một tiếng đập mạnh và không đều.
- Lo lắng hồi hộp tim đập nhanh.
- Đổ mồ hôi bất thường.
- Đau tức ngực (đau thắt ngực).
- Chóng mặt.
- Mệt mỏi và suy nhược.
Các chuyên gia tim mạch đã cho thấy căng thẳng và lo âu có thể khiến các triệu chứng AFib trầm trọng hơn. Ngược lại nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người bị rung tâm nhĩ có khả năng cao bị trầm cảm hoặc lo lắng hơn. Nhìn chung dù là lý do gì thì tình trạng lo lắng tim đập nhanh cũng ảnh hưởng đến chất lượng thể chất và tinh thần của bạn.
2. Chẩn đoán rung tâm nhĩ
Làm sao để phân biệt tim đập nhanh do lo âu hay bị rung tâm nhĩ? Đó là một câu hỏi hay. Bác sĩ sẽ sử dụng một số xét nghiệm để chẩn đoán AFib và loại trừ chứng hồi hộp, lo lắng do cảm xúc.
Điện tâm đồ (EKG hoặc ECG) sẽ được áp dụng để ghi lại hoạt động điện học trong tim bệnh nhân. Đây là một đánh giá nhanh gọn không đau và rất nhanh có kết quả. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể để xuất người bệnh đeo máy theo dõi nhịp tim trong vài ngày để có dữ liệu chẩn đoán chính xác hơn.
Ngoài ra, bác sĩ còn có thể yêu cầu thêm một số xét nghiệm và đánh giá khác như:
- Bài kiểm tra thể lực có thể giúp chẩn đoán AFib nếu tập thể dục là nguyên nhân gây lo lắng hồi hộp tim đập nhanh. Để thực hiện điều này, bác sĩ có thể yêu cầu bạn chạy trên máy chạy bộ trong khi bạn đeo máy theo dõi nhịp tim.
- Xét nghiệm máu có thể giúp loại trừ các nguyên nhân khác gây ra cảm giác lo lắng tim đập nhanh, ví dụ như vấn đề về tuyến giáp.
- Chụp X-quang phổi sẽ giúp bác sĩ xem tình trạng tim và phổi của bạn. Chẩn đoán bằng hình ảnh X-quang cũng có thể giúp loại trừ các tình trạng khác.
Một số trường hợp bệnh nhân mắc rung tâm nhĩ lại không có triệu chứng, vì vậy việc chẩn đoán và điều trị cho những trường hợp này sẽ khó khăn hơn. Nhìn chung những người có nguy cơ vẫn cần phải đi chẩn đoán sàng lọc và điều trị từ sớm, nếu không rung nhĩ có thể dẫn đến suy tim và đột quỵ.
2.1. Những thông tin cần chủ động cung cấp cho bác sĩ
Khi bạn đến thăm khám và trao đổi với bác sĩ, hãy chuẩn bị trước những câu hỏi này nếu bạn nghi ngờ mình có thể bị lo lắng hoặc rung tâm nhĩ:
Nếu bạn nghi ngờ mình đang bị lo âu, trầm cảm:
- Sự lo lắng, hồi hộp của tôi có ảnh hưởng rõ ràng đến sức khỏe tim mạch của tôi không?
- Tôi có nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần không?
- Tôi có cần nhận tư vấn hoặc dùng thuốc điều trị lo âu không?
- Tôi nên làm gì ở nhà để giảm bớt căng thẳng?
- Có loại thực phẩm hoặc đồ uống nào tôi nên tránh không?
Nếu bạn nghi ngờ mình mắc AFib:
- Tôi có khả năng mắc phải rung tâm nhĩ loại nào: kịch phát, dai dẳng hay vĩnh viễn?
- Nguyên nhân là gì?
- Có loại thực phẩm hoặc đồ uống nào tôi nên tránh không?
- Những loại hoạt động hoặc tập thể dục nào an toàn đối với tôi?
- Tôi nên tránh những hoạt động hoặc bài tập thể dục nào?
- Tôi có cần thực hiện thủ thuật hoặc phẫu thuật nào không?
- Tôi có cần dùng thuốc điều trị gì không?
- Các bước tiếp theo là gì?
Cảm giác lo lắng tim đập nhanh thường xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào và ngoài yếu tố về cảm xúc, tinh thần thì còn có thể cảnh báo vấn đề nghiêm trọng ở tim như rung tâm nhĩ. Bất cứ khi nào thấy dấu hiệu bất thường người bệnh nên chủ động đến gặp bác sĩ để thăm khám và hỏi trực tiếp những câu hỏi trên. Hy vọng với sự chủ động của mình, mọi bệnh nhân đều có thể chung sống khỏe mạnh với rung tâm nhĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Webmd