Tiểu đường thai kỳ là tình trạng phổ biến mà rất nhiều thai phụ gặp phải khi mang thai từ tuần thứ 20 trở đi. Tiểu đường thai kỳ nếu không được kiểm soát kịp thời có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của cả mẹ và con.
1. Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng tuyến tụy không sản xuất đủ lượng nội tiết tố insulin để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Glucose muốn vận chuyển từ mạch máu vào tế bào cần sự hỗ trợ của insulin. Nếu phụ nữ có thai có lượng đường trong máu quá cao sẽ bị mắc tiểu đường thai kỳ.
Tiểu đường thai kỳ được xác định dựa trên xét nghiệm đường huyết.
- Người bình thường có chỉ số đường huyết trước bữa ăn từ 4 - 5,9 mmol/L, sau bữa ăn ít nhất 90 phút là dưới 7,8 mmol/L.
- Người bị đái tháo đường type 1 có chỉ số đường huyết trước bữa ăn từ 4 - 7 mmol/L, sau bữa ăn ít nhất 90 phút là dưới 8,5 mmol/L.
- Người bị đái tháo đường type 2 có chỉ số đường huyết trước bữa ăn từ 4 - 7 mmol/L, sau bữa ăn ít nhất 90 phút là từ 5 - 9 mmol/L.
Những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cao bao gồm:
- Người có thai khi ngoài 30 tuổi.
- Người có người thân trong gia đình mắc bệnh tiểu đường type 2.
- Người bị thừa cân, béo phì trước và trong khi mang thai.
- Người đã có tiền sử mắc tiểu đường thai kỳ ở lần mang thai trước đó.
Trắc nghiệm: Chỉ số tiểu đường thai kỳ nguy hiểm như thế nào đối với thai nhi?
Không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người mẹ, tiểu đường thai kỳ còn gây nguy hại đến sự phát triển của thai nhi. Cùng làm bài trắc nghiệm sau đây để hiểu rõ hơn về sự ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ đối với thai nhi như thế nào nhé!Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I, Lê Hồng Liên , chuyên khoa Sản phụ khoa , Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
2. Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường thai kỳ
Mặc dù có chế độ ăn uống hợp lý, không ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ ăn giàu chất béo nhưng nhiều thai phụ vẫn mắc tiểu đường thai kỳ. Nguyên nhân là do khi mang thai cơ thể thay đổi, nhu cầu năng lượng cao hơn mức bình thường, lượng đường cơ thể cần để đáp ứng nhu cầu năng lượng cũng tăng lên. Nhưng cơ thể lại không sản xuất kịp lượng insulin phù hợp để chuyển hóa đường trong cơ thể khiến bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
Ngoài ra, sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể cũng khiến việc sản sinh ra insulin bị ảnh hưởng, gây rối loạn nội tiết tố. Muốn chấm dứt tình trạng này cần phải điều chỉnh, cân bằng lượng insulin và lượng đường trong máu.
3. Bệnh tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?
3.1. Ảnh hưởng của bệnh tiểu đường thai kỳ đối với thai phụ
- Tăng nguy cơ sảy thai.
- Tăng nguy cơ bị chấn thương trong khi sinh nở do thai quá lớn, thường được chỉ định suy mổ.
- Tăng nguy cơ mắc tiền sản giật.
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng, băng huyết sau sinh.
- Tăng nguy cơ bị tiểu đường sau sinh.
3.2. Ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ đối với thai nhi
- Thai phát triển quá lớn: do hàm lượng đường trong máu của mẹ tăng cao, truyền qua thai nhi, kích thích tuyến tụy của em bé sản sinh ra nhiều insulin khiến thai nhi phát triển quá mức. Thai nhi to có thể dẫn đến nguy cơ mắc nhiều bệnh sau sinh như: vàng da, suy tim, khó thở, hạ đường huyết, đa hồng cầu... Thai to khiến sản phụ khó sinh, gặp nhiều nguy hiểm trong kỳ sinh nở, trẻ sinh ra dễ bị gãy xương đòn, trật khớp vai...
- Tăng nguy cơ sẩy thai, chết lưu thai, sinh non.
- Tăng nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh ở hệ thần kinh trung ương, xương, tim mạch, hệ tiêu hóa...
Việc đầu tiên các bà bầu cần làm khi phát hiện bị tiểu đường thai kỳ là thay đổi chế độ ăn uống để giảm lượng đường, chất béo trong bữa ăn hàng ngày. Không nên vì lo sợ tăng đường huyết mã bỏ bữa vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và dinh dưỡng cho thai nhi. Thậm chí bỏ bữa còn dễ bị hạ đường huyết, mệt mỏi, choáng váng, nguy cơ bị ngã dẫn đến sảy thai rất cao.
Nên duy trì 3 bữa ăn chính và 3 bữa phụ mỗi ngày. Bữa phụ có thể sử dụng các thực phẩm ít chất béo như: bánh mì, trứng luộc...Không để cân nặng vượt quá kiểm soát. Tăng cân nhiều có thể tạo ra thêm chất béo cho cơ thể. Nếu cơ thể có bất cứ dấu hiệu gì bất thường cần đến bệnh viện khám càng sớm càng tốt để có thể can thiệp, xử lý kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.